Vì sao xuất hiện một loạt vụ mua công ty ma, xuất hóa đơn ‘nghìn tỷ’?

Một loạt vụ mua bán hóa đơn giá trị gia tăng bất hợp pháp với số tiền lên tới cả nghìn tỷ đồng bị cơ quan chức năng lôi ra ánh sáng thời gian gần đây.
Vì sao xuất hiện một loạt vụ mua công ty ma, xuất hóa đơn ‘nghìn tỷ’? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Một loạt vụ mua bán hóa đơn giá trị gia tăng bất hợp pháp với số tiền lên tới cả nghìn tỷ đồng bị cơ quan chức năng lôi ra ánh sáng thời gian gần đây. Điều này theo lãnh đạo ngành thuế một phần xuất phát từ việc quản lý của cơ quan chức năng chưa đầy đủ quy trình, chưa sâu sát.

Đây là một phần trong văn bản của lãnh đạo Tổng cục Thuế gửi cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

[Đánh sập 17 công ty "ma" mua bán hóa đơn trị giá gần 600 tỷ đồng]

Điểm lại một số vụ lớn thời gian qua, đại diện Tổng cục Thuế có nhắc tới vụ Nguyễn Thị Đào tại quận Hoàng Mai, Hà Nội mua lại 17 công ty thành lập nhưng hoạt động không hiệu quả nhằm mục đích mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng. Cơ quan công an đã xác định đối tượng Đào xuất khống 3.500 hóa đơn.

Điển hình gần đây là vụ mua lại 50 “công ty ma” để mua bán hóa đơn khống hơn 10.000 tỷ đồng tại Hải Phòng. Trong vụ việc này, theo đại diện ngành thuế, Công an thành phố Hải phòng vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can 8 đối tượng về hành vi mua bán trái phép hoá đơn giá trị gia tăng do Lê Thanh Phong, 43 tuổi, Giám đốc Công ty vận tải Duy Mạnh, tại Huyện An Dương, Hải Phòng cầm đầu.

Hành vi của công ty Duy Mạnh là mua lại hàng loạt công ty và thuê người đứng tên giám đốc để thực hiện việc mua bán hóa đơn. Các công ty có liên quan thành lập trong thời gian ngắn (năm 2016-2017) nhưng doanh số mua vào bán ra rất lớn.

Khẳng định phần lớn vụ việc mua bán hóa đơn trái phép là do cơ quan thuế phát hiện nhưng lãnh đạo ngành thuế cũng thừa nhận, về chủ quan, một số địa phương còn chưa sát sao, chủ động nắm bắt tình hình.

Cụ thể, lãnh đạo Tổng cục Thuế nhận định, công tác quản lý việc tạo, in, phát hành, quản lý và sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp còn chưa chặt chẽ chưa thực hiện đầy đủ qui trình kiểm tra về hóa đơn.

Ngoài ra, việc quản lý kiểm tra hồ sơ tại địa bàn cũng bị đánh giá là chưa sâu sát để kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường trong hoạt động của doanh nghiệp như: cơ sở vật chất, vốn và ngành nghề kinh doanh, chênh lệch về kê khai doanh thu, chi phí và số thuế phải nộp, các giao dịch đáng ngờ,..

Theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, cơ quan này đã có văn bản từ ngày 30/6/2016 gửi các cục thuế địa phương tăng cường kiểm tra phát hiện hành vi mua bán hóa đơn. Ngoài ra, tháng 12/2017, Tổng cục Thuế cũng ban hành quy trình quản lý rủi ro trong công tác phân tích đánh giá người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro trong tạo, in, phát hành và sử dụng hóa đơn.

Từ đó, lãnh đạo ngành thuế yêu cầu các cục thuế căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, dựa theo các quy định hiện tại để rà soát các đối tượng kinh doanh trên địa bản, tổ chức kiểm tra thanh tra kịp thời./.

Triệt phá đường dây mua bán hóa đơn trị giá gần 600 tỷ đồng. (Nguồn: VNEWS)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục