Tổng thống Biden: Cuộc chiến chống lạm phát tại Mỹ đã đạt tiến bộ

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết “sẽ cần thời gian để đưa lạm phát trở lại bình thường, song người Mỹ cần tin tưởng rằng kế hoạch của chúng ta đang có tác dụng."
Tổng thống Biden: Cuộc chiến chống lạm phát tại Mỹ đã đạt tiến bộ ảnh 1Người dân mua hàng tại siêu thị ở Washington, D.C. (Mỹ). (Ảnh: THX/TTXVN)

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 1/12 cho biết nền kinh tế số 1 thế giới đang nhìn thấy những dấu hiệu tiến bộ trong cuộc chiến chống lạm phát. Nhận định trên được đưa ra sau khi Bộ Thương mại Mỹ công bố số liệu cho thấy tiêu dùng đã tăng trong khi sức ép lạm phát giảm dần.

Tuyên bố của Nhà Trắng nêu rõ: “Chúng ta đang chứng kiến những dấu hiệu ban đầu cho thấy chúng ta đang đạt tiến bộ trong cuộc chiến chống lạm phát, trong khi đang chuyển sang tăng trưởng bền vững hơn.”

Ông Biden cho biết thêm rằng “sẽ cần thời gian để đưa lạm phát trở lại bình thường, song người Mỹ cần tin tưởng rằng kế hoạch của chúng ta đang có tác dụng."

[Kinh tế Mỹ tăng trưởng tốt hơn dự báo trong quý 3 năm 2022]

Theo số liệu mới nhất do Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 1/12, Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE), vốn là chỉ số lạm phát chính được Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dùng khi đưa ra chính sách tiền tệ, đã có dấu hiệu tăng chậm lại trong tháng 10.

Cụ thể, chỉ số PCE trong tháng 10 tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn nhiều so với mức tăng mạnh trong tháng Chín.

Số liệu trên là tin tốt lành chỉ một ngày sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell xác nhận các đợt tăng lãi suất với biên độ nhỏ hơn sẽ được thực hiện ngay trong kỳ họp lãi suất sắp tới dù ông nhận thấy những đột phá trong cuộc chiến chống lạm phát vẫn chưa đủ.

Fed tập trung vào chỉ số PCE vì chỉ số này phản ánh chi tiêu thực của người tiêu dùng, bao gồm cả sự thay đổi của các mặt hàng không đắt tiền, khác với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) mà mọi người thường biết đến. Tính theo tháng, chỉ số PCE vẫn ở mức 0,3%.

Bộ Thương mại Mỹ cho biết trong khi giá các hàng hóa như xăng và các sản phẩm năng lượng khác vẫn tăng, chỉ số PCE không tăng mạnh như trước là nhờ “giá các hàng tiêu dùng lâu bền đã giảm đáng kể.”

Nếu không tính sự bấp bênh của giá lương thực và năng lượng, thì chỉ số giá PCE tăng 5% trong tháng 10 so với cùng kỳ năm ngoái.

Khi các hộ gia đình Mỹ đang vất vả đối mặt với giá cả tăng cao, Fed đã dùng biện pháp mạnh để hạ nhiệt lượng cầu bằng cách tăng lãi suất cho vay sáu lần trong năm nay, trong đó có bốn lần tăng trong những tháng gần đây. Và biện pháp này đã phát huy tác dụng đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục