Thay khớp háng thành công cho cụ bà 85 tuổi bị suy thận mãn

Vào ngày 1/4, sau 3 tháng được phẫu thuật thay khớp háng trái, bà P.T T, 85 tuổi, đi lại bất cẩn đã bị ngã và gãy thêm cổ xương đùi phải.
Thay khớp háng thành công cho cụ bà 85 tuổi bị suy thận mãn ảnh 1Các bác sỹ thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhân. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, bệnh viện vừa tiếp nhận trường hợp người bệnh P.T.T (85 tuổi) nhập viện trong tình trạng gãy cổ xương đùi bên phải.

Người nhà cho biết bà T có tiền sử bệnh lý suy thận mãn, phát hiện cách đây 1 năm và tăng huyết áp 3 năm.

Ba tháng trước, bà T bị tai nạn sinh hoạt, gãy cổ xương đùi trái và đã phẫu thuật thay khớp háng trái. Sau phẫu thuật, người bệnh phục hồi và đã đi lại bình thường.

Tuy nhiên, vào ngày 1/4, sau 3 tháng được phẫu thuật thay khớp háng trái, bà T đi lại bất cẩn đã bị ngã và gãy thêm cổ xương đùi phải.

Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Mạnh Khánh, Phó Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình, Trưởng khoa Phẫu thuật Chi trên và Y học thể thao, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho biết các bác sỹ đã thăm khám và cho người bệnh làm đầy đủ các xét nghiệm cần thiết gồm: xét nghiệm máu, sinh hóa, hội chẩn liên chuyên khoa gây mê hồi sức và tim mạch, phát hiện người bệnh bị block nhánh trái nhưng có thể điều trị bằng thuốc mà không cần can thiệp tim mạch.

[Thay thành công hai khớp háng cùng lúc cho cụ ông 87 tuổi]

Do vậy, các bác sỹ đã quyết định phẫu thuật thay bán phần chấn thương khớp háng phải cho bà T.

Sau phẫu thuật 1 tuần, người bệnh đã tập luyện tốt và được xuất viện.

Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Mạnh Khánh lưu ý những người cao tuổi cần chú ý trong sinh hoạt tránh xảy ra những tai nạn đáng tiếc. Khi người bệnh đã bị chấn thương và được phẫu thuật thay khớp háng, cần chú ý để người bệnh không bị ngã ảnh hưởng đến bên khớp háng còn lại.

Trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã chuẩn bị đầy đủ các biện pháp an toàn để phòng tránh dịch bệnh như tiến hành đo thân nhiệt, khai thác yếu tố dịch tễ cho người bệnh và người nhà người bệnh. Mỗi người bệnh chỉ có một người nhà đi cùng chăm sóc và được đeo “barcode” (mã vạch) bắt buộc để xác nhận đó là người nhà người bệnh.

Các nhân viên y tế trong khoa và bệnh viện đã cố gắng hỗ trợ dự trù máu cho người bệnh, đặc biệt trong thời gian ngân hàng máu khan hiếm do dịch bệnh COVID-19 kéo dài.

Bên cạnh đó, người bệnh được chăm sóc toàn diện và phục hồi chức năng theo đúng phác đồ điều trị./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục