Tỷ lệ vỡ nợ trái phiếu nước ngoài của DN Trung Quốc cao kỷ lục

Tính theo khối lượng phát hành, từ đầu năm đến nay, tỷ lệ vỡ nợ ở nước ngoài chiếm 85% các vụ vỡ nợ trái phiếu của Trung Quốc, cao nhất từ trước đến nay.
Tỷ lệ vỡ nợ trái phiếu nước ngoài của DN Trung Quốc cao kỷ lục ảnh 1Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. (Nguồn: channelnewsasia.com)

Khoảng cách mức độ căng thẳng giữa thị trường tín dụng trong nước và ngoài nước của Trung Quốc được nới rộng. Trong bối cảnh thị trường trong nước bình lặng, thì các vụ vỡ nợ trái phiếu ở nước ngoài lại ghi nhận mức cao kỷ lục.

Dữ liệu tổng hợp của hãng tin Bloomberg (Mỹ) cho thấy, tính theo khối lượng phát hành, từ đầu năm đến nay, tỷ lệ vỡ nợ ở nước ngoài chiếm 85% các vụ vỡ nợ trái phiếu của Trung Quốc, cao nhất từ trước đến nay. Ngược lại, tình hình nợ trong nước vốn chiếm vị trí thống trị cho đến năm ngoái lại giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi bắt đầu có số liệu thống kê từ năm 2018 đến nay.

Quy mô vỡ nợ ở nước ngoài của các doanh nghiệp Trung Quốc năm 2022 đạt 26,2 tỷ USD, dường như toàn bộ đều là các doanh nghiệp bất động sản. Cùng với chi phí vốn tăng mạnh, ngành công nghiệp này cơ bản không thể phát hành nợ bằng USD trong năm nay để đảo nợ các trái phiếu đã phát hành trong giai đoạn mở rộng vay nợ 10 năm qua.

[Thêm một doanh nghiệp bất động sản tại Trung Quốc vỡ nợ]

Bloomberg phân tích cho rằng, chính sách xóa bỏ đòn bẩy “ba lằn ranh đỏ” của Trung Quốc và doanh số bán nhà mới "lao dốc" đã kiềm hãm tính thanh khoản của nhiều doanh nghiệp bất động sản.

Năm nay, quy mô vỡ nợ trái phiếu trong nước của các nhà phát hành Trung Quốc giảm mạnh hơn 75% xuống còn 31,2 tỷ nhân dân tệ. Chính sách nới lỏng tiền tệ của Trung Quốc, việc hối thúc doanh nghiệp tránh vỡ nợ và tìm cách gia hạn thời gian trả nợ đều có lợi cho sự bình lặng của thị trường hối phiếu trong nước.

Với việc các doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc đối diện với khối lượng trái phiếu trị giá 31,7 tỷ USD đáo hạn, khoảng cách mức độ căng thẳng về nợ giữa thị trường nước ngoài và trong nước dường như sẽ tiếp tục kéo dài đến cuối năm.

Trong tháng này, Shimao Group không thể thanh toán đúng kỳ hạn 1 tỷ USD trái phiếu, bên cạnh đó Ronshine Group cảnh báo có khả năng không thể thanh toán lãi suất của hai khoản nợ bằng USD trong thời gian ân hạn.

Ngoài ra, Evergrande Group chưa thể nhận được sự đồng ý của nhà đầu tư về phương án tiếp tục trì hoãn nghĩa vụ trả nợ, điều này đồng nghĩa với lập trường của các chủ nợ địa phương ngày càng cứng rắn hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục