Bài 3: Thanh toán không dùng tiền mặt: Khi dịch vụ công đi trước

Thanh toán online: Thay đổi hành vi và “cú hích” mang tên COVID-19

Ngành ngân hàng luôn cam kết hạ tầng sẵn sàng để phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công như lĩnh vực giáo dục , y tế và hiện chỉ chờ hạ tầng kết nối với các bộ ngành, địa phương.
Thanh toán online: Thay đổi hành vi và “cú hích” mang tên COVID-19 ảnh 1Thay vì phải tới cơ quan thuế trực tiếp khai thuế rồi tới ngân hàng nộp thuế, các cá nhân có tài sản cho thuê có thể thực hiện khai, nộp thuế điện tử. (Ảnh: PV//Vietnam+)

Bài 3: Thanh toán không dùng tiền mặt: Khi dịch vụ công đi trước 

Nhận định về những kết quả trong gần 5 năm thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định "cái được" lớn nhất đó là việc triền khai được thanh toán các dịch vụ công như nộp thuế, điện, nước, học phí, viện phí... qua ngân hàng. Điều này đã giúp hạn chế một khối lượng lớn tiền mặt trong lưu thông, từ đó giảm bớt những phí tổn to lớn của xã hội có liên quan đến việc phát hành và lưu thông tiền như chi phí in ấn, kiểm đếm, chuyên chở, bảo quản và huỷ bỏ tiền cũ, rách.

Mặt khác, đến nay hầu hết các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã được ứng dụng mạnh mẽ trong lĩnh vực thanh toán như phân tích hành vi khách hành trên dữ lệu lớn (Big data); xác thực sinh trắc học; ứng dụng mã phản hồi nhanh (QR Code); mã hóa thông tin thẻ (Tokenization), thanh toán thẻ chíp tiếp xúc và phi tiếp xúc (contact và contactless)...

Nhờ đó mà thanh toán thẻ tiếp tục phát triển mạnh với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 51,4% về số lượng và 33,8% về giá trị giao dịch trong giai đoạn 2016-2019; đặc biệt, thanh toán trên Mobile cũng có sự tăng trưởng ấn tượng với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 85% về số lượng và 158,5% về giá trị giao dịch.

Thanh toán tiền điện, nộp thuế điện tử "về đích" sớm

Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho biết tỷ lệ hóa đơn tiền điện thanh toán qua ngân hàng, trung gian thanh toán tăng mạnh qua các năm: Từ 14,88% số hóa đơn năm 2015 tăng lên 64% và hơn 81% tiền điện, phương thức không dùng tiền mặt là 54,64% về hóa đơn và 72,32% tiền điện.

Cũng theo ông Lâm, để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong thanh toán tiền điện, năm 2019, EVN đã số hóa 100% nghiệp vụ kinh doanh và chăm sóc khách hàng không dùng tiền mặt và cung cấp dịch vụ điện trên cổng dịch vụ công quốc gia. Trong năm 2020, EVN đẩy mạnh doanh nghiệp số, kết nối nền tảng tích điểm chăm sóc khách hàng, cung cấp dịch vụ để khách hàng trải nghiệm trên nền tảng số.

[Thanh toán không dùng tiền mặt tăng tốc nhờ “cú hích” mang tên COVID]

“Trong tương lai, ngành điện sẽ giảm dần và tiến đến chấm dứt thu tiền điện tại nhà, đẩy mạnh hình thức thanh toán trực tuyến. Giải pháp thực hiện mục tiêu này là chuyển đổi từ thanh toán tập trung sang thanh toán tại ngân hàng, trung gian thanh toán. Ngành điện sẽ làm việc với các ngân hàng, trung gian thanh toán để thay thế các điểm thu của điện lực,” ông Lâm nhấn mạnh.Tương tự như vậy, lãnh đạo Tổng Cục Thuế cũng cho biết tính đến 31/12/2019 có tới 99% doanh nghiệp đang hoạt động đã đăng ký nộp thuế điện tử.  Số tiền thuế đã nộp bằng phương thức điện tử năm 2019 là trên 700.000 tỷ đồng. 

Về triển khai thí điểm hóa đơn điện tử, hết năm 2019, Tổng cục Thuế đã tổ chức hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia thí điểm hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng. 

Theo thống kê của Tổng cục Thuế, số lượng các doanh nghiệp đã áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế tính đến tháng 7/2019 là 279 doanh nghiệp, với tổng số hóa đơn được xác thực là hơn 8,1 triệu hóa đơn có tổng số doanh thu xác thực là hơn 103.656 tỷ đồng, tổng số thuế giá trị gia tăng xác thực là hơn 8.033 tỷ đồng. 

Đặc biệt, đã có 53 ngân hàng (trong đó 34 ngân hàng trong nước và 19 ngân hàng nước ngoài) và 12 đơn vị T-VAN (nhà cung cấp dịch vụ truyền nhận dữ liệu điện tử trung gian) tham gia cung cấp dịch vụ khai, nộp thuế điện tử cho người nộp thuế.

Thanh toán online: Thay đổi hành vi và “cú hích” mang tên COVID-19 ảnh 2Thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công. (Nguồn: Ngân hàng Nhà nước)

Giới chuyên gia cho rằng thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng thời gian qua đã giúp tăng sự lưu chuyển tiền tệ, hỗ trợ nền kinh tế thông qua việc rút ngắn thời gian luân chuyển vốn qua các hệ thống thanh toán, giảm thời gian vốn trôi nổi, thúc đẩy chung chuyển vốn, qua đó góp phần tăng hiệu suất sử dụng vốn và cải thiện tính hiệu quả, tăng thêm sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Điều này cũng phù hợp với những kết quả mà Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra. Điển hình là năm 2015, giá trị giao dịch qua Internet mới chỉ đạt 5.060 nghìn tỷ đồng thì năm 2018 đã lên 16.188 nghìn tỷ đồng và đến năm 2019 tăng vọt lên 22.227 nghìn tỷ đồng.

Thanh toán qua Mobile cũng có kết quả ấn tượng khi năm 2018 chỉ đạt 1.859 nghìn tỷ đồng thì đến năm 2019 đã đạt 5.774 nghìn tỷ đồng…

Về mở tài khoản, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2015-2019 về tài khoản cá nhân và tổng số dư trong tài khoản tính đến 31/12 hằng năm đạt 10,26% và 25,41%.

Số tài khoản năm 2018 là 79,8 triệu tài khoản, đến năm 2019 tăng lên 88,5 triệu, tương đương với số dư tương ứng là 379,84  nghìn tỷ đồng và 499,72 nghìn tỷ đồng.

Thanh toán online: Thay đổi hành vi và “cú hích” mang tên COVID-19 ảnh 3Thanh toán qua Mobile và Internet. (Nguồn: Ngân hàng Nhà nước)

Sẵn sàng hạ tầng, tăng cường kết nối

Mặc dù lĩnh vực điện, thuế và hải quan đã tích hợp đến 90% với ngân hàng nhưng đến nay, nhiều trường công, bệnh viện công vẫn chưa thể thu tiền bằng POS hay thiết bị di động.

Hiện mới chỉ có rất ít địa phương thực hiện được cả 2 lĩnh vực này, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh. Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết thành phố đang hướng tới xây dựng đô thị thông minh, một trong những mục tiêu quan trọng là xây dựng xã hội không tiền mặt. Hai mục tiêu quan trọng mà Thành phố Hồ Chí Minh hướng tới là người bệnh và học sinh đã đạt ‘được những kết quả hết sức tốt đẹp’.

Đối với học phí, 80% trường học ở thành phố không dùng tiền mặt với 400 trường học công tổ chức thu phí qua kênh ngân hàng; còn dịch vụ y tế thực hiện thu không tiền mặt khiêm tốn hơn, mới chỉ đạt 50%. 

[Bài 2: Mở tài khoản từ xa: “Tấm vé” hướng tới ngân hàng số]

Tuy nhiên, ông Tuyến nhấn mạnh vẫn còn nhiều nơi chưa thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt. 

"Thành phố Hồ Chí Minh cam kết dịch vụ công không dùng tiền mặt theo chỉ thị 22 của Chính phủ. Thành phố sẽ làm việc với các đơn vị để thúc đẩy việc này trong năm nay," ông Tuyến cam kết.

Còn tại Hà Nội, mặc dù đã có một số bệnh viện, trường học áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt nhưng mới chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

Nhìn nhận về vấn đề này, ông Phạm Tiến Dũng-Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước, khẳng định ngân hàng luôn luôn cam kết hạ tầng thanh toán sẵn sàng. Hiện ngân hàng chỉ chờ hạ tầng kết nối với các bộ ngành, địa phương khác. 

"Đơn cử như ngành hải quan đã đưa hơn 90% thanh toán qua ngân hàng rồi. 10% còn lại tôi nghĩ sẽ xử lý trong một vài năm tới đây. Giờ chỉ còn lĩnh vực bệnh viện, trường học vẫn còn hạn chế. Cá nhân tôi cho rằng năm 2020-2021 chúng ta cần tập trung thanh toán không dùng tiền mặt vào giáo dục và y tế, với đối tượng cụ thể ở đây là người bệnh và trẻ em. Hy vọng mô hình kết nối này sẽ được triển khai trong thời gian tới,” ông Dũng cho hay.

Cũng theo ông Dũng, Ngân hàng Nhà nước sẽ chủ trì với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu và hoàn thiện dụ thảo Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt cùng các văn bản hướng dẫn để có thể đệ trình lên Chính phủ xem xét ban hành,

Cụ thể, các văn bản pháp luật này sẽ có những quy định cụ thể hướng dẫn về định danh, xác thực khách hàng bằng phương thức điện tử (e-KYC); thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money)...

Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước sẽ chủ trì hoàn thiện Đề án thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt cho giai đoạn tiếp theo.

Ngoài ra, ông Dũng cũng cho biết thêm về hạ tầng thanh toán, năm nay ngành ngân hàng sẽ đưa vào vận hành chính thức hoạt động thanh toán bù trừ cho phép kết nối trực tuyến. Về cung ứng sản phẩm dịch vụ, ngành ngân hàng sẽ đẩy mạnh cung ứng dịch vụ thanh toán trên Mobile Banking./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục