Tỷ lệ sử dụng tiền mặt tại Việt Nam giảm do thanh toán kỹ thuật số

Theo kết quả khảo sát của Visa, 74% người tiêu dùng tại Việt Nam kỳ vọng sẽ tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt trong 12 tháng tới.
Tỷ lệ sử dụng tiền mặt tại Việt Nam giảm do thanh toán kỹ thuật số ảnh 1Hiện nhiều khách hàng đã bắt đầu quen với việc mua sắm online. (Ảnh: CTV)

Một khảo sát mới được ủy quyền bởi Visa, công ty công nghệ thanh toán điện tử hàng đầu thế giới, đã ghi nhận người tiêu dùng Việt Nam giảm sử dụng tiền mặt do tăng cường thanh toán kỹ thuật số qua các công nghệ thanh toán mới như thanh toán thẻ không tiếp xúc, thanh toán trên các thiết bị di động và thương mại điện tử.  

Theo kết quả khảo sát, 74% người tiêu dùng tại Việt Nam kỳ vọng sẽ tăng cường thanh toán không tiền mặt trong 12 tháng tới. Đối với nhóm người dùng mang theo ít tiền mặt, lý do chính là vì ngày càng có nhiều nơi chấp nhận thanh toán không tiền mặt.

Những xu hướng này cũng được thể hiện rõ hơn qua các số liệu từ VisaNet, mạng lưới xử lý thanh toán tiên tiến của Visa, với tổng giá trị giao dịch của người tiêu dùng Việt Nam bằng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ Visa tăng 39% so với cùng kỳ năm 2019 và tổng số giao dịch tăng 54%.

[Lo ngại giao dịch tiền mặt, ví điện tử và mobile money có lên ngôi]

Một trong những công nghệ mới quan trọng được khảo sát là thanh toán không tiếp xúc-phương thức thanh toán mà người dùng chỉ cần chạm thẻ, điện thoại hoặc các thiết bị đeo vào máy thanh toán POS để thực hiện thanh toán.

Hiện tại, có 37% người tiêu dùng đang sử dụng thanh toán thẻ không tiếp xúc tại Việt Nam và có đến 42% người tiêu dùng thực hiện thanh toán không tiếp xúc bằng điện thoại di động. Đối với nhóm sử dụng thanh toán thẻ không tiếp xúc, có 85% người thanh toán 1 lần/tuần hoặc nhiều hơn.

Cũng tại kết quả khảo sát, 84% người dùng cảm thấy thông tin cá nhân của họ được bảo đảm an toàn khi thanh toán qua điện thoại di động. Lượt thanh toán không tiếp xúc trên điện thoại di động, mã QR và thương mại điện tử đều tăng so với các năm trước đã chứng minh mức độ tín nhiệm cao từ phía người tiêu dùng.

Khảo sát cũng cho thấy các công nghệ thanh toán mới đang thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng, với 82% người tiêu dùng Việt Nam cho biết quan tâm đến phương thức thanh toán sinh trắc học, chẳng hạn như sử dụng dấu vân tay hoặc xác thực bằng giọng nói để hoàn thành giao dịch, trong khi 81% người dùng quan tâm đến thanh toán thông qua ngân hàng số.

Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa tại Việt Nam và Lào chia sẻ: "Trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục giới thiệu các công nghệ thanh toán tiên tiến đến thị trường Việt Nam đồng thời hợp tác chặt chẽ với các bên liên quan để đảm bảo rằng lợi ích của các công nghệ này được truyền đạt rõ ràng đến người tiêu dùng. Đây là khoảng thời gian bùng nổ thương mại tại thị trường Việt Nam và chúng tôi mong muốn được đóng góp vào lộ trình hiện đại hóa nền kinh tế của đất nước."

Chính vì vậy, từ đầu năm đến nay, do phải đối mặt với dịch bệnh COVID-19 đã khiến nhu cầu thanh toán điện tử tăng vọt khi nhiều gia đình tăng mua hàng online, đặc biệt trong giai đoạn giãn cách xã hội. Thanh toán trên ứng dụng điện thoại di động, bằng thẻ không tiếp xúc… là những phương tiện tăng trưởng đáng kể như một loại hình thanh toán “sạch” được người dân sử dụng thường xuyên.

Chị Phạm Thanh Nga (quận Long Biên) tự nhận mình là người cẩn thận trong việc nội trợ, thức ăn cho gia đình hàng ngày phải là tươi sống, không phải hàng cấp đông nên sáng nào cũng đi chợ mua đồ. Nhưng trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19 bùng phát và phải hạn chế đi lại, chị Nga đã lên mạng tìm hiểu về phương thức mua hàng online.

“Lúc đầu, tôi rất sợ mua hàng trên mạng họ sẽ không lấy hàng chuẩn, hàng không tươi cho mình nhưng khi đặt thử tôi thấy rất ưng ý. Cái chính là khi mua hàng trên mạng mình sẽ thanh toán qua tài khoản chứ không phải đưa bằng tiền mặt nữa, vừa tránh phải cầm lại tiền thừa vừa không phải ra cây ATM rút tiền,” chị Nga chia sẻ.

Việc hạn chế sử dụng thanh toán bằng tiền mặt không chỉ được nhiều người tiêu dùng hưởng ứng mà các siêu thị, cửa hàng tiện ích, cửa hàng lớn cũng nhanh chóng “vào cuộc”.

Theo quan sát, tại các hệ thống siêu thị Vinmart, Intimex hay Hapro… có tới 70% lượng người thanh toán không dùng tiền mặt. Những hệ thống siêu thị này cũng khuyến khích người dùng nên sử dụng phương thức thanh toán không tiếp xúc thay vì tiền giấy.

Trong lĩnh vực bán lẻ, những "đại gia" lớn trong ngành cũng nhanh chóng bắt “trend", đưa ra nhiều tiện ích thông minh, mang trải nghiệm mua sắm 4.0 tiện lợi, an toàn đến người tiêu dùng trong thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.

Nếu như trước đây, mua sắm online chủ yếu là các mặt hàng thời trang, đồ dùng nhưng nay có cả thực phẩm tươi sống. Người mua có thể thể lựa chọn từng mớ rau, con cá chất lượng hay các mặt hàng nhu yếu phẩm ngay trên ứng dụng ngân hàng mà không phải mất thời gian đi lại, hạn chế tới nơi đông người.

Điều này cho thấy hành vi của người tiêu dùng đã thay đổi và trong thời gian tới, con số này dự kiến sẽ còn tăng hơn nhiều lần khi các ngân hàng đang tích cực “chạy đua” để không bị tụt hậu trong thời buổi kinh tế số./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục