Sự sa sút của nền kinh tế nhấn chìm giá dầu xuống mức "đáy"

Giá dầu giảm khá mạnh trên thị trường New York trong phiên giao dịch ngày 14/8 trong bối cảnh một loạt số liệu kinh tế yếu kém vừa được công bố tại nhiều nước lớn.
Sự sa sút của nền kinh tế nhấn chìm giá dầu xuống mức "đáy" ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: npr.org)

Giá dầu giảm khá mạnh trên thị trường New York trong phiên giao dịch ngày 14/8 trong bối cảnh nhà đầu tư lo ngại về một loạt số liệu kinh tế yếu kém vừa được công bố tại nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới.

Đóng cửa phiên 14/8 tại sàn giao dịch New York, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 9/2014 giảm mạnh 2,01 USD xuống chốt phiên ở 95,58 USD/thùng - mức giá thấp nhất của loại dầu này kể từ tháng 1/2014. Trong khi đó, tại London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ cũng lao dốc 2,27 USD xuống 102,01 USD/thùng - mức đóng cửa thấp nhất kể từ tháng 6/2013.

Sự xuống dốc của thị trường dầu mỏ thế giới phản ánh những lo ngại của nhà đầu tư về sức tăng trưởng kinh tế trì trệ tại 18 quốc gia thành viên Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) trong quý 2 vừa qua.

Trong khi các nhà phân tích kỳ vọng nền kinh tế khu vực này có thể đạt tăng trưởng 0,2% thì thực tế, Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - lại suy giảm 0,2%, trong khi Pháp, nền kinh tế lớn thứ hai khu vực, "giậm chân tại chỗ."

Theo nhà phân tích Phil Flynn tại Price Futures Group, các con số đáng thất vọng này đã xảy ra ngay cả trước khi phương Tây tăng cường các lệnh trừng phạt đối với Nga và điều này được xem như là đang chất thêm sức ép lên nền kinh tế Đức nói riêng và Eurozone nói chung.

Sự trì trệ của nền kinh tế toàn khu vực này cũng kéo theo những quan ngại về nhu cầu dầu tại đây. Thêm vào đó, việc đường ống dẫn dầu Forties tại Biển Bắc hoạt động trở lại, cùng sản lượng dầu gia tăng tại Libya cũng khiến thị trường có "cảm giác" rằng nguồn cung dầu đang dồi dào, trong khi nhu cầu không có bước đột biến.

Cũng đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy sức tăng trưởng tại các nền kinh tế lớn "ngốn" nhiều năng lượng nhất đang chậm lại, như tăng trưởng tín dụng thấp trong tháng Bảy tại Trung Quốc, kinh tế Nhật Bản quý 2 suy giảm mạnh 6,8% so với cùng kỳ năm trước và doanh thu bán lẻ tại Mỹ trong tháng Bảy chỉ tăng rất nhẹ so với tháng Sáu.

Nhà phân tích James Williams thuộc WTRG Economics nhận định, sự sa sút của các nền kinh tế là nhân tố khiến dầu mỏ mất giá./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục