Trọng tâm chính sách đối ngoại của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol

Sự thay đổi hoặc biến động của chính quyền một số nước đều có thể gây ảnh hưởng sâu rộng đến tình hình chính trị, kinh tế, an ninh... của khu vực và cần phải được theo dõi chặt chẽ.
Trọng tâm chính sách đối ngoại của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol ảnh 1Tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol ngày 10/5/2022 tuyên thệ nhậm chức trong buổi lễ được tổ chức trang trọng tại quảng trưởng trụ sở Quốc hội ở thủ đô Seoul. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Kể từ khi nhậm chức vào ngày 10/5/2022, Tổng thống mới đắc cử của Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã nhanh chóng nhắm tới những mục tiêu mà ông mong muốn đạt được trong chính quyền.

Đường hướng chính sách đối ngoại của Yoon Suk-yeol nhiều khả năng thiên về hệ tư tưởng bảo thủ. Điều này có thể được phản ánh qua các bài phát biểu về dự kiến những kế hoạch chính quyền mới sẽ triển khai trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên - quốc gia đã bắt đầu khôi phục loạt thử nghiệm hạt nhân, vốn được xem như mối đe dọa cận kề với sự tồn tại của Hàn Quốc cũng như nền hòa bình dài lâu trên Bán đảo Triều Tiên.

Như đã nhiều lần tuyên bố, Tổng thống Yoon Suk-yeol sẽ theo đuổi hòa bình trên bán đảo bằng cách nghiêm túc thúc đẩy việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên với sự giám sát chặt chẽ của Mỹ. Đó là lý do tại sao ông nhấn mạnh sự cần thiết của việc tăng cường quan hệ liên Triều cũng như quan hệ Mỹ-Triều.

Cách hành xử khuyến khích Triều Tiên hợp tác với Mỹ với tư cách là bên thứ ba trong các vấn đề nhằm mang lại hòa bình cho bán đảo phản ánh quan điểm vững chắc của ông, cựu Tổng trưởng Công tố, và cũng tương đồng với xu hướng hợp tác sâu sắc cùng Mỹ của Đảng Quyền lực Quốc dân (PPP).

[Chuông vang ở tháp Bosin và hành trình mới của xứ sở kim chi]

Nikkei Asia cho biết ông Yoon Suk-yeol từng miêu tả Triều Tiên là đối thủ chính và sẽ không ngần ngại cân nhắc tấn công phủ đầu nếu Bình Nhưỡng có những bước đi nguy hiểm hơn nữa nhằm vào Hàn Quốc.

Bất chấp những quan điểm trước đó về Triều Tiên, trong ngày nhậm chức, tân Tổng thống cho biết ông sẽ không hành xử quá cứng rắn nếu Triều Tiên sẵn sàng ngừng phát triển vũ khí hạt nhân và thậm chí Hàn Quốc còn có thể giúp Triều Tiên có những kế hoạch táo bạo để cải thiện nền kinh tế thông qua hợp tác với cộng đồng quốc tế.

Bên cạnh những vấn đề liên quan tới bán đảo, Tổng thống Yoon Suk-yeol cũng chia sẻ tầm nhìn về việc đưa Hàn Quốc trở thành quốc gia hàng đầu thế giới trong nỗ lực đóng góp tự do, hòa bình và thịnh vượng. Tầm nhìn này có thể thúc đẩy Yoon Suk-yeol hướng đến những vai trò lớn hơn để Hàn Quốc tích cực trở thành một quốc gia quan trọng trong các vấn đề toàn cầu.

Chính quyền Hàn Quốc đã công bố một số kế hoạch để hiện thực hóa tầm nhìn, bắt đầu bằng việc xem xét khả năng gia nhập Nhóm Bộ tứ, một cân nhắc hợp lý bởi điều này có thể ảnh hưởng tới quan hệ của Hàn Quốc với các đối tác thương mại lớn hơn, mà một trong số đó có thể đối thủ chung của Bộ tứ, như Trung Quốc.

Về nỗ lực trở thành một quốc gia có vai trò nòng cốt trên toàn cầu, chính quyền của Tổng thống Yoon Suk-yeol cần cân nhắc và tiếp nối các chính sách đối ngoại của chính quyền tiền nhiệm như Chính sách phương Nam mới và Chính sách phương Bắc.

Chính sách phương Nam Mới (NSP) dưới chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in được biết đến với tên gọi không chính thức là NSP +, là phiên bản đầu tiên của NSP được hồi sinh dưới sự quản lý của chính quyền Moon Jae-in.

NSP + nhằm mục đích hướng tới mối quan hệ sâu sắc hơn giữa Hàn Quốc, các quốc gia thành viên ASEAN và Ấn Độ trong nhiều lĩnh vực, tập trung vào 3P (viết tắt của Con người, Hành tinh và Thịnh vượng). Hàn Quốc có 16 chính sách phái sinh nhằm tương tác nhiều hơn với các quốc gia mục tiêu.

Trong khi đó, Chính sách Phương Bắc Mới nhắm mục tiêu hợp tác kinh tế sâu rộng hơn với một số quốc gia Á-Âu như Nga, Belarus, Ukraine, các quốc gia Trung Á, cộng với Mông Cổ và Trung Quốc.

Chính quyền cho biết chiến lược 9-BRIDGE phản ánh 9 chủ đề hợp tác từ năng lượng đến chăm sóc sức khỏe. Về chính sách phương Bắc, chính quyền cũng vạch ra loại chương trình hoặc những điều cần đạt được với từng đối tác để tạo ra mối quan hệ bổ sung như vậy với từng đối tác. Sau đó, các mối quan hệ sẽ dẫn đến hợp tác cùng có lợi.

Những sáng kiến đó sẽ được tiếp nối trong chính quyền Yoon Suk-yeol không chỉ để phân tích kết quả đã thực hiện được, mà còn giúp chính quyền đương nhiệm đóng một vai trò lớn hơn.

Ngay sau khi được ban hành vào năm 2020, NSP + đã đối mặt với những thách thức lớn từ đại dịch COVID-19, song vẫn không ngừng thực hiện nhiệm vụ đã đề ra tại các quốc gia mục tiêu.

Tại Indonesia, NSP + được triển khai trong một chương trình liên quan có tên Chính sách phía Nam Mới Indonesia-Hàn Quốc về Phòng Thí nghiệm Chuyên nghiệp trẻ do Cộng đồng Chính sách Đối ngoại Indonesia (FPCI) và Quỹ Hàn Quốc phối hợp tổ chức vào ngày 24-25/5/2021.

Chương trình phối hợp này nhằm mục đích thúc đẩy và tăng cường hiểu sâu hơn về các chính sách, giúp 2 bên cùng nhau giải quyết một số vấn đề và đưa ra giải pháp nhằm mục đích tăng cường các vấn đề chung giữa Indonesia-Hàn Quốc thông qua một số hội thảo, thảo luận nhóm và đề xuất chung bằng báo cáo.

Việc đưa cam kết vào các chính sách sẽ có lợi cho Hàn Quốc vì hiện nay quốc gia này đang đối mặt với các mối quan hệ quốc tế năng động và biến động nhanh chóng, một thực tế cho thấy việc tham gia đầu tư vào một lĩnh vực nào làm tăng lợi thế cạnh tranh là điều có nhiều hữu ích.

Tương tự vấn đề về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhiều chính phủ nhận ra rằng những kịch bản có nguy cơ diễn ra và tiềm năng kinh tế khu vực cần được cân nhắc và xử lý một cách thận trọng.

Hàn Quốc cần duy trì mối quan hệ tốt đẹp với các bên liên quan trong khu vực và phát huy tối đa kênh ngoại giao để xây dựng lòng tin ở các đối tác để khẳng định Seoul không phải là kẻ xâm lược và cũng không phải là một kẻ tham lam.

Cả hai chính sách, hướng Bắc và hướng Nam, là cách đúng đắn để tác động đến các bên liên quan trong khu vực và xây dựng lợi thế cạnh tranh hơn cho Hàn Quốc nêu các bên tham gia có cơ hội như nhau để thực hiện các quyền lợi trong khu vực./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục