Sức trẻ nơi tuyến đầu phòng, chống dịch: Nhiều mô hình, cách làm hay

Gần 106.000 lượt tình nguyện viên trẻ đã tham gia công tác phòng chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh gồm học sinh, sinh viên, giảng viên, học viên ngành y, thanh niên tình nguyện…
Sức trẻ nơi tuyến đầu phòng, chống dịch: Nhiều mô hình, cách làm hay ảnh 1Thanh niên tình nguyện vận chuyển gạo, lương thực cho những hộ dân thuộc khu vực phong tỏa trên địa bàn quận Tân Phú. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)

Trong những ngày đại dịch COVID-19 diễn ra nghiêm trọng nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh, mọi hoạt động tiếp xúc đều bị hạn chế, Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh cùng các cơ sở quận, huyện Đoàn trực thuộc đã phát huy tốt vai trò xung kích của thanh niên với nhiều cách làm, mô hình hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực, tập hợp được đông đảo đoàn viên, thanh niên hỗ trợ chính quyền thành phố trong công tác phòng, chống dịch.

Đồng thời triển khai các mô hình

Ngay từ những ngày đầu dịch bùng phát, huyện Đoàn Hóc Môn đã nhanh chóng kích hoạt và triển khai các đội hình tình nguyện hỗ trợ người dân với hơn 10.000 lượt đoàn viên, thanh niên tham gia.

Điển hình như đội hình phản ứng nhanh tham gia phòng chống dịch hỗ trợ cấp phát thuốc F0, vận chuyển bình oxy; đội hình hỗ trợ vận chuyển nhu yếu phẩm, hàng hoá cho người dân trong khu vực phong tỏa, cách ly; đội hình hỗ trợ trực chốt; đội hình đi chợ giúp dân; đội hình nhập liệu lấy mẫu xét nghiệm…

Huyện Đoàn Hóc Môn cũng tăng cường chỉ đạo các cơ sở Đoàn đẩy mạnh tuyên truyền “Đi từng ngõ, gõ từng nhà,” tổ chức các đội hình xe loa tuyên truyền lưu động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; thực hiện nguyên tắc 5K; vận động đoàn viên, thanh niên, học sinh và nhân dân không chủ quan, lơ là, cần chủ động trong phòng, chống dịch bệnh.

Các tổ chức Đoàn từ huyện đến cơ sở đã phát huy nguồn lực tại chỗ, vận động hỗ trợ từ các tổ chức, các đơn vị tài trợ thực hiện gian hàng 0 đồng, trao tặng hơn 10.000 phần thực phẩm cho người dân tại các khu vực phong toả, khu nhà trọ, người có hoàn cảnh khó khăn… với tổng trị giá hơn 2,3 tỷ đồng.

Cùng với đó, Huyện Đoàn Hóc Môn còn thực hiện hơn 500 đơn hàng trong chương trình “Chợ nghĩa tình,” giao đến người dân có hoàn cảnh khó khăn tại các khu vực bị phong tỏa; thực hiện hiệu quả dự án “ATM Oxy,” phong trào “Mở rộng vùng xanh trên bản đồ COVID,” hỗ trợ oxy cho hơn 120 người dân bị bệnh nền và không may bị nhiễm SARS-CoV-2 cần hỗ trợ về oxy.

[Ngành y tế TP.HCM tri ân các lực lượng hỗ trợ chống dịch COVID-19]

Theo Ủy ban nhân dân huyện Hóc Môn, các hoạt động của tuổi trẻ đã góp phần cùng các đoàn thể chính trị huyện Hóc Môn trong phòng, chống dịch COVID-19; khơi dậy được sức trẻ, thể hiện vai trò xung kích, tình nguyện nhiệt huyết của lực lượng đoàn viên, thanh niên bằng những việc làm cụ thể; lan tỏa hình ảnh năng động, nghĩa tình của tuổi trẻ thành phố mang tên Bác.

Tại Quận 10, Đoàn Thanh niên quận đã xây dựng các đội hình thanh niên tình nguyện phản ứng nhanh phòng, chống dịch bệnh, trong đó có đội hình “Thanh niên tình nguyện tham gia lấy mẫu xét nghiệm phòng chống dịch COVID-19,” kết nối được hơn 60 tình nguyện viên tham gia hỗ trợ các nhiệm vụ phòng, chống dịch như hỗ trợ tại các điểm tiêm vaccine, lấy mẫu xét nghiệm, trực chốt cách ly phong tỏa, hỗ trợ vận chuyển nhu yếu phẩm, đi chợ giúp người dân...

Quận Đoàn 10 còn phối hợp với các ban, ngành tổ chức chương trình “Trao gửi yêu thương, cùng em đến trường” cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn đang học trực tuyến vào dịp năm học mới.

Chương trình đã trao 100 phần quà là các nhu yếu phẩm cần thiết, kèm theo đó là bộ dụng cụ học tập (sách giáo khoa, tập vở, bút viết…) và 100 máy tính bảng có kết nối internet để hỗ trợ các em học trực tuyến trong thời gian giãn cách. Tổng kinh phí thực hiện chương trình là 500 triệu đồng.

Trong khi đó, Quận 8 cũng là một trong những “điểm nóng” của Thành phố Hồ Chí Minh trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát. Hàng chục đoàn viên, thanh niên đã thành lập các đội hình thanh niên tình nguyện trực chốt hỗ trợ từ 6-20 giờ/ngày tại Chợ đầu mối Bình Điền để đảm bảo an toàn phòng dịch.

Anh Huỳnh Duy Hiếu, Bí thư Đoàn thanh niên Chợ đầu mối Bình Điền cho biết, với 3 ca trực xuyên suốt trong ngày tại 3 cổng vào chợ, lực lượng thanh niên tình nguyện có trách nhiệm phân làn đường, kiểm soát thân nhiệt, hướng dẫn khai báo y tế và nhắc nhở tiểu thương, bà con đi chợ đảm bảo các quy tắc về phòng, chống dịch bệnh.

Trung bình mỗi bạn phải trực chốt từ 8-12 giờ và chỉ được nghỉ khoảng một giờ để ăn cơm. Với mật độ tiếp xúc cao, dù nắng hay mưa các tình nguyện viên phải mặc đồ bảo hộ khi làm nhiệm vụ trong suốt ca trực. Có những lúc nóng nực, khát nước hoặc kiệt sức trong bộ đồ bảo hộ, song với tinh thần trách nhiệm cùng với sức trẻ, các tình nguyện viên đều quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ với nỗ lực cao nhất.

Kết nối, tập hợp giới trẻ tham gia chống dịch

Ngay từ khi dịch vừa bùng phát, Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai mô hình vận động thanh niên tham gia chống dịch qua các trang mạng xã hội trực thuộc Thành Đoàn, đặc biệt là trang Go Volunteer.

Sức trẻ nơi tuyến đầu phòng, chống dịch: Nhiều mô hình, cách làm hay ảnh 2Các lực lượng thanh niên hỗ trợ người dân mua sắm thực phẩm tại “Gian hàng 0 đồng” ở phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)

Cách làm này nhanh chóng mang lại hiệu quả với hàng chục nghìn bạn trẻ đã được kết nối, tập hợp. Đặc biệt hơn, công tác tuyên truyền, nhân rộng các câu chuyện đẹp, điển hình tiêu biểu trong chống dịch thông qua mạng xã hội đã lan toả đến đông đảo đoàn viên, thanh niên và người dân thành phố.

Phó Bí thư Thường trực Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh Ngô Minh Hải chia sẻ, từ những ngày đầu của đợt bùng phát dịch lần thứ 4 vào tháng 5/2021, Thành Đoàn đã triển khai ngay các đội hình tình nguyện phản ứng nhanh phòng chống dịch.

Để có thể nhanh chóng tập hợp một lực lượng lớn tình nguyện viên hỗ trợ các tuyến đầu nhưng phải đảm bảo an toàn, Thành Đoàn đã thành lập các nhóm điều hành tình nguyện viên, lựa chọn phương thức tập hợp thanh niên qua nhóm Go Volunteer trên mạng xã hội Facebook, từ đó tuyển chọn tình nguyện viên tham gia vào các đội hình phù hợp.

Theo anh Ngô Minh Hải, thời điểm đầu triển khai, nhóm Go Volunteer chỉ có 7 đội hình với gần 3.000 thành viên nhưng chỉ sau vài tuần thì nhanh chóng tăng lên 27 đội hình với gần 72.000 thành viên. Có những ngày, số lượng tình nguyện viên đăng ký lên đến 3.000 người, ở khắp Thành phố và 34 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Đến nay, gần 106.000 lượt tình nguyện viên đã tham gia phòng chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh gồm học sinh, sinh viên, giảng viên, học viên ngành y, thanh niên tình nguyện…

Các tình nguyện viên đã phối hợp với đơn vị chức năng có liên quan điều phối, hướng dẫn gần 800.000 người dân tại các điểm lấy mẫu xét nghiệm; thực hiện gần 24.000 giờ nhập liệu tại các khu vực lấy mẫu với hơn 2,1 triệu mẫu được nhập liệu; triển khai gần 13.000 tình nguyện viên hỗ trợ tiêm vaccine tại các điểm, hỗ trợ người dân tại các cơ sở điều trị, khu cách ly, bệnh viện điều trị, bệnh viện dã chiến; hỗ trợ vận chuyển hơn 1.200 tấn hàng hóa đến các lực lượng chức năng, người dân…

Hiện tại, dù đại dịch đã được kiểm soát nhưng Thành Đoàn vẫn tiếp tục duy trì khoảng 7.000 tình nguyện viên tại các địa phương để sẵn sàng hỗ trợ chống dịch khi cần.

Các đơn vị sự nghiệp của Thành Đoàn thành phố đã triển khai nhiều hoạt động đồng hành với người dân, sinh viên bị ảnh hưởng của dịch. Theo đó, các tổ chức Đoàn, Hội đã tặng hơn 82,6 tấn gạo và nhu yếu phẩm đính kèm (trị giá 1,7 tỉ đồng) thông qua mô hình “ATM gạo.”

Ngoài ra, Thành Đoàn còn triển khai mô hình “Tủ lạnh cộng đồng” tại 8 quận, huyện với số nhu yếu phẩm tặng miễn phí cho bà con trị giá 963 triệu đồng cùng 4.900 phần quà cho người yếu thế, người dân có hoàn cảnh khó khăn, tổng trị giá hơn 1,2 tỷ đồng; thực hiện bếp ăn nghĩa tình với gần 130.000 suất ăn có thịt miễn phí.

Thành Đoàn hỗ trợ hơn 18.630 phần quà trị giá 1,86 tỉ đồng thông qua chương trình “Vòng tay Việt”; hỗ trợ người dân mua hàng miễn phí với tổng trị giá gần 1,5 tỉ đồng thông qua dự án “Chợ nghĩa tình;” mô hình “Siêu thị mini 0 đồng” với 8.285 phần quà được gửi đến sinh viên ở 37 ký túc xá trị giá 1,69 tỷ đồng...

Ghi nhận những nỗ lực của lực lượng đoàn viên, thanh niên thành phố trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, Phó Bí thư Thường trực Thành Đoàn Ngô Minh Hải nhấn mạnh, sự cố gắng, kiên trì, bền bỉ của các cơ sở Đoàn, Hội và hàng chục nghìn đoàn viên, thanh niên tình nguyện đã mang lại những kết quả tích cực, giúp Thành phố Hồ Chí Minh vượt qua khó khăn, thách thức của dịch bệnh để dần tiến đến “bình thường mới” như hiện nay.

Thời gian tới, Đoàn Thanh niên Cộng sản Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục chủ động, linh hoạt thiết kế các nội dung, phương thức hoạt động phù hợp với tình hình mới; chủ yếu vẫn tập trung vào các hoạt động tuyên truyền, tình nguyện chống dịch và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng vì dịch.

Các cấp đoàn cơ sở nhanh chóng thực hiện chuyển đổi số, phát huy sức mạnh của công nghệ số để kết nối, tập hợp các nguồn lực, nhân lực tình nguyện một cách hiệu quả.

Cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn đang tiếp diễn với nhiều thách thức, nhưng với nhiệt huyết của tuổi trẻ, ý chí quyết tâm, xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, đoàn viên, thanh niên Thành phố sẽ góp phần tiếp sức thêm cho lực lượng tuyến đầu, tiếp tục bồi đắp niềm tin chiến thắng đại dịch, vì cuộc sống bình yên của người dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục