Tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc

Theo Cục Bảo vệ thực vật, yêu cầu về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm của Trung Quốc rất cao; doanh nghiệp phải có hệ thống quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm tương đương với HACCP.
Tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc ảnh 1Chế biến cá tra phi lê xuất khẩu. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Sáng 1/4, Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản phối hợp với Văn phòng thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam) và các đơn vị tổ chức Hội nghị xử lý các vấn đề vướng mắc kỹ thuật, thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang thị trường Trung Quốc.

Ông Phạm Hoàng Đức, Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản cho biết để xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc, cơ sở sản xuất phải được Cục thẩm định, chứng nhận an toàn thực phẩm và có tên trong danh sách được phép xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc. Lô hàng được thẩm định, kèm theo chứng thư theo mẫu do Cục cấp theo mẫu quy định.

Riêng các cơ sở nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng phải có tên trong danh sách được Trung Quốc công nhận. Cơ sở bao gói tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua, tôm hùm sống phải có tên trong danh sách riêng được Trung Quốc công nhận.

Về phòng chống COVID-19, các doanh nghiệp cần tuân thủ hướng dẫn của FAO, WHO về “Hướng dẫn phòng ngừa COVID-19 đối với cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm”; nghiên cứu, tham khảo áp dụng “Hướng dẫn phòng chống COVID-19 (bản cập nhật) ban hành tháng 2/2022 của Trung Quốc.

Theo ông Phạm Hoàng Đức, một số doanh nghiệp chưa thực sự coi trọng việc tuân thủ, đáp ứng quy định của thị trường Trung Quốc; chưa nắm vững quy định của thị trường và chưa triển khai các biện pháp kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả.

[Gần 1.800 mã nông sản, thực phẩm được xuất khẩu sang Trung Quốc]

Cơ quan thẩm quyền Trung Quốc sẽ yêu cầu doanh nghiệp có lô hàng bị cảnh báo điều tra nguyên nhân, áp dụng biện pháp khắc phục; đình chỉ nhập khẩu đối với doanh nghiệp có lô hàng bị phát hiện vi phạm quy định về an toàn thực phẩm; tạm dừng thủ tục nhập khẩu đối với doanh nghiệp có lô hàng bị phát hiện SARS-CoV-2 trong một thời gian, đồng thời tiến hành kiểm tra trực tuyến đối với doanh nghiệp.

“Nếu doanh nghiệp nào chưa được cơ quan chức năng Trung Quốc kiểm tra trực tuyến thì cần thực hiện sớm các biện pháp kiểm soát, giám sát vệ sinh chặt chẽ," ông Phạm Hoàng Đức nhấn mạnh.

Một số ghi nhận của Trung Quốc sau khi kiểm tra trực tuyến các doanh nghiệp là một số điểm chưa phù hợp liên quan đến bố trí thực hành sản xuất, thực hành và giám sát thực hành vệ sinh trong quá trình sản xuất.

Các biện pháp kiểm soát trong phòng chống COVID-19 của các cơ sở cung cấp nguyên liệu/bán thành phẩm; bố trí ăn trưa cho công nhân trong khuôn viên nhà máy; biện pháp cách ly đối với công nhân bị nhiễm/nghi nhiễm COVID-19; quy trình triệu hồi lô hàng bị cảnh báo phát hiện SARS-CoV-2; quy trình, thao tác khử khuẩn bao bì, bán thành phẩm, xe vận chuyển.

Tính đến thời điểm hiện tại, Cục Bảo vệ thực vật đã cấp và xác nhận 350 tài khoản của doanh nghiệp thuộc lĩnh vực được phân công quản lý và đang hướng dẫn, đồng thời giới thiệu 30 doanh nghiệp hoàn thiện, gửi hồ sơ sang Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Theo ông Vương Trường Giang, thuộc Cục Bảo vệ thực vật, yêu cầu về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm của Trung Quốc rất cao. Doanh nghiệp phải có hệ thống quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm tương đương với HACCP (hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn)

Tại hội nghị, những vướng mắc về kỹ thuật trong việc sử dụng phần mềm và khai báo thông tin online... đã được các doanh nghiệp đưa ra. Các doanh nghiệp mong muốn các đơn vị chuyên môn có cán bộ phụ trách để tháo gỡ doanh nghiệp kịp thời trong việc đăng ký với Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Ông Lê Bá Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản cho biết vì những vướng mắc đều liên quan đến kỹ thuật trong đăng ký với Tổng cục Hải quan Trung Quốc nên nếu doanh nghiệp gặp khó khăn, trục trặc thì cần có báo cáo cụ thể về tình huống gặp phải về Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản cũng như các đơn vị quản lý ngành hàng.

Các đơn vị quản lý cam kết sẽ xử lý nhanh chóng những vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải nếu thuộc phạm vi phụ trách của các cơ quan quản lý Việt Nam. Còn với những vướng mắc mà cần sự tháo gỡ của các cơ quan chức năng Trung Quốc, các đơn vị của Bộ cũng sẽ nhanh chóng phối hợp với các cơ quan này để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đăng ký cũng như xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Bên cạnh đó, trong trường hợp các doanh nghiệp đã có đối tác nhập khẩu thì việc nhờ đối tác hỗ trợ là việc cần thiết. Các doanh nghiệp đối tác sẽ hiểu rõ hơn ai hết các quy định của nước mình nên doanh nghiệp có thể trao đổi với các đối tác để có thêm kênh hỗ trợ.

Trong quá trình khai báo các thông tin như mã HS/CIQ của sản phẩm, các doanh nghiệp cũng nên chủ động liên hệ với nhà nhập khẩu để tránh vướng mắc khi xuất khẩu, ông Lê Bá Anh chỉ ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục