Theo Businessinsider.com, người Mỹ đang hồi hộp chờ xem liệu cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ vào tháng 11 tới có làm suy yếu quyền lực của Tổng thống Donald Trump hay không.
Triều Tiên cũng không kém phần bồn chồn. Giới chức Triều Tiên đang dõi theo sát sao cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ, lo ngại rằng những thụt lùi của đảng Cộng hòa của ông Trump có thể cản trở các cuộc thương lượng của Bình Nhưỡng với Washington. Đây là đánh giá của giới ngoại giao Hàn Quốc, cựu giới chức Mỹ và giới chuyên gia khu vực.
Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy phe Cộng hòa có thể mất đi thế đa số mong manh tại Hạ viện, và có thể cả Thượng viện. Nếu phe Dân chủ giành quyền kiểm soát một trong hai viện trên, họ có thể gây ảnh hưởng hoặc có thể “làm đắm” bất kỳ thỏa thuận nào mà Mỹ-Triều đạt được.
“Họ (Triều Tiên) rất quan tâm đến cuộc bầu cử giữa kỳ này,” Sue Mi Terry, từng là chuyên gia phân tích cho Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) và hiện làm việc tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế, nói.
Theo Terry và giới chức ngoại giao Hàn Quốc tại Mỹ, việc theo dõi cuộc bầu cử này chủ yếu do giới chức Triều Tiên làm việc tại Mỹ đảm nhiệm.
Victor Cha, Giáo sư của trường Đại học Georgetown, nhận định: “Họ (Triều Tiên) thực sự lo sợ rằng tổng thống Trump, nếu bị thay đổi quyền lực sau cuộc bầu cử này, có thể không còn quan tâm đến vấn đề với Triều Tiên nữa, có thể bị Quốc hội 'trói chân, trói tay.'"
Ngoài ra, Giáo sư Cha và chuyên gia Terry cho rằng giới chức Triều Tiên cũng có thể lo ngại về những khả năng xảy ra một vụ luận tội ông Trump - do những cáo buộc về việc ông thông đồng với Nga trong cuộc bầu cử tổng thống cũng như các vụ bê bối khác đang làm rung chuyển chính quyền Trump.
Một số học giả cho rằng việc Triều Tiên theo dõi kết quả bầu cử giữa kỳ ở Mỹ không có gì bất thường bởi đây là điều mà nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước biệt lập, thường quan tâm. Lý do là sự kiện này sẽ tác động đến đường lối chính sách đối ngoại của Mỹ.
Tuy nhiên, điều làm nên sự khác biệt lần này nằm ở chỗ ông Trump là Tổng thống Mỹ đầu tiên đàm phán trực diện với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Khi đàm phán trực tiếp như vậy, ông Trump đã làm đảo lộn chính sách của Mỹ với Triều Tiên và khiến chính một số cố vấn của mình phải “mắt tròn mắt dẹt”. “Họ (Triều Tiên) thực sự tin rằng… đây là một cơ hội duy nhất trong đời mà họ có với Tổng thống Trump,” chuyên gia Terry nói.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có chuyến công du thứ 4 đến Bình Nhưỡng, có cuộc gặp kéo dài ba tiếng rưỡi với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ông Pompeo sau này thông báo Bình Nhưỡng đã sẵn sàng cho phép thanh sát viên quốc tế đến địa điểm thử hạt nhân Punggye-ri.
Ông này cũng cho biết đã bàn về việc tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh lần hai giữa ông Trump và ông Kim Jong-un, song không đề cập đến ngày giờ và vị trí cụ thể.
Mặc dù Bình Nhưỡng đã thực hiện một số nhượng bộ, song ông Kim Jong-un chưa chịu dỡ bỏ chương trình hạt nhân hoặc từ bỏ nguyên liệu hạt nhân của mình. Điều này khiến một số nghị sỹ Quốc hội Mỹ ngày càng lo lắng.
“Chúng tôi ngày càng mất kiên nhẫn với những thỏa thuận giả tạo này và mọi thứ chỉ là vẻ bề ngoài và trên thực tế không tạo ra được nhiều kết quả,” một thành viên quốc hội thuộc phe Dân chủ bộc bạch.
Người này cũng cho rằng các nghị sỹ quốc hội cảm thấy Pompeo đã giấu kín họ về các cuộc đàm phán với Triều Tiên. Ông nói: “Không có sự trao đổi nào với quốc hội. Chúng tôi thậm chí còn không được thông báo gì về nội dung đàm phán của cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên."
[Chuyên gia: Quá trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên sẽ kéo dài 10 năm]
Theo một số thành viên quốc hội, các nghị sỹ phe Dân chủ đang chuẩn bị yêu cầu thực hiện thêm các phiên điều trần về vấn đề Triều Tiên nếu họ lấy lại được quyền lực ở Thượng viện hoặc Hạ viện, đồng thời sẽ thúc đẩy việc thông qua một dự luật củng cố vai trò giám sát của quốc hội đối với bất kỳ thỏa thuận hạt nhân nào mà Mỹ đạt được với Triều Tiên.
Trước đó, sau cuộc gặp thượng đỉnh ở Singapore, một số nghị sỹ ở hai viện cho rằng ông Trump đã ban phát tính hợp lệ cho chính quyền Kim Jong-un, trong khi số khác lo sợ ông Trump sẽ trao cho ông Kim Jong-un quá nhiều nhượng bộ quan trọng mà không đổi lại được gì. Vì vậy, hai nghị sỹ Bob Menendez và Cory Gardner thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện đã đề xuất dự luật nói trên. Tuy nhiên, dự luật vẫn đang bị đình lại tại ủy ban này./.