Sau sáu tháng đầu tiên cất cánh thương mại, doanh thu quý 2/2019 của hãng hàng không Bamboo Airways đã tăng hơn 3 lần so với quý 1.
Theo thông tin mới đây từ Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định - nơi Bamboo Airways đăng ký đầu tư và đặt trụ sở, nếu so sánh với lợi nhuận sau thuế -329,4 tỷ đồng tại thời điểm 30/4/2019 thì số liệu tại bảng cân đối kế toán tại thời điểm 30/6/2019 của Bamboo Airways, có thể thấy lợi nhuận âm đã giảm dần theo từng tháng.
Trong đó, khoản cho vay ngắn hạn của Bamboo Airways tại thời điểm 30/6/2019 là 986,4 tỷ đồng, đã giảm 7% so với thời điểm 30/4/2019 (1.062 tỷ đồng).
Các khoản cho vay này đều là các khoản cho các đối tác thường xuyên của Tập đoàn FLC vay, với mục đích tối ưu dòng tiền của Bamboo Airways và Tập đoàn FLC. Ngay khi Bamboo Airways cần sử dụng đến nguồn tiền này, việc thu hồi sẽ tương đối đơn giản, với sự hỗ trợ và đảm bảo của Tập đoàn FLC.
Đặc biệt, tính theo tổng thể từng quý thì kết quả kinh doanh đang ngày càng cải thiện theo chiều hướng tích cực. Doanh thu quý 2/2019 của Bamboo Airways cũng tăng mạnh, đạt 1.115,1 tỷ đồng, tăng tới hơn 242% so với quý 1.
[Bamboo Airways được tăng số máy bay lên 30 chiếc đến năm 2023]
Thực tế, Bamboo Airways mới đi vào hoạt động nên trong ba tháng đầu tiên, hãng hàng không này ở giai đoạn mới thâm nhập thị trường nên đã có những chính sách giảm giá, ưu đãi cho các dịch vụ vận chuyển để thu hút khách hàng. Cùng với đó, những khoản đầu tư ban đầu như xây dựng, mua sắm cơ sở vật chất trang thiết bị, đặt cọc thuê mua máy bay cũng sẽ phải chi trả trong thời gian này.
Đại diện Bamboo Airwways cho biết, hầu như tất cả các hãng hàng không mới ra đời đều sẽ phải chịu lỗ trong những năm đầu tiên. Với Bamboo Airwways, khoản lỗ trong thời gian đầu vận hành khai thác đều là nằm trong dự kiến. Tập đoàn FLC đã có văn bản giải trình cụ thể về kế hoạch phát triển đội tàu, năng lực khai thác tàu bay và tài chính.
Theo Quyết định số 1014/QĐ-TTg được Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ký ngày 14/8 về việc phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án vận tải hàng không Tre Việt tại Cảng hàng không Phù Cát, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, quy mô đội bay của Bamboo Airways được chính phức phê duyệt điều chỉnh tăng lên số lượng 30 máy bay đến năm 2023, bao gồm loại tàu bay thân hẹp Airbus A319/A320/A321 và loại tàu bay thân rộng Airbus A330, A350 hoặc Boeing B787. Cùng với đó, vốn góp tăng lên 1.300 tỷ đồng (vốn chủ sở hữu đã góp đủ 100%).
Trong Đại hội cổ đông thường niên 2019 của Tập đoàn FLC tổ chức cuối tháng 6/2019, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Bamboo Airways cho biết, trong khi chờ Bộ Giao thông Vận tải và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh tăng quy mô đội bay, Bamboo Airways đã chuẩn bị tương đối sẵn sàng và đang duy trì bộ máy nhân sự, cơ sở hạ tầng đủ cho khai thác 30-40 máy bay.
Hãng hiện có hơn 300 phi công đang làm việc và gần 80% trong số đó là phi công nước ngoài. Một máy bay cần trung bình 11-14 phi công (tùy loại thân hẹp hay thân rộng) để vận hành ổn định, nếu nhìn theo góc độ này thì với tổng số 300 phi công hiện tại, Bamboo Airways đang "dư" gần 200 phi công, sẵn sàng chờ đón các máy bay sắp được bổ sung.
Ông Quyết cũng nhấn mạnh khả năng sinh lợi nhuận ngay trong quý 1/2020 của Bamboo Airways phụ thuộc rất lớn vào quyết định phê duyệt của Chính phủ về quy mô đội bay hãng.
Hiện, Bamboo Airways đang khai thác 25 đường bay nội địa và quốc tế đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Hãng hàng không đang nghiên cứu tiến tới đưa vào triển khai đường bay quốc tế đường dài sang Đức, Cộng hoà Séc, Anh và đặc biệt là đường bay thẳng tới Mỹ.
Sau một năm ra mắt, trong tháng Tám này, Bamboo Airways sẽ đón chuyến bay thứ 10.000, với tỷ lệ lấp đầy đạt trung bình 90%, tỷ lệ đúng giờ xấp xỉ 93,8%, cao nhất toàn ngành sáu tháng đầu năm 2019 và tỷ lệ an toàn tuyệt đối 100%./.