Thái Lan đề xuất ba lĩnh vực hợp tác cho quan hệ ASEAN-Mỹ

Người đứng đầu Chính phủ Thái Lan đã đề xuất ba lĩnh vực hợp tác cho ASEAN và Mỹ mà theo ông Prayut đã có chung 45 năm lịch sử quan hệ toàn diện và mang tính xây dựng.
Thái Lan đề xuất ba lĩnh vực hợp tác cho quan hệ ASEAN-Mỹ ảnh 1Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prayut Chan-o-cha. (Nguồn: thaipbsworld)

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Mỹ lần thứ 9 diễn ra theo hình thức trực tuyến ngày 26/10, Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã đề xuất ba lĩnh vực hợp tác cho quan hệ giữa hai bên.

Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Thanakorn Wangboonkongchana cho biết Thủ tướng Prayut bày tỏ việc Tổng thống Joe Biden tham gia cùng các nhà lãnh đạo ASEAN tại hội nghị lần này gửi một thông điệp rõ ràng về cam kết tăng cường quan hệ với ASEAN của Mỹ dựa trên mục tiêu chung là đảm bảo hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực.

Người đứng đầu Chính phủ Thái Lan đã đề xuất ba lĩnh vực hợp tác cho ASEAN và Mỹ mà theo ông Prayut đã có chung 45 năm lịch sử quan hệ toàn diện và mang tính xây dựng.

Thứ nhất là nỗ lực chung trong việc đảm bảo phân phối công bằng và kịp thời vaccine ngừa COVID-19 cho người dân. Thủ tướng Prayut cảm ơn Tổng thống Biden về sự đóng góp lớn của Mỹ về vaccine cho một số nước ASEAN, trong đó có Thái Lan.

[Tổng thống Mỹ khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ ASEAN-Mỹ]

Thủ tướng Prayut bày tỏ Thái Lan sẵn sàng hợp tác với Mỹ về kế hoạch của Mỹ mở rộng các cơ sở sản xuất vaccine tại một số khu vực, bao gồm nghiên cứu và phát triển cũng như đảm bảo phân phối hiệu quả vaccine trong chuỗi cung ứng khu vực.

Thứ hai là tái ưu tiên các nỗ lực về tăng trưởng xanh để bước vào thế giới “Bình thường Tiếp theo” một cách bền vững.

Thủ tướng Prayut bày tỏ hy vọng Mỹ sẽ tiếp tục mở rộng can dự với ASEAN về môi trường và biến đổi khí hậu, đặc biệt bằng cách thúc đẩy đầu tư và tạo việc làm trong các ngành công nghiệp thân thiện với môi trường thông qua Kế hoạch Tài chính Khí hậu Quốc tế của Mỹ, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu chủ chốt về khí hậu của ASEAN như giảm 32% cường độ năng lượng và tăng thành phần của hỗn hợp năng lượng tái tạo lên 23% vào năm 2025.

Thái Lan cam kết đổi mới con đường phát triển thông qua Mô hình Kinh tế Sinh học-Tuần hoàn-Xanh (BCG), tập trung vào sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường để phục hồi sau COVID-19 một cách kiên cường và bền vững.

Với tư cách là Chủ tịch APEC năm 2022, Thái Lan đặt mục tiêu thúc đẩy Mô hình BCG và sẵn sàng làm việc với Mỹ để thực hiện chương trình nghị sự quan trọng này hướng tới năm 2023 và lâu hơn. Thủ tướng Prayut cũng mong được đón tiếp Tổng thống Biden tại Thái Lan vào năm tới.

Cuối cùng, Thủ tướng Prayut bày tỏ vui mừng rằng Tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN-Mỹ về phát triển kỹ thuật số đã được thông qua ngày 26/10. Đây sẽ là bàn đạp để thúc đẩy hơn nữa hợp tác cụ thể, đặc biệt là về kinh tế số-động lực kinh tế quan trọng có thể mang lại 1.000 tỷ USD cho GDP của ASEAN vào năm 2025.

Kết thúc bài phát biểu, Thủ tướng Prayut nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các cường quốc lớn cùng nhau hợp tác để tạo ra môi trường hòa bình có lợi cho sự phục hồi hậu COVID-19.

Ông Prayut bày tỏ hy vọng rằng bất kỳ tiến triển đang diễn ra nào, bao gồm Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới của Mỹ và quan hệ đối tác an ninh tay ba giữa Australia, Anh và Mỹ (AUKUS), sẽ được theo đuổi hơn nữa trên tinh thần xây dựng, tiếp tục ủng hộ tính trung tâm của ASEAN và Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP), cũng như thúc đẩy hòa bình và hạnh phúc của các dân tộc trong khu vực - mục tiêu chung được chia sẻ bởi tất cả các quốc gia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục