Tăng cường truyền thông để tiến tới thực hiện bình đẳng giới thực chất

Sự tham gia của nam giới và tăng cường truyền thông trong lĩnh vực bình đẳng giới được xác định là những giải pháp quan trọng nhằm tiến tới thực hiện mục tiêu bình đẳng giới thực chất.
Tăng cường truyền thông để tiến tới thực hiện bình đẳng giới thực chất ảnh 1Việc thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới đang gặp khó khăn do COVID-19. (Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, vấn đề bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em vốn đã tồn tại trước đó lại có nguy cơ trở nên càng trầm trọng hơn. Các báo cáo gần đây liên quan đến COVID-19 đã chỉ ra rằng những hạn chế về di chuyển, cách ly xã hội cùng với áp lực cũng như căng thẳng về kinh tế-xã hội do COVID-19 đã dẫn đến sự leo thang của bạo lực, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em.

Nạn nhân bạo lực gia đình gia tăng

Theo báo cáo về khoảng cách giới toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2021, ước tính đại dịch COVID-19 đã làm chậm tiến trình thu hẹp khoảng cách giới tương đương “một thế hệ,” từ 99,5 năm tới 135,6 năm, dựa trên tiến độ hiện tại.

Các nghiên cứu khác cũng cho thấy dịch COVID-19 đã tác động sâu sắc đối với phụ nữ, những người có nguy cơ mất việc làm cao hơn nhiều so với nam giới, trong khi vẫn phải đảm nhận gánh nặng chăm sóc gia đình, con cái khi trường học bị đóng cửa. Các báo cáo nhấn mạnh rằng những tác động này sẽ còn kéo dài và các mục tiêu cơ bản đối với bình đẳng giới đang trở nên càng khó thực hiện, thậm chí tình trạng bạo lực đối với phụ nữ còn gia tăng.

Từ năm 2020 đến nay, Việt Nam đã trải qua 4 đợt bùng phát dịch, tác động nghiêm trọng tới tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng đối với nam và nữ lại khác nhau, điều này đã góp phần làm tăng khoảng cách giới trong một số lĩnh vực, gây thách thức cho việc thực hiện công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ cũng như triển khai thực hiện các mục tiêu chiến lược quốc gia.

Ở nhiều quốc gia, số trường hợp bạo lực gia đình ước tính đã tăng lên ít nhất 30% trong bối cảnh COVID-19. Tại Việt Nam, đường dây nóng 1900 969 680 của Ngôi nhà Bình yên (nhà tạm lánh thuộc Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) và đường dây nóng của Ngôi nhà Ánh dương 1800 1769 (do UNFPA hợp tác với Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc-KOICA hỗ trợ tại tỉnh Quảng Ninh) cũng nhận được số cuộc gọi kêu cứu tăng cao trong thời gian dịch bệnh COVID-19.

Đặc biệt, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, Ngôi nhà bình yên (của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) từng tiếp nhận gấp đôi số cuộc gọi đến đường dây nóng liên quan đến bạo lực mỗi tháng. Số trường hợp người bị xâm hại và bạo lực gia đình mà Ngôi nhà Bình yên mới tiếp nhận đã tăng gấp đôi kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát.

Tiến tới thực hiện bình đẳng giới thực chất

Tháng hành động Quốc gia vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2021 (15/11-15/12) đã lựa chọn chủ đề “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái.” Điều  này một lần nữa khẳng định những ưu tiên và cam kết của Việt Nam trong việc thúc đẩy bình đẳng giới thực chất.

Tăng cường truyền thông để tiến tới thực hiện bình đẳng giới thực chất ảnh 2Phát động Tháng hành động Quốc gia vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2021. (Ảnh: UN Women)

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho rằng để giải quyết bất bình đẳng giới ở Việt Nam, bên cạnh các chính sách, chương trình để đảm bảo an sinh xã hội thì công tác truyền thông cần phải được thực hiện thường xuyên, lâu dài và hiệu quả hơn nhằm thay đổi những định kiến giới đang tồn tại khá phổ biến trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.

“Sẽ không có bình đẳng giới nếu không có sự tham gia của nam giới trong chia sẻ công việc gia đình và chấm dứt bạo hành với phụ nữ và trẻ em gái,” Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.

[Công bố báo cáo đầu tiên về rào cản gây bất bình đẳng giới ở Việt Nam]

Cùng với sự tham gia của nam giới, truyền thông trong lĩnh vực bình đẳng giới được xác định là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nhất nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi, góp phần xóa bỏ định kiến, tiến tới thực hiện bình đẳng giới thực chất.

Trong những năm qua, việc triển khai tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới đã tạo ra những hiệu ứng tích cực, thu hút sự tham gia hưởng ứng, quan tâm, chung tay vào cuộc của toàn xã hội, góp phần rút ngắn khoảng cách giới trong hầu hết các lĩnh vực. Từ kết quả đó, Chính phủ đã phê duyệt chương trình truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một chương trình truyên thông riêng về bình đẳng giới với tầm nhìn đến năm 2030.

Ông Lê Khánh Lương, Quyền Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết chương trình truyền thông về bình đẳng giới đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt 100% bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch, triển khai hoạt động tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới hằng năm. Phấn đấu đến năm 2030, nhận thức về bình đẳng giới của các nhóm đối tượng trong cộng đồng tăng từ 10-15% so với năm 2025.

Chương trình phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 70% cơ quan truyền thông áp dụng thí điểm bộ chỉ số về giới trong truyền thôngvà đến năm 2030 đạt 90% cơ quan truyền thông chính thức áp dụng; đến năm 2025 đạt 95% và đến năm 2030 đạt 100% các hương ước, quy ước của cộng đồng đã được thông qua không có sự phân biệt đối xử về giới. Hằng năm, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân được truyền thông, phổ biến, cập nhật thông tin về pháp luật, chính sách về bình đẳng giới ít nhất 2 lần.

Đối với việc tăng cường truyền thông để phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, ông Khuất Văn Quý, Phó vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch), cho biết Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch cũng sẽ xây dựng, trình Thủ tướng chiến lược phát triển gia đình Việt Nam giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045. Theo đó, chiến lược đặt ra các chỉ tiêu về cung cấp kiến thức, kỹ năng về giáo dục đời sống gia đình; tỷ lệ nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn được cung cấp kiến thức, kỹ năng về hôn nhân, phòng chống bạo lực gia đình...

Nhấn mạnh việc giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của bất bình đẳng giới và bạo lực giới, ông Kidong Park, Quyền Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc cho rằng cần xây dựng các chương trình thay đổi các quan niệm xã hội mang tính dài hạn và quan trọng nhất là có các dịch vụ thiết yếu có nhạy cảm giới, đáng tin cậy, giá cả phải chăng cho người bị bạo lực./.

Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới được tổ chức từ ngày 15/11 đến ngày 15/12 hằng năm.

Qua 5 năm triển khai (2016-2020), đã có hơn 10 triệu lượt người được truyền thông, tiếp cận với các thông điệp của tháng hành động, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cán bộ và người dân đối với công tác bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Hàng năm, 100% các địa phương và nhiều bộ ngành, cơ quan trung ương đã xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động hưởng ứng tháng hành động.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục