Tiếp cận Iran qua đường ngoại giao sẽ mang lại lợi ích cho Mỹ ở Âu-Á

Ngoài lợi ích của việc tái thiết thỏa thuận hạt nhân, các cuộc đàm phán sẽ mang lại những cơ hội địa chính trị lâu dài trên khắp khu vực Á-Âu nếu quan hệ Mỹ-Iran được bình thường hóa.
Tiếp cận Iran qua đường ngoại giao sẽ mang lại lợi ích cho Mỹ ở Âu-Á ảnh 1Bên trong cơ sở hạt nhân Fordo ở Qom, miền Bắc Iran. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng nationalinterest.org, với việc chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố ý định khởi động lại thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, cơ hội tái kết nối thông qua con đường ngoại giao ở một khu vực nhiều "sóng gió" trên thế giới có thể đang đến gần.

Ngày càng có nhiều người ở Washington. DC nhận thấy rõ sự cần thiết của việc ngồi vào bàn đàm phán với Iran. Ngoài những lợi ích trước mắt của việc tái thiết thỏa thuận hạt nhân, các cuộc đàm phán sẽ mang lại những cơ hội địa chính trị lâu dài trên khắp khu vực Á-Âu nếu quan hệ Mỹ-Iran được bình thường hóa.

Iran nằm ở vị trí có tiềm năng to lớn trong việc kết nối các nền chính trị ở khu vực Á-Âu. Hơn 80 triệu người dân sinh sống ở khu vực cao nguyên có lợi thế về phòng thủ trước sự tấn công từ bên ngoài, kết nối trực tiếp trung tâm năng lượng Caspi với Vịnh Ba Tư thông ra đại dương.

Iran cũng đang trong thời kỳ bùng nổ dân số trẻ trong độ tuổi lao động, những người đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế. Nước Cộng hòa Hồi giáo này đang trong quá trình đô thị hóa cao và có tỷ lệ người biết chữ ngày càng tăng.

GDP danh nghĩa của Iran được xếp vào top 30 thế giới, mặc dù nước này hầu như bị cô lập về ngoại giao và kinh tế do phải hứng chịu các lệnh trừng phạt của quốc tế. Câu hỏi đặt ra là nền kinh tế Iran sẽ phát triển mạnh thế nào nếu được dỡ bỏ trừng phạt và được tiếp cận đầy đủ với thị trường quốc tế?

Đối với các nhà hoạch định chính sách Mỹ, điều này có vẻ đáng lo ngại, nhưng đó là cơ hội cho những ai muốn phá vỡ tính chính thống trong chính sách đối ngoại. Ngay cả trong trường hợp tốt nhất, Iran cũng không thể trở thành cường quốc thế giới trong tương lai như Trung Quốc, Nga hoặc Ấn Độ.

[Mỹ cảnh báo về giới hạn của sự kiên nhẫn với Iran]

Tuy nhiên, điều mà họ có là vị trí đắc địa nằm giữa các cường quốc Âu-Á và khuynh hướng độc lập cao so với tất cả các quốc gia đó.

Trong bối cảnh quan điểm của các nhà hoạch định chính sách ở Mỹ rõ ràng đang ngả về xu hướng cạnh tranh giữa các cường quốc, cần thừa nhận rằng một Iran “bình thường hóa” và thịnh vượng hơn có thể đóng vai trò như một bức tường thành chủ chốt để ngăn chặn một liên minh thống trị khu vực Á-Âu rộng lớn trong tương lai.

Điều này chỉ có thể được thực hiện nếu vị thế của Iran đủ an toàn để không phải dựa vào các quốc gia hùng mạnh hơn để bảo vệ họ trước sự tấn công từ bên ngoài hoặc phong tỏa kinh tế.

Syria ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào Moskva thì càng phải đối mặt với cuộc nổi dậy do các đối thủ láng giềng hậu thuẫn, điều đó cho thấy sự nguy hiểm của việc đẩy các nước nhỏ hơn vào tình thế cấp bách thông qua các biện pháp trừng phạt và một lập trường hiếu chiến.

Nếu Iran phải đối mặt với một nỗ lực phối hợp khác để buộc họ phải thay đổi chế độ hoặc bị siết chặt hơn nữa về kinh tế, Iran có thể rơi vào tình thế tương tự và họ sẽ cầu cứu sự hỗ trợ từ Bắc Kinh hoặc Moskva, điều này sẽ làm giảm tính độc lập của Iran và làm gia tăng ảnh hưởng của các cường quốc cạnh tranh với Mỹ.

Trên thực tế, Nga và Iran đã là những đối thủ không đội trời chung ở Syria, có chung kẻ thù nhưng các mục tiêu tổng thể lại khác nhau ở quốc gia Trung Đông này.

Một Iran bình thường hóa hơn trên trường quốc tế có thể sẽ đóng vai trò quan trọng như một bên cân bằng ở khu vực, luôn tìm cách tối đa hóa quyền tự chủ của họ đối với tất cả các cường quốc, chứ không chỉ với riêng Mỹ.

Với việc nhiều quốc gia đang cạnh tranh để giành quyền đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp dầu mỏ của Iran cùng với khả năng phòng thủ mạnh mẽ của nước này, Tehran đủ khả năng để có thể đưa ra các phương án lựa chọn nhằm tạo điều kiện cho các cường quốc quá tham vọng mở rộng bán quyền vì thực tế đơn giản là họ có thể đối trọng với những nỗ lực đó để tối đa hóa quyền tự chủ của mình.

Ngoài ra, trong bối cảnh mối quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục xấu đi, sẽ là khôn ngoan hơn nếu có nhiều hơn một cường quốc tầm trung có tư tưởng độc lập trong khu vực có mối liên kết ngoại giao với Washington, một quốc gia đủ mạnh để có thể tự đứng vững trên đôi chân mình.

Nếu các nhà hoạch định chính sách của Mỹ muốn tối đa hóa các lựa chọn dài hạn của họ để tăng cường sức mạnh ngoại giao mà không cần can thiệp quân sự, họ cần nhận thức rõ việc tái khởi động thỏa thuận hạt nhân Iran có thể chỉ là sự khởi đầu của một giai đoạn mới trong quan hệ giữa Washington và Tehran.

Một trong những “sứ mệnh” mà Iran đóng vai trò quan trọng trong mục tiêu lâu nay của các nhà địa chiến lược Mỹ là ngăn chặn một siêu cường hoặc mạng lưới liên minh thống trị siêu lục địa Á-Âu.

Chặng đường phía trước có thể còn nhiều khó khăn và thách thức cần phải vượt qua, nhưng đối với những người hoài nghi về chủ nghĩa can thiệp thường xuyên để theo đuổi bá quyền toàn cầu và những người đang tìm kiếm các cách tiếp cận ngoại giao mới, có lẽ rất đáng để thử bình thường hóa quan hệ Iran-Mỹ lâu dài.

Chấm dứt các hành động quân sự hiện tại để ủng hộ sự can dự ngoại giao đầy đủ là cách duy nhất để thực hiện điều này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục