Thủy sản-lâm nghiệp dần phục hồi, xuất khẩu nông sản sẽ đạt mục tiêu?

Nếu hai ngành hàng chủ lực là lâm sản và thủy sản đạt được mục tiêu xuất khẩu thì kế hoạch xuất khẩu nông, lâm thủy sản năm 2023 là 54,55 tỷ USD chắc chắn sẽ hoàn thành.
Thủy sản-lâm nghiệp dần phục hồi, xuất khẩu nông sản sẽ đạt mục tiêu? ảnh 1Ngành thủy sản đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu năm 2023 đạt 10 tỷ USD. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong khi xuất khẩu nhóm hàng nông sản tăng trưởng mạnh thì hai ngành hàng chủ lực là lâm nghiệp và thủy sản vẫn giảm tới hơn 25%. Tuy nhiên, nhờ những tín hiệu phục hồi tích tực từ các thị trường, hai ngành hàng này đang tận dụng mọi thời cơ để đạt được mục tiêu xuất khẩu đặt ra từ đầu năm 2023.

Lâm nghiệp, thủy sản giữ nguyên mục tiêu

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong 7 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông-lâm-thủy sản đạt 29,13 tỷ USD, giảm 9,1%. Trong số đó, giá trị xuất khẩu nhóm nông sản đạt gần 14,99 tỷ USD, tăng 13,2%. Sự tăng trưởng này là do nhờ xuất khẩu nhóm hàng rau quả đạt 3,23 tỷ USD, tăng tới 68,1%; gạo 2,58 tỷ USD, tăng 29,6%; hạt điều 1,95 tỷ USD, tăng 9,8%; cà phê 2,76 tỷ USD, tăng 6%. Sản phẩm chăn nuôi cũng tăng 27,4%, đạt 276 triệu USD.

Trong khi nhóm nông sản, chăn nuôi tăng trưởng tốt thì giá trị xuất khẩu nhóm thủy sản, lâm sản lại vẫn còn nhiều khó khăn. Xuất khẩu nhóm thủy sản trong 7 tháng năm 2023 đạt 4,95 tỷ USD, giảm 25,4%; lâm sản 7,79 tỷ USD, giảm 25,5%. Tuy nhiên, hai nhóm này vẫn giữ mục tiêu xuất khẩu lâm sản cả năm 2023 là 17 tỷ USD và thủy sản là 10 tỷ USD.

[3 năm EVFTA: Các sản phẩm ngành nông nghiệp hưởng lợi lớn nhất]

Với ngành thủy sản, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết đến thời điểm này, sản lượng nuôi trồng thủy sản vẫn đang tăng trưởng tốt. Đặc biệt, một số những sản phẩm khác đang tiêu thụ rất tốt, nhất là các loại cá.

Về chỉ tiêu xuất khẩu, theo ông Trần Đình Luân, 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản sụt giảm 27,4%; 7 tháng đầu năm, mức sụt giảm này còn 25,4% với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 5 tỷ USD. Do đó, con số 9 tỷ kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả năm 2023 là chắc chắn đạt được, song để đạt mục tiêu 10 tỷ USD thì toàn ngành cần phải phấn đấu hơn nữa.

Thủy sản-lâm nghiệp dần phục hồi, xuất khẩu nông sản sẽ đạt mục tiêu? ảnh 2 Năm 2023, ngành chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 17 tỷ USD. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2022, ngành chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam đạt giá trị xuất khẩu trên 17 tỷ USD. Con số ấn tượng này đưa Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 2 châu Á và thứ 5 thế giới về xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Thế nhưng, 7 tháng của năm 2023, do ảnh hưởng của các cuộc xung đột trên thế giới, lạm phát toàn cầu tăng cao, các thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chính của Việt Nam tiếp tục thắt chặt. Các thị trường xuất khẩu chủ lực như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU đều giảm so với cùng kỳ.

Ông Triệu Văn Lực, Cục phó Lâm nghiệp Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chỉ đạt 7,8 tỷ USD, chiếm khoảng 45% kế hoạch năm 2023, giảm 25,5% so với cùng kỳ.

“Năm nay, xuất khẩu lâm sản đặt mục tiêu đạt 17 tỷ USD, phấn đầu bằng với giá trị xuất khẩu năm 2022. Theo dự báo, các thị trường sẽ dần phục hồi vào quý 3, quý 4 năm 2023. Nhiều doanh nghiệp ngành gỗ cũng đã có đơn hàng từ nay đến cuối năm,” ông Lưc cho hay.

Chớp thời cơ khi có cơ hội từ thị trường

Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam hiện xuất khẩu đến 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Dự báo triển vọng thị trường xuất khẩu đồ gỗ, ông Lập cho rằng các thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đã có tín hiệu phục hồi kinh tế như thị trường Mỹ, nên dự báo khả năng xuất khẩu vào thị trường này sẽ tăng trở lại.

Để nắm bắt thời cơ, các doanh nghiệp cần tuân thủ các quy định tại các thị trường nhập khẩu; chủ động phát triển các dòng sản phẩm mới để đa dạng hóa sản phẩm phù hợp thị hiếu người tiêu dùng tại các thị trường tiềm năng; tích cực triển khai một số giải pháp để mở rộng kết nối thị trường trong và ngoài nước nhằm thúc đẩy xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ…

Thủy sản-lâm nghiệp dần phục hồi, xuất khẩu nông sản sẽ đạt mục tiêu? ảnh 3Các doanh nghiệp thủy sản cần dự trữ nguồn hàng để chớp thời cơ khi có cơ hội từ sự phục hồi của các thị trường. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đối với thủy sản, theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), các thị trường nhập khẩu đã có những dấu hiệu tích cực. Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho rằng điều quan trọng là các doanh nghiệp thủy sản trong nước cần tiếp tục giữ liên hệ chặt chẽ đối với các nhà nhập khẩu, phải giữ cho được các thị trường có nhu cầu lớn để từ đó có thể xuất khẩu mạnh trong giai đoạn phục hồi.

“Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần phải có các hoạt động xúc tiến thương mại trên cơ sở làm sao mở rộng được thị trường, đặc biệt là với thị trường Trung Quốc trong giai đoạn từ nay đến cuối năm. Bởi  đây là thị trường có sức phục hồi tương đối nhanh trong thời gian tới,” ông Trương Đình Hòe chia sẻ.

Liên quan đến việc hai ngành chủ lực của Việt Nam là thủy sản và lâm sản ghi nhận tốc độ xuất khẩu giảm trong những tháng đầu năm, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết gói tín dụng 15.000 tỷ đồng đã được phê duyệt và triển khai đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản.

Theo đó, gói tín dụng này sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dự trữ nguồn hàng để có thể chớp được cơ hội thị trường khi thời cơ đến. Với chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại đã hạ lãi suất, đây là yếu tố góp phần để hỗ trợ các doanh nghiệp dự trữ, chế biến và xuất khẩu.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nếu hai ngành chủ lực là lâm sản và thủy sản đạt được mục tiêu xuất khẩu năm 2023 thì kế hoạch xuất khẩu nông, lâm thủy sản năm 2023 là 54, 55 tỷ USD chắc chắn sẽ hoàn thành./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục