Thành phố Hồ Chí Minh cải thiện chất lượng các bệnh viện

Nhiều năm qua, các bệnh viện lớn ở TP.HCM luôn trong tình trạng quá tải, vì vậy ngành y tế và các bệnh viện luôn nỗ lực cải thiện chất lượng khám chữa bệnh.
Thành phố Hồ Chí Minh cải thiện chất lượng các bệnh viện ảnh 1Bệnh nhân điều trị sởi tại Bệnh viện Nhi đồng 1. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Từ nhiều năm qua, các bệnh viện lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh luôn trong tình trạng quá tải. Vượt qua những khó khăn như cơ sở vật chất chật hẹp, cũ kỹ, ngành y tế và các bệnh viện thành phố đã luôn nỗ lực cải thiện chất lượng khám chữa bệnh.

Ở thời điểm hiện tại, khi giá viện phí tăng lên thì việc cải thiện chất lượng được các bệnh viện đặc biệt quan tâm, nhằm đảm bảo sự hài lòng của người dân khi đến khám chữa bệnh.

15% viện phí thu được để nâng chất lượng

Kể từ ngày 1/6, hơn 2.000 dịch vụ y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh được điều chỉnh giá theo Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BYT-BTC ngày 29/2/2012 của liên bộ giữa Bộ Y tế và Bộ Tài chính. Đây cũng là địa phương cuối cùng trong cả nước triển khai việc điều chỉnh giá viện phí theo Thông tư 04. Theo nội dung điều chỉnh, 15% viện phí thu được sẽ được các bệnh viện dùng để cải thiện chất lượng khám chữa bệnh…

Để giám sát việc tăng viện phí, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã chọn 6 bệnh viện: Nguyễn Trãi, Nhân dân Gia Định, Nhi Đồng 1, Hóc Môn, Bình Thạnh và Thủ Đức để giám sát một số chỉ số nhằm đánh giá quyền lợi của bệnh nhân bảo hiểm y tế, thời gian chờ đợi, nguồn thu viện phí, trang bị phòng bệnh…

Đồng thời, thành phố tiếp tục giám sát việc sử dụng 15% số tiền thu được từ dịch vụ khám bệnh, ngày giường điều trị để sửa chữa, nâng cấp, cải tạo, mở rộng khu khám bệnh và mua sắm trang thiết bị, cải thiện chất lượng phục vụ người dân. Vì vậy, việc điều chỉnh giá viện phí lần này là cơ hội giúp các bệnh viện có điều kiện cần thiết để tang cường cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, đáp ứng yêu cầu của bệnh nhân.

Theo bác sỹ Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1, không phải đợi đến lúc tăng viện phí các bệnh viện mới tăng chất lượng khám, điều trị, mà hầu hết đã chuẩn bị và thực hiện ngay khi có thông báo điều chỉnh giá viện phí bởi cải tiến chất lượng là bài toán sống còn của các bệnh viện.

Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã cải tiến một số hoạt động khám chữa bệnh như thực hiện vi tính hóa toàn bộ hệ thống thông tin khu khám bệnh; triển khai hệ thống chuyển mẫu xét nghiệm tự động; xây dựng phác đồ điều trị ngoại trú, để chuẩn hóa việc điều trị, sử dụng thuốc an toàn hợp lý cho bệnh nhân. Đặc biệt từ đầu năm nay, bệnh viện đã triển khai bộ phận hướng dẫn thông tin cho người bệnh để giải đáp những thắc mắc của bệnh nhân và thân nhân.

Tương tự, tại Bệnh viện Ung bướu thành phố, bác sỹ Lê Hoàng Minh, Giám đốc Bệnh viện cho hay, với mong muốn để người dân cảm nhận được chất lượng các dịch vụ khám chữa bệnh tăng lên khi phải đóng góp viện phí cao hơn trước, Bệnh viện đã thực hiện đồng loạt một số giải pháp.

Cụ thể như, tăng số bàn khám bệnh từ 16 bàn lên 30 bàn; xây dựng thêm các phòng hướng dẫn thông tin cho bệnh nhân, mỗi tuần hướng dẫn cho 600-700 lượt bệnh nhân; tăng thêm bàn thu viện phí, mở tổng đài để cho các bệnh nhân cũ đăng ký khám chữa bệnh; tăng cường trang thiết bị mới hiện đại, nhằm phục vụ tốt hơn cho người bệnh và thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp giảm tải...

Bên cạnh đó, bệnh viện cũng tăng cường các hoạt động nâng cao y đức cho đội ngũ cán bộ, bác sỹ, nhân viên bằng cách thường xuyên quán triệt, phổ biến về vấn đề này trong các cuộc họp giao ban; phát động các phong trào thi đua về quy tắc ứng xử và mở các lớp tập huấn về thái độ phục vụ người bệnh.

Khảo sát sự hài lòng của người bệnh

Song song với việc cải tiến chất lượng ở các bệnh viện, trước đợt điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này, Sở Y tế đã thành lập Hội đồng quản lý chất lượng khám, chữa bệnh nhằm thúc đẩy hơn nữa các bệnh viện trong hoạt động cải tiến chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người dân. Đây cũng là một trong những hoạt động cụ thể để giám sát bệnh viện theo bộ 83 tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện của Bộ Y tế.

Hiện Sở Y tế thành phố đã chọn 6 bệnh viện gồm: Nguyễn Trãi, Nhân Dân Gia Định, Nhi Đồng 1, Hóc Môn, Bình Thạnh và Thủ Đức để giám sát một số chỉ số nhằm đánh giá quyền lợi của bệnh nhân bảo hiểm y tế, thời gian chờ đợi, nguồn thu viện phí, trang bị phòng bệnh, khu khám…

Một trong những nội dung chính để đánh giá thực trạng chất lượng khám chữa bệnh ở các bệnh viện là mức độ hài lòng của bệnh nhân và người nhà.

Mới đây, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo triển khai kế hoạch khảo sát sự hài lòng người bệnh tại khoa khám bệnh, khu điều trị nội trú của các bệnh viện. Trong đó, các tổ kiểm tra sẽ tập trung khảo sát các quy trình khám, chữa bệnh cho bệnh nhân bảo hiểm y tế, bệnh nhân khu không dịch vụ và bệnh nhân cấp cứu; đồng thời thu thập thông tin phản ánh của người dân qua đường dây nóng, qua các hộp thư góp ý, sổ góp ý tại các bệnh viện và qua các phương tiện thông tin đại chúng, cũng như các phản hồi thông tin từ Bộ Y tế.

Hoạt động này nhằm chủ động nắm bắt những bức xúc về giao tiếp ứng xử, y đức, cách tổ chức dịch vụ khám chữa bệnh, chuyên môn kỹ thuật và các điều kiện thực hiện công tác khám chữa bệnh.

Theo bác sỹ Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, dự kiến trong tháng Sáu này, Ban Khảo sát sự hài lòng người bệnh sẽ tiến hành khảo sát tại 23 bệnh viện quận, huyện; đến tháng 11 tới sẽ tiến hành khảo sát tại các bệnh viện thành phố.

Kết quả phản ánh sẽ được tổng hợp phân tích để sơ kết hàng tháng, hàng quý, từ đó khen thưởng, động viên kịp thời những đơn vị đạt mức độ hài lòng cao và có biện pháp chấn chỉnh những nơi có mức hài lòng thấp, trên cơ sở đó xây dựng phương pháp đo lường và đưa ra các chỉ số hài lòng tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn.

Ngoài ra, để cải thiện sự hài lòng của người bệnh, Sở Y tế thành phố đã triển khai một số giải pháp bước đầu như: Tuyên truyền, phổ biến việc thực hiện các Chỉ thị, Thông tư của Bộ Y tế để cải thiện sự hài lòng của người dân với dịch vụ y tế theo hướng “Lấy người bệnh làm trung tâm của hoạt động chăm sóc và điều trị” cho các cơ sở y tế.

Sở Y tế cũng sẽ tăng cường tổ chức tập huấn kỹ năng giao tiếp và ứng xử cho các cán bộ, công chức, viên chức y tế để thực hiện đúng và đầy đủ quy định về những việc phải làm và không được làm theo Thông tư số 07/2014/TT-BYT ngày 25/2/2014 của Bộ Y tế quy định về Quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở y tế.

Đồng thời, Sở cũng nâng cao trách nhiệm và hiệu quả chỉ đạo, điều hành của các cấp quản lý trong việc cung cấp dịch vụ y tế và tiến hành khảo sát định kỳ về sự hài lòng của người bệnh đối với dịch vụ y tế nhằm thực hiện các hoạt động cải thiện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục