Vì sao tai nạn giao thông liên tiếp xảy ra trên Quốc lộ 5?

Nhìn vào con số thống kê về tỷ lệ số vụ tai nạn/số người chết, bị thương có thể thấy rõ mức độ nghiêm trọng của tình hình giao thông trên tuyến đường này.
Vì sao tai nạn giao thông liên tiếp xảy ra trên Quốc lộ 5? ảnh 1Hiện trường vụ tai nạn giao thông ở Hải Dương làm 7 người chết ngày 23/7 vừa qua. (Ảnh: CTV Nguyễn Huệ).

Hàng loạt các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên Quốc lộ 5 gần đây đã gióng lên hồi chuông “tử thần” rình rập và cướp đi mạng sống người dân bất cứ lúc nào khi mà tuyến đường này có lưu lượng xe tăng cao gấp hơn 3 lần thiết kế, chưa được trùng tu, sửa chữa những hằn lún vệt bánh xe khi phải trông chờ từ nguồn vốn thu từ 2 trạm phí.

Nhiều tai nạn nghiêm trọng trên một cung đường

Trong 2 ngày 23-24/7, bốn vụ tai nạn giao thông đã xảy ra trên Quốc lộ 5 đoạn qua huyện Kim Thành (Hải Dương) khiến 7 người chết, 3 người bị thương.

Trước đó, vào khoảng 13 giờ 55 phút ngày 21/1 tại km76+410, Quốc lộ 5, một vụ tai nạn thảm khốc diễn ra khi đoàn người đi viếng nghĩa trang đã bị chiếc xe tải mang biển kiểm soát 29C-719.53 đâm vào. Hậu quả của vụ tai nạn giao thông làm 7 người chết tại chỗ và một người tử vong tại bệnh viện và 5 người bị thương.

Ngay sau đó, cơ quan Nhà nước đã làm việc với các địa phương nơi có tuyến đường đi qua và yêu cầu phải làm các đường gom, cầu vượt dân sinh tại một số nút giao đường bộ-đường sắt, nơi có người dân và công nhân làm việc ở các khu công nghiệp đi qua thường xuyên nhằm giảm tai nạn giao thông.

Tuy nhiên, với việc dân cư sinh sống đông đúc bám dọc trục Quốc lộ 5, nhiều vị trí các đoạn hàng rào dải phân cách bị người dân tự ý mở để đi lại, đỡ phải đi xa thêm vài km đường vòng, đã khiến tai nạn giao thông sẽ diễn biến ngày càng phức tạp.

[Bộ trưởng GTVT chỉ đạo điều tra vụ tai nạn thương tâm ở Quốc lộ 5]

Theo số liệu thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong sáu tháng đầu năm 2019, trên tuyến Quốc lộ 5 (từ Hà Nội-Hải Phòng) đã xảy ra 47 vụ tai nạn giao thông, làm chết 53 người và bị thương 32 người.

Nếu tính tỷ lệ số vụ tai nạn/số người chết, bị thương có thể thấy rõ, mức độ nghiêm trọng của tình hình giao thông trên tuyến đường này. Nếu như năm 2018, trung bình một vụ tai nạn giao thông làm 0,82 người chết và 0,55 người bị thương thì sáu tháng trở lại đây, trung bình mỗi vụ có tới 1,12 người chết và 0,68 người bị thương.

Phân tích số liệu từng địa phương cho thấy, tai nạn giao thông xảy ra nhiều nhất trên đoạn đi qua tỉnh Hải Dương với 30 vụ, 30 người chết, 13 người bị thương trong năm 2018.

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương, tại địa bàn huyện Kim Thành có 17km Quốc lộ 5 với 130 lối đi dân sinh và 15 đường ngang đấu nối từ các công trình công cộng của địa phương (trường học, trụ sở Ủy ban Nhân dân xã, nghĩa trang… đường huyện, xã, thôn, xóm và các lối đi của các hộ dân sinh sống cạnh đường sắt đi cắt ngang qua đường sắt trực tiếp ra Quốc lộ 5 (toàn tuyến qua địa bàn tỉnh Hải Dương có 170 lối đi dân sinh và 36 đường ngang).

Từ các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, tỉnh Hải Dương đề nghị Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải bố trí cho địa phương 550 tỷ đồng để xây dựng 4,93km đường gom với kinh phí 150 tỷ đồng và xây dựng cầu vượt với số tiền 400 tỷ đồng từ nguồn ngân sách dự phòng Trung ương. Tuy nhiên đến nay, số vốn cho các hạng mục này vẫn chưa được phê duyệt.

Chờ nguồn vốn mới đại tu đường

Quốc lộ 5 nối Hải Phòng với Hà Nội đã được nâng cấp và khai thác được trên 20 năm và chưa đại tu lần nào (theo định mức yêu cầu 5-10 năm phải đại tu). Tuyến đường hiện đã xuống cấp trầm trọng, thường ngày vẫn phải “gồng mình” để “cõng” hàng chục nghìn lượt xe qua lại, đặc biệt là xe container lưu thông.

Theo thống kê của Bộ Giao thông Vận tải, hiện nay, lưu lượng giao thông trên Quốc lộ 5 rất lớn (khoảng 50.000 xe/ngày đêm, trong khi đó lưu lượng thiết kế 10.000-15.000 xe/ngày đêm, gấp hơn 3 lần).

Cùng với đó, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đánh giá nguyên nhân dẫn đến tai nạn tăng cao trong thời gian qua chính là sự phát triển dân cư, các khu công nghiệp dọc theo Quốc lộ; đường sắt chạy dọc và sát theo Quốc lộ cũng như điều kiện về đất đai, kinh phí xây dựng đường gom khó khăn.

Vào năm 2013, trước tình trạng xuống cấp của tuyến đường này, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã ký kết hợp đồng đầu tư dự án cải tạo Quốc lộ 5 với Ngân hàng Phát triển Việt Nam với tổng số tiền 794 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau gần hai năm sửa chữa, nâng cấp, hiện một số gói thầu trong dự án (đoạn qua thành phố Hải Phòng) đã hư hỏng, lún sụt, tạo thành những "sống trâu," gây khó khăn, nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông.

[Quốc lộ 5 sẽ được khẩn trương trùng tu, sửa chữa mặt đường]

Hiện nay, tuyến đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng đã được đưa vào khai thác, một phần lưu lượng xe có phân lưu sang đường cao tốc. Tuy nhiên, do đặc điểm Quốc lộ 5 là nơi tập trung nhiều nhà máy, khu công nghiệp, mức thu phí thấp hơn đường cao tốc nên đây vẫn là tuyến đường mà các phương tiện vận tải, đặc biệt là phương tiện vận chuyển hàng hóa lựa chọn lưu thông với lưu lượng lớn.

Vì sao tai nạn giao thông liên tiếp xảy ra trên Quốc lộ 5? ảnh 2Nhà thầu thi công sửa chữa hư hỏng, hằn lún vệt bánh xe tuyến Quốc lộ 5. (Ảnh: Phan Quân/TTXVN)

Theo đại diện Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI-đơn vị được bàn giao giao công tác quản lý, bảo trì Quốc lộ 5), VIDIFI đã lên phương án sửa chữa Quốc lộ 5, trong đó đợt 1 bố trí khoảng 840 tỷ đồng để sửa chữa cấp bách khoảng 30km (từ km46-km76) đoạn tuyến qua tỉnh Hải Dương đã hư hỏng nghiêm trọng (đã lập dự án sửa chữa, dự kiến triển khai trong năm 2020); đợt 2 sẽ bố trí từ 1.200-2.000 tỷ đồng (tùy theo tính khả thi của phương án tài chính sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định) để sửa chữa khoảng 60km các đoạn tuyến còn lại của Quốc lộ 5.

Bên cạnh đó, VIDIFI cũng tính toán số tiền duy tu, bảo trì Quốc lộ 5 theo quy định của Nhà nước trong thời gian 30 năm với tổng số tiền khoảng 10.526 tỷ đồng.

Hiện nay, số thu phí Quốc lộ 5 trước mắt chỉ được tập trung sử dụng để phục vụ sửa chữa lớn cấp bách đường đã xuống cấp nghiêm trọng, bảo trì, duy tu thường xuyên (trong 30 năm) mà chưa thể sử dụng để hỗ trợ hoàn vốn đầu tư dự án đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng theo cơ chế thí điểm ban đầu do Thường trực Chính phủ quyết định.

Để giảm thiểu tai nạn, trước mắt, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với các đơn vị tăng cường cảnh báo, sơn kẻ đường, giảm tốc, phản quang và hạn chế tốc độ tại các điểm xung yếu, các điểm mở dải phân cách; cắm các cụm biển báo hạn chế tốc độ (60km/giờ, trước đó cho phép các xe chạy 90km/giờ); xem xét đầu tư thêm cầu vượt dân sinh, đèn tín hiệu tại những vị trí nguy hiểm có lưu lượng người xe máy đi lại lớn; khẩn trương thực hiện trùng tu, sửa chữa mặt đường./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục