Taliban tìm cơ hội đàm phán quốc tế về hỗ trợ nhân đạo cho Afghanistan

Taliban sẽ tạo điều kiện cho mọi tổ chức cứu trợ tham gia hỗ trợ nhân đạo và hậu cần cho người dân Afghanistan, mở cửa biên giới và tạo hành lang an toàn cho các xe, tàu chở hàng và nhân viên cứu trợ.
Taliban tìm cơ hội đàm phán quốc tế về hỗ trợ nhân đạo cho Afghanistan ảnh 1Phụ nữ và trẻ em những người phải rời bỏ nhà cửa do chiến tranh, đợi khám bệnh tại một phòng khám ở làng Yarmuhamad, tỉnh Helmand, Afghanistan, ngày 28/3/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 10/2, lực lượng Taliban đề xuất tiến hành đàm phán trực tiếp với cộng đồng quốc tế về vấn đề cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho Afghanistan.

Theo thông báo từ phái đoàn đại diện Taliban đang ở Geneva (Thụy Sĩ), lực lượng này kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng Afghanistan hợp tác trên cơ sở minh bạch và có trách nhiệm, và đáp ứng nhu cầu hỗ trợ nhân đạo cho quốc gia này.

Thông báo nêu rõ Taliban muốn tạo điều kiện cho mọi tổ chức cứu trợ tham gia hỗ trợ nhân đạo và hậu cần cho người dân Afghanistan, mở cửa biên giới và tạo hành lang an toàn cho các đoàn xe, tàu chở hàng và nhân viên cứu trợ.

Kể từ khi Taliban lên nắm quyền tại Kabul từ tháng 8/2021 sau khi Mỹ và lực lượng quốc tế rút lui, Afghanistan càng lún sâu vào cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính, có nguy cơ đẩy hơn 50% dân số nước này vào tình trạng đói ăn.

[Afghanistan: Đại học mở cửa trở lại, sinh viên nữ được phép tới trường]

Nhiều tháng qua, Liên hợp quốc đã nỗ lực tìm cách nới lỏng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Kabul từ tháng 8/2021 để tránh đẩy quốc gia Tây Nam Á đến bờ vực sụp đổ.

Phái đoàn Taliban gồm 10 người đang ở Thụy Sĩ để tìm kiếm cơ hội đàm phán với các tổ chức phi chính phủ (NGO).

Phái đoàn do ông Qalander Ebad, người được Taliban bổ nhiệm làm Bộ trưởng Y tế Afghanistan, đến Thụy Sĩ theo lời mời của tổ chức phi chính phủ Appel de Geneve, chuyên vận động bảo vệ dân thường ở những vùng chiến sự. Tổ chức này đã hoạt động tại Afghanistan trong nhiều năm.

Taliban cũng coi đây là cơ hội để gặp gỡ lãnh đạo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và tìm kiếm các cuộc đàm phán với Hội Chữ thập đỏ cũng như các quan chức ngoại giao của châu Âu, trong đó có đại điện Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ. Tất cả các cuộc gặp đều diễn ra dưới hình thức họp kín.

Trước đó, ngày 10/2, Thụy Sĩ ra thông báo nêu rõ chuyến thăm của phái đoàn không đồng nghĩa rằng Chính phủ Thụy Sĩ công nhận chính quyền do Taliban đứng đầu tại Afghanistan.

Cho đến nay, cộng đồng quốc tế vẫn chưa công nhận chính quyền mới tại Afghanistan, kêu gọi Taliban đảm bảo mọi quyền lợi cho người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục