Tỷ giá ngoại tệ biến động mạnh có gây áp lực điều hành vào cuối năm?

Chiều 6/12, tỷ giá ngoại tệ tại các ngân hàng bất ngờ tăng mạnh 40 đồng so với ngày trước đó. Điều này có gây áp lực đến việc điều hành tỷ giá vào thời điểm cuối năm?
Tỷ giá ngoại tệ biến động mạnh có gây áp lực điều hành vào cuối năm? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: LienVietPostBank)

Trong thời gian qua tỷ giá trung tâm được ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng liên tục và đến thời điểm này đã tăng cao nhất từ đầu năm đến nay. Trong chiều ngày 6/12, tỷ giá tại các ngân hàng thương mại cũng tăng mạnh tới 40 đồng so với ngày trước đó.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng tỷ giá tăng là do thời điểm cuối năm nhu cầu về ngoại tệ trong nước lớn khi nhiều doanh nghiệp đã đến hạn phải thanh toán tiền nhập khẩu hàng hóa cho các đối tác cũng như trả nợ các khoản vay ngoại tệ. 

[Giá vàng trong nước biến động trái chiều, tỷ giá tăng mạnh]

Tỷ giá tăng 2 lần trong một tháng

Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá trung tâm được áp dụng trong ngày 6/12 ở mức 22.762 đồng/USD, tăng 5 đồng/USD so với mức công bố hôm trước đó, đây là mức cao nhất từ trước đến nay.

Trong biên độ dao động +/-3% theo quy định, tỷ giá sàn các ngân hàng thương mại được áp dụng trong ngày là 22.080 đồng và tỷ giá trần là 23.444 đồng/USD.

Chính vì vậy hôm nay, các ngân hàng thương mại đều quay đầu tăng giá mua - bán USD so với phiên trước, chấm dứt chuỗi hai ngày giảm giá, đi ngược tỷ giá trung tâm.

Cụ thể, lúc 15 giờ chiều ngày 6/12, Vietcombank niêm yết giá mua - bán USD ở mức 23.280 - 23.370 đồng/USD, tăng 35 đồng/USD so với giao dịch cùng thời điểm này sáng ngày 5/12. Còn tại Vietinbank mua vào là 23.285 đồng/USD và bán ra là 23.375 đồng/USD, tăng 40 đồng. BIDV cũng tăng 40 đồng, hiện ngân hàng này niêm yết chiều mua và bán ra từ 23.280-23.370 đồng/USD.

Còn tại các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân cũng tăng tương tự. Eximbank mua vào là 23.270 đồng/USD và bán ra là 23.370 đồng/USD, tăng 40 đồng so với sáng ngày 5/12. Tương tự Techcombank cũng tăng 40 đồng, ACB tăng 35 đồng, Maritime Bank tăng 35 đồng/USD....

Đây là lần thứ hai trong một tháng, tỷ giá được các ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng, mức tăng cao nhất là 23.395 đồng (bán ra) cách đây 2 tuần.

Bình luận về vấn đề này, các chuyên gia của SSI cho biết, tỷ giá thị trường ngân hàng được điều chỉnh tăng mạnh trong khi tỷ giá tự do lại giảm liên tục, giúp thu hẹp khoảng cách giữa 2 thị trường. Cán cân thương mại nửa đầu tháng 11 đã chuyển sang thâm hụt 420 triệu USD là một tín hiệu cho thấy mức độ thâm hụt có thể còn gia tăng vào mùa cao điểm cuối năm. Như vậy có thể thấy tỷ giá chính thức USD/VND tăng để chuẩn bị cho giai đoạn nhiều áp lực vào cuối năm.

Theo tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, nguyên nhân khiến tỷ giá tăng liên tiếp trong những ngày qua và tăng cao nhất từ đầu năm đến nay là do thời điểm cuối năm nhu cầu về ngoại tệ trong nước lớn khi nhiều doanh nghiệp đã đến hạn phải thanh toán tiền nhập khẩu hàng hóa cho các đối tác cũng như trả nợ các khoản vay ngoại tệ.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cũng phân tích đồng USD được dự báo tiếp tục tăng giá trong khoảng thời gian từ nay đến cuối năm 2018 khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung còn khá căng thẳng và Trung Quốc có xu hướng dùng công cụ chính sách tiền tệ để giảm tác động tiêu cực của chiến tranh thương mại.

Ngoài ra, theo ông Hiếu, thường trước Tết Nguyên đán trong chu kỳ tăng nên có lẽ tất cả từ Ngân hàng Nhà nước đến các ngân hàng thương mại đều lên kịch bản để đối phó với trường hợp nhu cầu ngoại hối tăng.

Tỷ giá tăng do tâm lý. (Nguồn: Vnews)


Vẫn còn dư địa điều hành tỷ giá

Dù vậy, theo đánh giá của chuyên gia Công ty chứng khoán MBS, diễn biến tỷ giá cuối năm 2018 và đầu 2019, Ngân hàng Nhà nước đã lường trước được biến động tăng giá của USD, do đó hoàn toàn chủ động trong việc điều hành tỷ giá linh hoạt trong biên độ an toàn.

Theo các chuyên gia này, Ngân hàng Nhà nước vẫn quy định mức lãi suất 0% đối với tiền gửi USD cho cả khách hàng cá nhân và tổ chức. Trong khi đó lãi suất VND đang tăng. Mức chênh lệch lãi suất tiền gửi USD và VND ở mức khá cao trong bối cảnh lạm phát duy trì hợp lý khiến người dân có xu hướng bán USD và nắm giữ VND, tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước có thêm nhiều dư địa để duy trì mức tỷ giá VND/USD hợp lý.

Bên cạnh đó, giới phân tích cũng nhận định, việc Ngân hàng Nhà nước công bố Dự thảo Thông tư 24/TT-NHNN quy định về cho vay ngoại tệ, trong đó đã dỡ bỏ quy định thời hạn đối với hoạt động cho vay ngắn hạn ngoại tệ phục vụ nhu cầu thanh toán trong nước cũng như quy định rõ thời hạn sẽ chấm dứt cho vay ngoại tệ đối với một số nhu cầu cũng đã giải tỏa tâm lý băn khoăn của cộng đồng doanh nghiệp, từ đó giảm bớt áp lực lên tỷ giá những tháng cuối năm.

Phân tích về vấn đề này, tiến sỹ Phan Minh Ngọc, chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định, việc xiết lại nhu cầu vay ngoại tệ trên sẽ ngăn chặn và giảm thiểu tác động tiêu cực lên cung cầu ngoại tệ trước các đợt biến động mạnh của tỷ giá VND/USD, ít nhất là trong hệ thống ngân hàng. Do doanh nghiệp không còn được dễ dàng vay ngoại tệ, nếu không có nguồn thu ngoại tệ, nên khi tỷ giá biến động mạnh sẽ không gây ra trạng thái mất khả năng chi trả (bằng ngoại tệ) của các doanh nghiệp do tỷ giá đã tăng cao bất lợi cho họ.

Ông Ngọc nhấn mạnh, điều này đương nhiên sẽ có tác dụng như một chiếc gối giảm sốc hữu hiệu cho các cơn biến động tỷ giá, không dẫn đến làn sóng phá sản của doanh nghiệp cũng như các cuộc tháo chạy hoảng loạn của giới đầu tư, đầu cơ như trước nữa./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục