Thu hồi tài sản tham nhũng: Quyết liệt ngăn chặn việc tẩu tán tài sản

Theo Viện trưởng Viện KSND TP Hồ Chí Minh, cần áp dụng các biện pháp quyết liệt để ngăn chặn tẩu tán tài sản nqay trong quá trình thanh tra, kiểm tra, giải quyết tin báo tố giác tội phạm tham nhũng.
Thu hồi tài sản tham nhũng: Quyết liệt ngăn chặn việc tẩu tán tài sản ảnh 1Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Thành Chung/TTXVN)

Ngày 26/5, Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo “Đánh giá các biện pháp, hình thức thu hồi tài sản đạt hiệu quả cao trong các giai đoạn tố tụng hình sự và thi hành án dân sự của các vụ án kinh tế, tham nhũng tại Thành phố Hồ Chí Minh.”

Phát biểu tại hội thảo, Trung tá Nguyễn Minh Tâm, Phó trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (PC03), Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, từ năm 2016-2020, cơ quan này đã khởi tố 46 vụ án với 123 bị can phạm tội tham nhũng, chức vụ, kê biên số lượng lớn tài sản.

Tuy nhiên, tài sản kê biên nhiều mà thu hồi thấp, do bất động sản bị kê biên giá trị tăng theo thời gian trong khi động sản (ôtô, xe máy, tàu...) càng để lâu càng mất giá trị.

Ví dụ trong vụ án Công ty cổ phần địa ốc Alibaba, 2 năm nay, Cơ quan điều tra đã kê biên nhiều ôtô, xe gắn máy của các cá nhân và tổ chức liên quan, nhưng các tài sản này càng để lâu càng giảm giá trị.

Theo ông Phùng Văn Hải, Phó Chánh án Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, trung bình trong 5 năm (năm 2016-2020), Tòa án nhân dân hai cấp tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử 34 vụ/năm, 141 bị cáo/năm.

Mặc dù số lượng vụ án liên quan đến tội phạm kinh tế, tham nhũng so với tỷ lệ tội phạm tại Thành phố Hồ Chí Minh chiếm tỷ lệ rất thấp nhưng thiệt hại từ nhóm tội phạm này rất lớn.

Trong quá trình giải quyết có nhiều tài sản là vật chứng vụ án hoặc nhiều tài sản liên quan đến việc phạm tội phải kê biên để xử lý, thu hồi. Tuy nhiên các tài sản này phần lớn là các bất động sản, quyền sử dụng đất, dự án, cổ phần tại các công ty…

Các tài sản này chịu sự chi phối của nhiều luật khác nhau nhưng hiện nay vẫn chưa có sự đồng nhất giữa các quy định pháp luật liên quan, nhiều quy định còn vướng mắc, thiếu đồng bộ, thống nhất và khả thi dẫn đến có nhiều quan điểm khác nhau trong công tác xử lý, thu hồi tài sản dẫn đến khó khăn nhất định trong công tác giải quyết.

Thu hồi tài sản tham nhũng: Quyết liệt ngăn chặn việc tẩu tán tài sản ảnh 2Trung tá Nguyễn Minh Tâm - Phó trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (PC03, Công an Thành phố Hồ Chí Minh) phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Thành Chung/TTXVN)

Ông Đỗ Mạnh Bổng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, theo Điều 128 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 thì kê biên tài sản chỉ áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tiền hoặc có thể bị tịch thu tài sản hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại.

[Vẫn còn khoảng trống pháp lý trong thu hồi tài sản tham nhũng]

Điều 129 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định phong tỏa tài khoản chỉ áp dụng đối với người bị buộc tội về tội mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tiền, bị tịch thu tài sản hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại khi có căn cứ xác định người đó có tài khoản tại tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc Nhà nước.

Trên thực tế, có nhiều trường hợp tội phạm đã tẩu tán tài sản trước khi khởi tố bị can.

Điều 128, 129 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 cũng quy định, chỉ kê biên phần tài sản, phong tỏa số tiền trong tài khoản tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu hoặc phải bồi thường thiệt hại.

Thu hồi tài sản tham nhũng: Quyết liệt ngăn chặn việc tẩu tán tài sản ảnh 3Ông Đỗ Mạnh Bổng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Thành Chung/TTXVN)

Điều này gây khó khăn cho các Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát bởi rất khó xác định được mức “tương ứng” với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu hoặc phải bồi thường thiệt hại vì vụ án chưa được tòa xét xử.

Bên cạnh đó, theo ông Đỗ Mạnh Bổng, muốn thu hồi tài sản thì phải tìm được tài sản. Cái khó khăn cho công tác thi hành án chính là ở khâu ban đầu khi xác định tài sản, nhất là tài sản là đất mà chỉ kê biên giấy chứng nhận chứ không kê thực địa. Như vậy, tới lúc thi hành án không biết là đất có còn đúng diện tích như trên giấy hay có tranh chấp không, trên đất có tài sản không…

Nhiều trường hợp đất đứng tên người phạm tội nhưng người này trước đó đã ký hợp đồng cho thuê hợp pháp đối với một bên thứ ba, trong trường hợp này chưa có giải pháp xử lý.

Kết luận hội thảo, ông Đỗ Mạnh Bổng cho biết, quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giải quyết tin báo tố giác tội phạm là giai đoạn sớm nhất để phát hiện tài sản, nếu không áp dụng các biện pháp quyết liệt thì rất khó ngăn chặn việc tẩu tán tài sản.

Vì vậy, Ban chủ trì hội thảo sẽ sớm có kiến nghị cụ thể đối với cấp có thẩm quyền về sửa đổi Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 nhằm nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản của các vụ án kinh tế, tham nhũng; đồng thời vẫn đảm bảo về quyền con người đã được quy định tại các Bộ luật, Luật khác.

Ngoài ra, các đại biểu tham dự hội thảo cũng thống nhất sớm ban hành quy chế phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các ngành Thanh tra, Kiểm toán, Công an, Kiểm sát, Tòa án, Thi hành án dân sự để xác định sớm, chính xác tài sản liên quan trong vụ án.

Hội thảo “Đánh giá các biện pháp, hình thức thu hồi tài sản đạt hiệu quả cao trong các giai đoạn tố tụng hình sự và thi hành án dân sự của các vụ án kinh tế, tham nhũng tại Thành phố Hồ Chí Minh” nằm trong 6 nội dung đề tài khoa học “Thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.”

Trước đó, Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức hội nghị chuyên đề “Nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản bị thiệt hại, chiếm đoạt trong các vụ án kinh tế, tham nhũng và chức vụ trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh” vào ngày 21/10/2021 và hội thảo “Cách thức trích, thống kê, phân tích, tổng hợp số liệu, báo cáo công tác thu hồi tài sản của các vụ án kinh tế, tham nhũng tại Thành phố Hồ Chí Minh” vào ngày 5/5/2022./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục