Thủ tướng Anh Cameron tuyên bố sẽ tiếp nhận 20.000 người tị nạn

Người di cư tới Anh sẽ được cấp thị thực bảo trợ nhân đạo thời hạn 5 năm, có quyền lưu trú, làm việc và hưởng phúc lợi xã hội trước khi nộp đơn xin định cư tại đất nước này.
Thủ tướng Anh Cameron tuyên bố sẽ tiếp nhận 20.000 người tị nạn ảnh 1Người nhập cư trái phép chờ đợi được đăng ký bên ngoài một đồn cảnh sát ở đảo Kos, Hy Lạp. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 7/9, phát biểu trước các thành viên quốc hội, Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố sẽ tiếp nhận khoảng 20.000 người tị nạn trong giai đoạn 2015- 2020. 

Thủ tướng Cameron cho biết vì Anh không tham gia Hiệp ước Schengen (về tự do đi lại trong EU) và sáng kiến tái định cư của Liên minh châu Âu (EU) nên quốc gia này có kế hoạch riêng tiếp nhận người tị nạn, không liên quan tới kế hoạch phân bổ hạn ngạch người di cư của EU. 

Người di cư tới Anh sẽ được cấp thị thực bảo trợ nhân đạo thời hạn 5 năm, có quyền lưu trú, làm việc và hưởng phúc lợi xã hội trước khi nộp đơn xin định cư tại đất nước này.

Anh cũng sẽ nới lỏng các tiêu chí của chương trình hỗ trợ người tị nạn Syria tái định cư, trong đó ưu tiên trẻ nhỏ và trẻ mồ côi. Phiên tranh luận khẩn cấp về đề xuất trên sẽ diễn ra vào ngày 8/9 tại Quốc hội Anh.

Đề xuất trên được đưa ra giữa lúc Chính phủ Anh đang chịu áp lực từ phía người dân cho rằng London cần hành động tích cực hơn hỗ trợ người di cư trong bối cảnh các nước châu Âu đang phải oằn mình trước làn sóng người di cư.

Trước đó, Tổng thống Pháp Francoise Hollande cũng đã tuyên bố tiếp nhận khoảng 24.000 người nhập cư nhằm giảm tải cho các quốc gia cửa ngõ. 

Cùng ngày, kênh truyền hình quốc gia Ireland RTE đưa tin Phó Thủ tướng nước này Joan Burton khẳng định Iceland có thể tiếp nhận tối đa 5.000 người nhập cư. Bà Burton cũng cho biết Ireland sẽ thúc đẩy thảo luận vấn đề lập lại hòa bình trật tự tại Syria trước Đại hội đồng Liên hợp quốc. Cho tới nay quốc gia này đã tiếp nhận khoảng 600 người di cư.

Tại Tây Ban Nha, chính phủ cũng đã tổ chức cuộc họp cấp bộ trưởng đầu tiên về vấn đề khủng hoảng nhập cư để bàn về các nguồn lực thiết yếu cho việc tiếp nhận người di cư. Chính phủ nước này khẳng định Tây Ban Nha không giới hạn việc tiếp nhận người di cư song cũng hối thúc EU sớm đưa ra quyết định về vấn đề này. 

Phát biểu sau cuộc họp, Bộ trưởng Nhập cư Marian del Coral cho biết ngân sách 2016 đã dự trù tăng thêm ngân sách cho vấn đề người di cư. Bộ trưởng cũng hoan nghênh tinh thần đoàn kết của người dân và cơ quan chức năng các địa phương của Tây Ban Nha sẵn sàng đón tiếp người di cư./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục