Tiềm năng phát triển quan hệ kinh tế giữa Singapore và Đà Nẵng

Ông Vũ Minh Khương khẳng định Singapore luôn luôn là đối tác đáng tin cậy của Việt Nam, đồng thời nêu những thuận lợi, khó khăn cũng như triển vọng hợp tác kinh tế giữa Đà Nẵng với Singapore.
Tiềm năng phát triển quan hệ kinh tế giữa Singapore và Đà Nẵng ảnh 1Thành phố biển Đà Nẵng nhìn từ trên cao. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Chiều ngày 12/5, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng phối hợp với Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore (SBF), Viện Năng lực cạnh tranh châu Á (ACI) thuộc Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (LKYSPP) - Đại học Quốc gia Singapore (NUS) và Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore đã tổ chức Hội thảo xúc tiến đầu tư “Hợp tác kinh tế Việt Nam Singapore: Tiềm năng phát triển của Đà Nẵng” theo hình thức trực tuyến.

Hội thảo là dịp để Đà Nẵng quảng bá và mời gọi các nhà đầu tư, các doanh nghiệp Singapore có năng lực tài chính, công nghệ đến tìm hiểu về môi trường đầu tư kinh doanh và cơ hội hợp tác tại thành phố.

Sự kiện được tổ chức trực tuyến tại các điểm cầu Singapore, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, thu hút gần 300 doanh nghiệp, nhà đầu tư từ Singapore tham dự.

Phát biểu tại Hội thảo, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore Lê Công Dũng nhấn mạnh mối quan hệ ngoại giao, kinh tế giữa hai nước đã không ngừng phát triển trong 48 năm qua, nhất là kể từ khi hai nước trở thành đối tác chiến lược vào năm 2013.

Ngoài ra, kể từ khi Hiệp định Khung về Kết nối Kinh tế Việt Nam-Singapore được ký kết vào năm 2006, thương mại song phương đã tăng gấp đôi lên mức gần 23 tỷ SGD (khoảng hơn 17 tỷ USD) vào năm 2020. Hiệp định Khung này cũng đã tạo điều kiện thuận lợi không chỉ cho các cuộc đối thoại giữa hai Chính phủ mà còn mở đường cho đối thoại giữa doanh nghiệp với Chính phủ.

Đại biện Lê Công Dũng khẳng định Việt Nam và Singapore đều được cộng đồng quốc tế đánh giá là hai trong số những quốc gia thành công nhất trong việc vừa chống đại dịch COVID-19, vừa đạt được kết quả tích cực trong phát triển kinh tế.

Cũng theo ông Lê Công Dũng, đáng chú ý là những sửa đổi trong ba bộ luật Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và Luật Đối tác Công-Tư của Việt Nam (mới được Quốc hội phê chuẩn và có hiệu lực từ ngày 1/1/2021) là những sự điều chỉnh quan trọng nhất liên quan đến doanh nghiệp. Những điều chỉnh này hướng tới việc thiết lập môi trường kinh doanh của Việt Nam trở nên minh bạch, cạnh tranh, thuận lợi hơn và phù hợp với thông lệ, quy định quốc tế.

Tại Hội thảo, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Vũ Minh Khương thuộc Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, đồng thời là thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam nhiệm kỳ 2016-2021, đã điểm lại những hoạt động hợp tác kinh tế Việt Nam-Singapore.

Ông khẳng định Singapore luôn luôn là đối tác đáng tin cậy của Việt Nam, đồng thời nêu những thuận lợi, khó khăn cũng như triển vọng hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với Singapore nói chung và giữa Đà Nẵng với Singapore nói riêng.

[Quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam-Singapore đang phát triển hiệu quả]

Tại hội thảo, công ty tư vấn quy hoạch Surbana Jurong (đơn vị tư vấn thực hiện Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 - Surbana Jurong) của Singapore đã giới thiệu tổng quan về những điểm mới của quy hoạch chung của thành phố.

Với mục đích nâng cao hình ảnh và thu hút nguồn vốn trong bối cảnh làn sóng chuyển dịch vốn đầu tư đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu, tại Hội thảo, bà Huỳnh Liên Phương, Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng, đã giới thiệu về môi trường đầu tư, kinh doanh, các chính sách ưu đãi và cơ hội đầu tư của thành phố Đà Nẵng trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin, dịch vụ chất lượng cao (y tế, giáo dục, logistics).

Các đại biểu tham gia Hội thảo cũng nhận được những chia sẻ từ bà Holly Bostock, Giám đốc bộ phận đối ngoại công ty Heineken Việt Nam (một trong những nhà đầu tư Singapore lớn nhất tại Đà Nẵng), về kinh nghiệm khi đầu tư vào Đà Nẵng cũng như những sự hỗ trợ tích cực của chính quyền thành phố. Bên cạnh đó, các giải pháp tài chính khi đầu tư vào Việt Nam cũng được đại diện ngân hàng UOB Việt Nam đưa ra tại Hội thảo.

Ông Douglas Foo, Phó Chủ tịch SBF đồng thời là Chủ tịch Liên đoàn Sản xuất Singapore (SMF), đã đánh giá cao về tiềm năng môi trường đầu tư kinh doanh của Đà Nẵng. Đồng thời, ông mong muốn thành phố Đà Nẵng thành lập Trung tâm thông tin Đà Nẵng (Da Nang Desk) đặt tại Trung tâm Kết nối Việt Nam tại SMF để thuận lợi cho việc kết nối thành phố với các doanh nghiệp Singapore.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh đánh giá cao về đề xuất việc thiết lập Trung tâm thông tin Đà Nẵng tại Singapore và giao Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư đề xuất mô hình, làm cầu nối hỗ trợ quảng bá môi trường và cơ hội đầu tư kinh doanh của Đà Nẵng đến các doanh nghiệp Singapore nói riêng và quốc tế nói chung; qua đó thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác đầu tư giữa Đà Nẵng và Singapore trong thời gian tới.

Singapore là một trong những thị trường trọng điểm thu hút đầu tư của Đà Nẵng. Hiện thành phố có 28 dự án FDI từ Singapore với tổng vốn đăng ký hơn 838 triệu USD, xếp thứ hai trong danh sách hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm khoảng 22% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Trên phương diện giữa hai nước, Singapore là một trong những đối tác thương mại và đầu tư quan trọng nhất của Việt Nam. Năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, Singapore đã đầu tư vào Việt Nam 248 dự án với tổng số vốn gần 13 tỷ SGD, là quốc gia dẫn đầu trong đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Lũy kế đến cuối năm 2020, Singapore là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thứ ba tại Việt Nam sau Hàn Quốc và Nhật Bản với tổng số 2.629 dự án và tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 80 tỷ SGD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục