TP Hồ Chí Minh kết nối gói tín dụng 70.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp

Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đề nghị các sở, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh “hiệu quả-thiết thực."
TP Hồ Chí Minh kết nối gói tín dụng 70.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp ảnh 1Lễ ký kết các hợp đồng vay vốn giữa đại diện các tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp. (Nguồn: hcmcpv.org.vn)

Các sở, ngành và các quận huyện, thành phố Thủ Đức cần chủ động hơn nữa trong việc nắm bắt tình hình khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực phụ trách, đặc biệt là khó khăn về vốn, để phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh hướng dẫn hỗ trợ, mục tiêu là không để doanh nghiệp nào đủ điều kiện vay vốn mà không thể tiếp cận nguồn vốn vay phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đây là yêu cầu của Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng đối với các sở, ngành thành phố tại hội nghị kết nối Ngân hàng-Doanh nghiệp năm 2021, tổ chức ngày 20/10.

Theo bà Phan Thị Thắng trong bối cảnh doanh thu sụt giảm, thiếu hụt nguồn lao động, chi phí nguyên vật liệu tăng…, việc phục hồi để tái sản xuất kinh doanh đang là vấn đề khó khăn rất lớn của các doanh nghiệp.

Trong khả năng của mình, Ủy ban Nhân dân thành phố sẽ cố gắng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về cơ chế chính sách để doanh nghiệp sớm phục hồi, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Từ đó, góp phần cùng thành phố thực hiện tốt mục tiêu kép vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế-xã hội.

Trong số các chính sách hỗ trợ hiện nay, chính sách tín dụng có vai trò quan trọng trong việc duy trì “sự sống” của doanh nghiệp. Do đó, để doanh nghiệp có thể sớm hồi phục, đại diện Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục duy trì chỉ đạo sát sao các ngân hàng thương mại triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Ngân hàng Nhà nước.

Phối hợp chặt chẽ với các sở ngành, quận huyện, thành phố Thủ Đức, Hiệp hội Doanh nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi nhằm phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh với phương châm “Hiệu quả-thiết thực.”

Phấn đấu từ nay đến cuối năm 2021, mỗi quận, huyện và thành phố Thủ Đức phải tổ chức ít nhất một hội nghị kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp.

Đối với Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố, các hội ngành nghề, Ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp, đại diện Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng đề nghị cần phát huy vai trò đầu mối, làm cầu nối hướng dẫn các doanh nghiệp, hội viên liên hệ trực tiếp các cơ quan chức năng.

Thường xuyên tập hợp các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, chuyển đến sở ngành liên quan để tháo gỡ, giải quyết nhanh chóng, kịp thời; tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp sớm phục hồi, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đại diện Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh và các sở, ngành nghiên cứu, đề xuất với Ngân hàng Nhà nước có cơ chế ưu đãi cho các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 như du lịch, dịch vụ lưu trú, vận tải...

[Hà Nội: Tạo mọi điều kiện giúp doanh nghiệp vượt khó do COVID-19]

“Hiện nay Ngân hàng Nhà nước có nhiều cơ chế để hỗ trợ cho doanh nghiệp, song đó là cơ chế chung của cả nước. Trong khi đó, đại dịch COVID-19 lần thứ 4 kéo dài đã khiến nhiều doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, nếu Ngân hàng Nhà nước có thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ riêng cho doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh thì sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp thành phố vốn đã nổi tiếng năng động, hoạt động hiệu quả sẽ có thêm điều kiện phục hồi, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Qua đó, giúp kinh tế thành phố phục hồi nhanh hơn cũng như đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển kinh tế chung của cả nước,” bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong những tháng cuối năm, nhu cầu vốn của các doanh nghiệp dự báo sẽ tăng cao. Song, ngành ngân hàng thành phố cam kết sẽ không để xảy ra tình trạng thiếu vốn, bảo đảm cung ứng đủ vốn để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, tính từ đầu năm đến nay, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã hỗ trợ cho 406.410 khách hàng với tổng dư nợ 470.195 tỷ đồng theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/2/2020 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và một số thông tư khác sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN. Trong đó, cơ cấu lại thời hạn với số tiền là 127.193 tỷ đồng, miễn giảm lãi suất là 7.251 tỷ đồng, cho vay mới là 334.000 tỷ đồng.

Trong năm 2021, Thành phố Hồ Chí Minh cũng có 11 thương hiệu ngân hàng đăng ký tham gia gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp với tổng số tiền đăng ký cho vay là 312.045 tỷ đồng với lãi suất áp dụng tối đa không quá 4,5%/năm đối với cho vay ngắn hạn và xoay quanh mức 9%/năm đối với cho vay trung dài hạn và các hình thức hỗ trợ khác như giảm lãi suất khoản vay cũ, tăng hạn mức cho vay, cơ cấu lại kỳ hạn nợ.

Các sở, ngành, thành phố Thủ Đức và các quận huyện đã phối hợp với ngân hàng thực hiện kết nối, giải ngân vốn vay cho 21.637 khách hàng với tổng số vốn 241.385 tỷ đồng.

Trong quý 4/2021, Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường thực hiện chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp với gói hỗ trợ tín dụng khoảng 70.000 tỷ đồng, nhằm chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà cộng đồng doanh nghiệp đang phải đối mặt.

Tại hội nghị đã diễn ra lễ ký kết giữa các ngân hàng thương mại với 64 doanh nghiệp trên địa bàn để triển khai gói hỗ trợ tín dụng này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục