Vì COVID-19, Vietnam Airlines lỗ 10.750 tỷ đồng trong 9 tháng

Trong các tháng cuối năm, Vietnam Airlines Group sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch bệnh và bám sát thị trường để có phương án khôi phục mạng bay phù hợp.
Vietnam Airlines đang chiếm 51,7% thị phần vận chuyển hành khách nội địa. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Vietnam Airlines đang chiếm 51,7% thị phần vận chuyển hành khách nội địa. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Trong chín tháng của năm 2020, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vẫn giữ vững vị thế dẫn đầu ngành hàng không trong nước trước bối cảnh nền kinh tế và thị trường có nhiều biến động do đại dịch COVID-19.

Ngay từ khi dịch bùng phát, Vietnam Airlines đã chủ động áp dụng nhiều giải pháp mạnh mẽ để ứng phó với ảnh hưởng của đại dịch, duy trì sản xuất kinh doanh như tổ chức lại sản xuất phù hợp với quy mô thị trường bị thu hẹp; tiết kiệm, cắt giảm triệt để chi phí; tái cơ cấu và tổ chức lại lao động; giãn tiến độ thanh toán; dừng triển khai các danh mục đầu tư chưa cấp thiết; chủ động tìm kiếm và tận dụng mọi cơ hội để tăng doanh thu như đẩy mạnh vận chuyển hàng hóa, bay thuê chuyến chở khách hồi hương và khách chuyên gia; thanh lý đội tàu bay cũ,...

Các giải pháp này đã góp phần giúp Vietnam Airlines có tổng doanh thu hợp nhất trong chín tháng của năm nay ước đạt 23.948 tỷ đồng. Mặc dù vậy, mức lỗ hợp nhất dự kiến ở mức 10.750 tỷ đồng, trong đó mức lỗ của Công ty mẹ là hơn 8.700 tỷ đồng.

Trước ảnh hưởng của hai đợt dịch tại Việt Nam, Vietnam Airlines Group (bao gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO) vẫn khẳng định vị trí chủ lực tại thị trường nội địa với 51,7% thị phần vận chuyển hành khách.

Cụ thể, trong chín tháng qua, Vietnam Airlines Group đã thực hiện an toàn tuyệt đối 46.700 chuyến bay, vận chuyển gần 11,9 triệu lượt hành khách và 146.000 tấn hàng hoá.

Tuy quý 3/2020 ghi nhận sự tăng trưởng tích cực về sản lượng vận chuyển hành khách so với quý 2, nhưng do các hãng hàng không trong nước tăng tải ồ ạt, thực hiện nhiều chương trình kích cầu nhằm thúc đẩy du lịch theo mục tiêu lớn của Chính phủ và thị trường hàng không quốc tế chưa được khai thác trở lại, nên hiệu quả trực tiếp cho Vietnam Airlines Group còn ở mức độ rất hạn chế.

Ngoài tăng cường vận chuyển hàng hóa, Vietnam Airlines đã mở thêm 22 đường bay nội địa mới trong thời gian dịch bệnh được kiểm soát tốt và hưởng ứng chương trình kích cầu du lịch toàn quốc vào quý 2.

[Vietnam Airlines sẽ phục hồi 'sức khỏe' hoàn toàn vào năm 2023]

Hiện nay, hãng đang khai thác hơn 60 đường bay nội địa với trung bình 300 chuyến bay mỗi ngày. Sản lượng vận chuyển hành khách nội địa có thời điểm vượt đến 12% so với cùng kỳ, đánh dấu sự phục hồi ấn tượng.

Vietnam Airlines Group cũng tích cực đồng hành cùng đất nước trong công tác phòng, chống dịch qua các hoạt động như chuyên chở công dân về nước và vận chuyển hàng hóa. Trong hơn tám tháng, Vietnam Airlines và Pacific Airlines đã thực hiện hơn 100 chuyến bay hồi hương, đưa hơn 30.800 công dân Việt Nam từ gần 30 quốc gia về nước an toàn; hơn 2.600 chuyến bay chở hàng hóa.

Bước sang quý 4/2020, hoạt động vận tải hành khách của Vietnam Airlines đang ghi nhận sự chuyển biến tích cực trong bối cảnh Chính phủ kiểm soát dịch bệnh nhanh chóng và hiệu quả, thị trường nội địa trên đà phục hồi và một số đường bay quốc tế thường lệ được mở lại trong sự kiểm soát chặt chẽ theo quy định phòng, chống dịch.

Phía tập đoàn này sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch bệnh và bám sát thị trường để có phương án khôi phục mạng bay phù hợp, đảm bảo ưu tiên cao nhất là phòng, chống dịch và đáp ứng tốt nhu cầu di chuyển của hành khách.

Trước tình hình tài chính khó khăn, các nỗ lực nhằm thắt chặt chi phí để duy trì hoạt động sẽ tiếp tục được Tổng công ty triển khai thông qua việc tái cơ cấu lao động; triệt để tiết kiệm, giảm chi phí; đàm phán giảm giá, giãn nợ; sử dụng hạn mức vay ngắn hạn và kiến nghị giải pháp hỗ trợ với cổ đông Nhà nước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục