Trung Quốc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng

Tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tất cả các ngân hàng sẽ giảm 0,5 điểm phần trăm xuống 8,4%. Đây là lần cắt giảm đầu tiên kể từ tháng Bảy.
Trung Quốc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng ảnh 1Đồng tiền giấy mệnh giá 100 nhân dân tệ của Trung Quốc tại Bắc Kinh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) ngày 6/12 cho biết sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ tiền mặt bắt buộc của các ngân hàng, nhằm nới lỏng hoạt động tín dụng và hỗ trợ nền kinh tế chịu thiệt hại do tình trạng thiếu điện và làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới.

Tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tất cả các ngân hàng sẽ giảm 0,5 điểm phần trăm xuống 8,4%. Đây là lần cắt giảm đầu tiên kể từ tháng Bảy.

Động thái này nhằm hỗ trợ các ngân hàng tăng cường cho vay đối với doanh nghiệp và các thực thể khác để thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư trong nước.

[Điều gì khiến Trung Quốc đẩy mạnh "thanh lọc" hệ thống ngân hàng]

Trong giai đoạn từ tháng Bảy đến tháng Chín, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tăng trưởng 4,9% so với cùng kỳ năm trước, song tốc độ tăng trưởng đã chậm lại và triển vọng kinh tế trở nên ảm đạm hơn do tình trạng thiếu điện và những rắc rối trên thị trường tài chính.

Tại Trung Quốc, các quy định của chính phủ về tiêu thụ năng lượng, cũng như đà tăng của giá than đã buộc một số nhà máy phải tạm ngừng hoạt động và làm suy yếu hiệu quả hoạt động của các công ty nhỏ hơn.

Bên cạnh đó, nhiều người cũng lo ngại nguy cơ phá sản của tập đoàn phát triển bất động sản China Evergrande Group có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu tương tự như năm 2008 sau sự sụp đổ của tập đoàn Lehman Brothers Holdings Inc (Mỹ).

Evergrande ngày 6/12 cho biết đã thành lập một ủy ban quản lý rủi ro để giải quyết những khó khăn tài chính. Evergrande, từng là nhà phát triển bất động sản hàng đầu Trung Quốc, đang "vật lộn" với khoản nợ hơn 300 tỷ USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục