Sự kiện quốc tế 3-9/7: Quan hệ Nga-Trung tốt đẹp nhất trong lịch sử

Chuyến thăm Nga của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hòa đàm Syria, phát hiện mới có thể thay đổi thuyết tương đối, Hội nghị thượng đỉnh G20 nằm trong số những sự kiện thế giới nổi bật tuần qua.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Nga
Ngày 3 và 4​/7, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Nga.

Đây là chuyến thăm Nga lần thứ hai của nhà lãnh đạo Trung Quốc kể từ khi nhậm chức hồi năm 2013.

Tại đây, hai nhà lãnh đạo Trung-Nga đã cùng nhau thảo luận nhiều vấn đề quan trọng nhằm tăng cường hợp tác chính trị, hợp tác kỹ thuật-quân sự và trong lĩnh vực nhân đạo, giải quyết các vấn đề quốc tế như chống khủng bố, tình hình Bán đảo Triều Tiên, cuộc khủng hoảng tại Syria...

Đánh giá về hiện trạng mối quan hệ Nga-Trung, các nhà phân tích cho rằng mối quan hệ này đang ở thời kỳ tốt đẹp nhất trong lịch sử.

Cho dù các nhà phân tích cho rằng mối quan hệ này khó có thể phát triển thành một liên minh, nhưng rõ ràng đây là mối quan hệ đối tác chiến lược ổn định và chính những thay đổi trong quan hệ quốc tế kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh đã đưa hai nước xích lại gần nhau hơn.

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, trong khi Nga là nguồn cung cấp năng lượng chủ chốt của Trung Quốc.

Kim ngạch thương mại song phương năm 2016 đạt 69,52 tỷ USD, và chỉ riêng trong 5 tháng đầu năm 2017 đạt 32,8 tỷ USD, tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sự kiện quốc tế 3-9/7: Quan hệ Nga-Trung tốt đẹp nhất trong lịch sử ảnh 1Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Nguồn: EPA/TTXVN)
CHDCND Triều Tiên tiếp tục thử tên lửa gây quan ngại
Ngày 4​/7, quân đội Hàn Quốc đưa tin, Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo từ khu vực lân cận Banghyon, tỉnh Bắc Pyongan, gần biên giới với Trung Quốc.

Tên lửa này đã bay khoảng 930km trong 40 phút trước khi rơi xuống biển Nhật Bản.

Đây là vụ phóng tên lửa thứ 10 của Bình Nhưỡng trong năm 2017, là vụ thứ 6 kể từ khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tuyên thệ nhậm chức hôm 10​/5 và diễn ra trước thềm Mỹ kỷ niệm Ngày Độc lập 4​/7.

Vụ phóng cũng diễn ra trong bối cảnh trước thềm hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại thành phố Hamburg, Đức để thảo luận về các nỗ lực giải quyết vấn đề hạt nhân và tên lửa của​ Triều Tiên.

Có thể thấy, từ đầu năm đến nay,​ Triều Tiên đã tiến hành thử tên lửa với nhịp độ chưa từng có, và vụ phóng tên lửa mới nhất này diễn ra ở thời điểm được xem là khá nhạy cảm, không chỉ bởi sau khi Tổng thống Mỹ Trump đe dọa đơn phương hành động nếu Trung Quốc không phối hợp để gây sức ép trong vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, mà còn bởi Bình Nhưỡng có tiền lệ phóng tên lửa đạn đạo trùng với thời điểm diễn ra các sự kiện ngoại giao quan trọng hay trước những cuộc gặp của các nhà lãnh đạo thế giới.​

Sự kiện quốc tế 3-9/7: Quan hệ Nga-Trung tốt đẹp nhất trong lịch sử ảnh 2Một vụ thử tên lửa của Triều Tiên. (Nguồn: EPA/TTXVN)
Bùng phát tranh chấp biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ
Quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã trở nên căng thẳng trong những ngày qua, sau khi quân đội Trung Quốc xây dựng một con đường tại khu vực ở Doklam, gần ngã ba biên giới Bhutan.

Động thái này của Trung Quốc được xem là thay đổi nguyên trạng. Mặc dù Trung Quốc và Bhutan đã trải qua nhiều thập kỷ đàm phán biên giới mà không có sự cố nghiêm trọng nào, nhưng lần này Bhutan đã cầu viện đến sự trợ giúp của Ấn Độ, một đồng minh lâu đời, để đưa quân tới khu vực tranh chấp.

Do đó, căng thẳng đã tăng cao khi cả Trung Quốc và Ấn Độ cùng điều quân đến gần đoạn biên giới mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, nhưng Ấn Độ lại cho rằng khu vực này thuộc lãnh thổ Bhutan.

Ngày 6​/7, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã cáo buộc Ấn Độ viện cớ bảo vệ Bhutan để hợp pháp hóa hành động xâm nhập biên giới Trung Quốc, đồng thời nước này hối thúc Ấn Độ ngay lập tức rút quân khỏi biên giới nước này và sửa sai bằng những hành động thực tế.

Trong khi đó, Quốc vụ khanh Bộ Quốc phòng Ấn Độ Subhash Bhamre lại cho rằng binh lính Trung Quốc đã đi vào lãnh thổ Bhutan. Ông cũng hối thúc Bắc Kinh rút quân khỏi khu vực biên giới của nước này,

Những tranh chấp biên giới lần này đã gây trở ngại cho việc xây dựng lòng tin giữa hai nước Trung-Ấn và được xem là cuộc đối đầu “tồi tệ nhất trong suốt 30 năm qua” giữa hai nước.
Hình ảnh Tổng thống Al-Assad lần đầu xuất hiện trên đồng tiền Syria
Hình ảnh của Tổng thống Bashar al-Assad lần đầu tiên xuất hiện trên đồng tiền Syria, trên tờ giấy bạc mới trị giá 2.000 bảng vừa được chính thức lưu hành vào ngày 2/7 vừa qua.

Tờ 2.000 bảng Syria mới này có mệnh giá tương đương khoảng 4 USD theo tỷ giá hối đoái hiện hành. Đồng bảng Syria đã sụt giảm về giá trị kể từ cuộc xung đột tại quốc gia Trung Đông này bắt đầu vào năm 2011, từ mức 47 bảng đổi 1 USD trong năm 2010 lên mức khoảng 500 bảng đổi 1 USD như hiện nay.

Trước đây, tờ mệnh giá cao nhất của đồng bảng Syria là 1.000 bảng. Hình ảnh của cố Tổng thống Hafez al-Assad, cha của ông Assad qua đời vào năm 2000, đã được in trên các đồng tiền xu và trên phiên bản cũ của tờ 1.000 bảng hiện vẫn đang được lưu hành.

Sự kiện quốc tế 3-9/7: Quan hệ Nga-Trung tốt đẹp nhất trong lịch sử ảnh 3Tờ giấy bạc mới trị giá 2.000 bảng có hình ông al-Assad. (Nguồn: SANA)
Hội nghị G20: Tìm quan điểm chung với vấn đề toàn cầu gây chia rẽ
Chiều 7/7 (theo giờ Hà Nội), Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã khai mạc tại thành phố Hamburg, Đức.

Diễn ra trong bối cảnh những diễn biến phức tạp trên thế giới cùng những bước điều chỉnh chính sách của một số nước trong thời gian qua, hội nghị đứng trước nhiều thách thức to lớn, đòi hỏi các nước phải thể hiện trách nhiệm trong việc giải quyết các vấn đề chung.

Hội nghị cũng là cơ hội để các nhà lãnh đạo G20 cùng các đối tác quan trọng tìm kiếm giải pháp vượt qua khó khăn và bất đồng nhằm đạt được mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng bền vững để góp phần định hình một thế giới kết nối.

Sự kiện quốc tế 3-9/7: Quan hệ Nga-Trung tốt đẹp nhất trong lịch sử ảnh 4Toàn cảnh Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hamburg ngày 7/7. (Nguồn: EPA/TTXVN)
Phát hiện mới có thể làm thay đổi thuyết tương đối của Einstein
Các nhà khoa học châu Âu ngày 6/7 thông báo đã phát hiện một loại hạt hạ nguyên tử mới có chứa một hỗn hợp các loại hạt sơ cấp quark chưa từng thấy bao giờ, tạo thành các khối vật chất căn bản nhất.

Hạt trên, mang tên "Xicc++", có chứa hai hạt quark "charm" nặng và một hạt quark "up," có kích cỡ lớn gấp 4 lần hạt baryon cùng họ là proton.

Theo nhà khoa học Matthew Charles, thuộc Phòng thí nghiệm LPNHE ở Paris (Pháp), vật chất này đã được dự đoán trong học thuyết Standard Model của ngành vật lý hạt và sự phát hiện ra loại vật chất này "không phải là một cú sốc."

Ông Charles là một trong 800 nhà khoa học được gắn tên mình cho các phát hiện của máy gia tốc hạt (LHC) thuộc Tổ chức nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN).

Hoạt động va chạm hạt là phổ biến nhất để phát hiện hạt cơ bản boson Higgs, loại tạo khối trên vật chất.

Nhóm nghiên cứu cho biết đây là lần đầu tiên họ nhìn thấy hạt Xicc++ với hai loại hạt quark nặng như vậy.

Xem thêm tại đây: Phát hiện mới có thể làm thay đổi thuyết tương đối của Einstein

Sự kiện quốc tế 3-9/7: Quan hệ Nga-Trung tốt đẹp nhất trong lịch sử ảnh 5(Nguồn: phys.org)
Qualcomm lại thêm "lửa" trong cuộc chiến pháp lý với Apple
Hai "đại gia" trong lĩnh vực công nghệ của Mỹ là Qualcomm và Apples bước vào một cuộc chiến pháp lý sau khi Qualcomm đệ đơn kiện "Trái táo cắn dở" vi phạm bản quyền sáng chế và yêu cầu một lệnh cấm nhập khẩu đối với một số linh kiện trong sản phẩm iPhone với lập luận rằng có sử dụng trái phép công nghệ của hãng này.

Theo thông báo ngày 6/7 của Qualcomm, tập đoàn này đã tiến hành hai hành động pháp lý riêng rẽ chống lại Apple.

Trong hành động thứ nhất, Qualcomm yêu cầu Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ đưa ra một lệnh cấm nhập khẩu vào Mỹ sản phẩm điện thoại thông minh iPhone được sản xuất tại Trung Quốc có lắp ráp các linh kiện mà Qualcomm cho là vi phạm bản quyền sáng chế của hãng này.

Trong khi đó, trong đơn kiện gửi Tòa án Quận Nam California, nhà sản xuất chip yêu cầu Apple bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm bản quyền sáng chế của hãng nói trên.

Cụ thể, Qualcomm cáo buộc Apples sử dụng không trả tiền 6 phát minh đã được cấp bằng sáng chế của hãng trong 4 năm qua liên quan tới kéo dài tuổi thọ của pin trong các thiết bị di động.

Xem thêm tại đây: Qualcomm lại thêm "lửa" trong cuộc chiến pháp lý với Apple

Sự kiện quốc tế 3-9/7: Quan hệ Nga-Trung tốt đẹp nhất trong lịch sử ảnh 6(Nguồn: techjuice.pk)
Hòa đàm Syria: Bất đồng kế hoạch thiết lập 4 vùng giảm căng thẳng
Sau hai ngày đàm phán tại thủ đô Astana của Kazakhstan, ngày 5/7, đại diện các nước gồm Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã không thể tìm được tiếng nói chung về chi tiết kế hoạch thiết lập 4 vùng giảm căng thẳng tại Syria.

Theo tuyên bố chung được đưa ra sau vòng đàm phán quốc tế thứ năm về Syria này, ba nước trên đã quyết định thành lập một nhóm làm việc nhằm hoàn tất thỏa thuận về việc thiết lập các vùng giảm căng thẳng tại Syria.

Dự kiến vòng đàm phán tiếp theo sẽ diễn ra tại Astana vào tuần cuối cùng của tháng Tám tới.

Trưởng đoàn đàm phán Nga Alexander Lavrentiev thừa nhận các bên vẫn chưa thể hoàn tất các văn bản phác thảo cách thức 4 vùng giảm căng thẳng hoạt động mặc dù đã "nhất trí về cơ bản."

Trong khi đó, phát biểu với báo giới, Trưởng đoàn đàm phán Syria Bashar al-Ja'afari cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã chặn việc thông qua các văn bản nhằm thực thi kế hoạch thiết lập các vùng giảm căng thẳng tại Syria.

Theo ông, chính lập trường của Ankara đã khiến kết quả đàm phán "rất khiêm tốn."

Xem thêm tại đây: Hòa đàm Syria: Bất đồng kế hoạch thiết lập 4 vùng giảm căng thẳng

Sự kiện quốc tế 3-9/7: Quan hệ Nga-Trung tốt đẹp nhất trong lịch sử ảnh 7Hòa đàm Syria: Bất đồng kế hoạch thiết lập 4 vùng giảm căng thẳng
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục