Tình trạng trồng trái phép cây cần sa diễn biến phức tạp tại Đắk Lắk

Lực lượng chức năng tỉnh Đắk Lắk khuyến cáo người dân tuyệt đối không trồng các loại cây có chứa chất ma túy như cây cần sa để phục vụ bất cứ mục đích gì, nếu vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm.
Tình trạng trồng trái phép cây cần sa diễn biến phức tạp tại Đắk Lắk ảnh 1Lực lượng chức năng nhổ bỏ cây cần sa trồng trái phép trong rẫy. (Ảnh: TTXVN phát)

Thời gian qua, lực lượng chức năng tỉnh Đắk Lắk liên tiếp triệt phá các vụ trồng trái phép cây cần sa trên địa bàn tỉnh. Mặc dù lực lượng chức năng đã xử lý nghiêm nhưng tình trạng này vẫn diễn ra với những thủ đoạn tinh vi như trồng xen trong rẫy vắng, trong nhà kho hay trồng ở vùng sâu, vùng xa.

Liên tiếp triệt phá

Ngày 3/4, qua công tác nắm tình hình, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an tỉnh Đắk Lắk) đã phát hiện 4 vụ trồng cây cần sa với quy mô lớn tại rẫy của 4 hộ dân ở xã Hòa Thuận, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Tại đây, lực lượng chức năng đã nhổ bỏ 1.512 cây cần sa.

Cũng trong ngày 3/4, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy tiếp tục phát hiện trong rẫy của 1 hộ dân ở buôn Kô Tam, xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột đang trồng 410 cây cần sa.

Để qua mặt người dân và cơ quan chức năng, các đối tượng đã xây tường rào cao quanh rẫy. Đáng chú ý, các đối tượng còn xây dựng khu vườn ươm với hệ thống đèn Led chiếu tia cực tím để cây cần sa phát triển tốt. Ngoài 1.922 cây cần sa tươi phát hiện ngày 3/4, lực lượng công an còn phát hiện, thu giữ hơn 80 kg cần sa khô.

Trước đó, ngày 6/3, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và ma túy (Công an huyện Ea H’leo) phối hợp với Công an xã Ea Hiao bắt quả tang hai đối tượng Lê Anh Tài (sinh năm 1978, xã Ea Hiao, huyện Ea H'leo) và Lê Hoàng Quỳnh (sinh năm 1990, xã Hòa Thuận, thành phố Buôn Ma Thuột) đang trồng trái phép 1.586 cây cần sa xen canh trong vườn càphê, hồ tiêu ở xã Ea Hiao.

Cây cao nhất 1,8m và cây thấp nhất 1cm, được ươm trong bịch nylon. Khu vực trồng cần sa ở xa khu dân cư, ít người qua lại. Tài và Quỳnh khai nhận toàn bộ số cây cần sa được trồng để làm thuốc chữa bệnh cho gia cầm.

Ngày 4/1/2021, Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về kinh tế và ma túy phối hợp với Công an xã Ea Nam kiểm tra, bắt quả tang đối tượng Nguyễn Văn Bảo (sinh năm 1981, phường Thành Công, thành phố Buôn Ma Thuột) trồng trái phép số lượng lớn cây cần sa trên đất rẫy ở thôn 5A, xã Ea Nam. Đây là vườn rẫy xa khu dân cư, ít người qua lại nên Bảo đã lợi dụng trồng trái phép cây cần sa xen lẫn giữa các cây hồ tiêu.

[Xử lý các đối tượng trồng, tiêu thụ cây cần sa quy mô lớn tại Đắk Lắk]

Sau khi kiểm đếm, vườn rẫy của đối tượng Bảo có tổng cộng có 1.012 cây cần sa, trong đó cây cao nhất 1,2m và cây thấp nhất 8cm. Đối tượng Bảo khai nhận, do nuôi gà thường xuyên bị dịch nên trồng cây cần sa để chữa bệnh cho gà.

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, tính từ đầu năm 2020 đến hết tháng 3/2021, tỉnh Đắk Lắk phát hiện 32 vụ trồng trái phép cây cần sa (5 vụ trồng cây cần sa trái phép với số lượng lớn tại 3 huyện Ea H’leo, Cư M’gar và Krông Búk), với 33 đối tượng, thu giữ 8.495 cây cần sa tươi, tăng 25 vụ so với năm 2019.

Các đối tượng thường trồng cây cần sa trong các khu rẫy vắng, thưa dân cư và trồng xen giữa các vườn càphê, hồ tiêu để tránh sự chú ý của người dân và lực lượng chức năng.

Xử lý nghiêm

Theo Thượng tá Huỳnh Văn Long, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy-Công an tỉnh Đắk Lắk, khi lực lượng chức năng bắt quả tang, các đối tượng đều khai trồng cây cần sa cho gia cầm ăn để phòng tránh bệnh và tăng hiệu quả chăn nuôi nhưng thực chất các đối tượng đều nhận thức được việc trồng cây cần sa là vi phạm pháp luật.

Đáng chú ý, trong các vụ án có một số đối tượng đã dày công tìm hiểu, nghiên cứu, đầu tư để trồng cây cần sa đạt chất lượng tốt như vụ bị bắt ngày 3/4 vừa qua hay vụ đối tượng Đỗ Thị Kim Thanh (buôn Trăp, xã Cư M’gar, huyện Cư M’Gar) trồng 110 cây cần sa, trong đó 60 cây cần sa trồng trong bầu ươm ở nhà kho có đầu tư hệ thống quạt gió, điện chiếu sáng bị Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và ma túy (Công an huyện Cư M’gar) bắt quả tang tháng 2/2021.

Tình trạng trồng trái phép cây cần sa diễn biến phức tạp tại Đắk Lắk ảnh 2Cây cần sa con được ươm trong túi nylon. (Ảnh:TTXVN phát)

Theo ông Thủy Lệ Vũ, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đắk Lắk, hiện nay chưa có nghiên cứu nào chứng minh gia cầm ăn cây cần sa sẽ mau lớn hoặc phòng trừ được các loại bệnh. Trong khi đó, muốn phòng, chống các loại bệnh cho vật nuôi thì nên dùng vaccine, vừa giá rẻ vừa không vi phạm pháp luật.

Thời gian tới, Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh (Ban Chỉ đạo 138 tỉnh) chú trọng đổi mới, đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy; nghiên cứu, ứng dụng mạng xã hội trong tuyên truyền và răn đe về hành vi trồng trái phép cây có chứa chất ma túy trong cộng đồng.

Đồng thời, cơ quan chức năng kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động các mô hình, câu lạc bộ phòng, chống ma túy ở cơ sở; tập trung triển khai hiệu quả phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc để phát huy vai trò nhân dân trong tố giác tội phạm và đối tượng trồng trái phép cây có chứa chất ma túy...

Năm 2021, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh Đắk Lắk không để phát sinh ma túy ở các địa bàn hiện chưa có tệ nạn ma túy và triệt phá 100% diện tích trồng trái phép cây chứa chất ma túy được phát hiện.

Theo khoản 1 Điều 247 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), hành vi trồng cây cần sa là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm, căn cứ vào các khung hình phạt, người trồng trái phép cây cần sa có thể bị xử phạt đến 7 năm tù giam và phạt tiền đến 50 triệu đồng.

Lực lượng chức năng tỉnh Đắk Lắk khuyến cáo người dân tuyệt đối không trồng các loại cây có chứa chất ma túy như cây cần sa để phục vụ bất cứ mục đích gì. Trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục