Sử dụng trẻ em biểu diễn nghệ thuật, đóng phim sẽ phải xin cấp phép

Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) sẽ quy định chặt chẽ hơn việc sử dụng lao động chưa thành niên, lao động trẻ em với những điều kiện làm việc cụ thể.
Trẻ em tham gia vào sáng tác tranh với thông điệp ngăn chặn lao động trẻ em. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Trẻ em tham gia vào sáng tác tranh với thông điệp ngăn chặn lao động trẻ em. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Việc sử dụng lao động chưa thành niên sẽ được quy định cụ thể hơn với những trách nhiệm rõ ràng hơn của chủ sử dụng lao động và cả của cơ quan Nhà nước đối với lao động dưới 13 tuổi.

Đây là những thông tin được đưa ra tại hội thảo tham vấn về những nội dung sửa đổi, bổ sung về lao động chưa thành niên trong dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tổ chức ngày 7/10, tại Hà Nội.

Cấp phép cho trẻ em hoạt động nghệ thuật

Theo Vụ Pháp chế (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), nội dung về lao động chưa thành niên được quy định tại Chương XI: Những quy định riêng đối với lao động chưa thành niên và một số lao động khác. Nếu như Bộ luật Lao động hiện hành quy định về lao động chưa thành niên gồm 5 điều (từ Điều 161 đến 165) thì dự thảo gồm 5 điều (từ Điều 143 đến 148).

Dự thảo mở rộng việc nhận diện lao động chưa thành niên không có quan hệ lao động trên thực tế; sửa đổi thuật ngữ người lao động, người lao động không có quan hệ lao động, lao động chưa thành niên; bổ sung nguyên tắc sử dụng lao động chưa thành niên theo hướng lao động chưa thành niên (chưa đủ 18 tuổi); bổ sung nguyên tắc sử dụng lao động chưa đủ 15 tuổi (người từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi; người chưa đủ 13 tuổi).

Tại Điều 145 của dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) đã quy định về việc sử dụng lao động chưa đủ 15 tuổi. Theo đó, người sử dụng lao động phải tuân thủ quy định ký kết hợp đồng lao động với người đại diện theo pháp luật và được sự đồng ý của người chưa đủ 15 tuổi, phải có giấy khám sức khoẻ xác nhận sức khoẻ phù hợp với công việc, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động... Bên cạnh đó, người sử dụng lao động phải bố trí giờ làm việc không ảnh hưởng đến thời gian học tập của người chưa đủ 15 tuổi.

[Lắng nghe nguyện vọng về giảm thiểu lao động trẻ em]

Đối với lao động từ 13 tuổi đến dưới 15 tuổi, dự thảo quy định chỉ được tuyển dụng vào các công việc nhẹ do Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quy định.

Sử dụng trẻ em biểu diễn nghệ thuật, đóng phim sẽ phải xin cấp phép ảnh 1Việc sử dụng lao động trẻ em tham gia các hoạt động nghệ thuật sẽ phải được cấp phép. (Ảnh minh hoạ: Viẹtnam+)

Bà Shelley Casey, chuyên gia pháp lý của UNICEF cho rằng việc bổ sung định nghĩa về “công việc nhẹ” phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, cần nêu rõ rằng “công việc nhẹ” là những công việc không nguy hiểm đến sức khoẻ hay sự phát triển thể lực của người chưa thành niên và không ảnh hưởng việc đến trường.

“Dự thảo cần quy định rõ trong luật rằng người chưa thành niên dưới 15 tuổi không được làm việc trong giờ đi học,” bà Shelley Casey nói.

Dự thảo cũng quy định về việc sử dụng lao động dưới 13 tuổi. Người sử dụng lao động không được tuyển dụng và sử dụng người chưa đủ 13 tuổi vào làm việc, trừ các công việc nghệ thuật, thể dục, thể thao nhưng không làm tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người lao động chưa đủ 13 tuổi và phải có sự đồng ý của cơ quan quản lý Nhà nước về lao động.

Bà Shelley Casey đánh giá cao quy định yêu cầu bất kì ai sử dụng trẻ em dưới 13 tuổi để biểu diễn nghệ thuật, thể dục, thể thao phải xin giấy phép cho việc sử dụng lao động trẻ em. Bà Shelley Casey nhấn mạnh, giấy phép phải quy định số giờ làm việc cho phép và những điều kiện bảo vệ khác.

Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết thêm, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố sẽ là đơn vị cấp phép sử dụng người chưa đủ 13 tuổi vào làm các công việc nghệ thuật, thể dục, thể thao với các điều kiện cụ thể về công việc là gì, thời gian làm việc, điều kiện làm việc...

Để quy định về cấp phép có thể triển khai trong thực tế, các đại biểu tại hội thảo cho rằng cần hướng dẫn cụ thể các tiêu chuẩn, quy trình khi cấp phép để cơ quan thực hiện có đủ cơ sở thực hiện.

Cho phép trẻ em làm giúp việc gia đình?

Hiện tại, dự thảo không quy định cấm sử dụng lao động chưa thành niên làm giúp việc gia đình. Tuy nhiên, lao động giúp việc gia đình là một công việc có khá nhiều đặc thù, thậm chí dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) cũng đã dành 5 điều (từ Điều 161 đến Điều 165) quy định riêng về nghĩa vụ, hợp đồng lao động, những hành vi bị nghiêm cấm... đối với lao động là người giúp việc gia đình. Do đó, các chuyên gia quốc tế cũng khuyến nghị cần cân nhắc kỹ hơn việc cho phép sử dụng lao động chưa thành niên làm giúp việc gia đình.

Bà Shelley Casey cho biết, để phòng tránh rủi ro, một số quốc gia như Brazil, Panama, Togo, Bờ Biển Ngà và Indonesia đã cấm sử dụng lao động chưa thành niên giúp việc gia đình và xếp công việc này vào nhóm công việc nguy hiểm cho người chưa thành niên. Một số quốc gia khác như Philippines, Malaysia cấm người chưa thành niên dưới 15 tuổi làm công việc giúp việc gia đình.

Bà Shelley Casey nhấn mạnh: “Lao động chưa thành niên giúp việc gia đình, cụ thể là những ai sống tại nhà chủ là đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương. Do đó, nếu cho phép người chưa thành niên làm công việc này cần bổ sung các biện pháp bảo vệ an toàn.”

Theo Bà Shelley Casey, cần giới hạn nghiêm ngặt về số giờ làm việc để bảo đảm bảo các em có đủ thời gian nghỉ ngơi, giáo dục-đào tạo, vui chơi-giải trí và ở bên gia đình; cấm làm việc ban đêm; cấm làm những công việc nặng nhọc về thể chất hoặc tinh thần; cần có cơ chế giám sát điều kiện sống và làm việc của trẻ em; tuổi lao động tối thiểu; xem xét cấm sống tại nhà chủ hoặc ngủ lại tại nơi làm việc...

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng cho rằng rủi ro đối với trẻ em làm giúp việc gia đình lớn, do đó cần xem xét bổ sung quy định cấm sử dụng lao động chưa thành niên làm giúp việc gia đình. Các chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hoàn thiện các quy định pháp luật nhằm bảo đảm tốt hơn việc xóa bỏ những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, đặc biệt là đối với những lao động chưa thành niên không có hợp đồng lao động./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục