Việt Nam-Nhật Bản phối hợp chặt chẽ thực thi hiệu quả Hiệp định CPTPP

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị Bộ trưởng Phục hồi Kinh tế Nhật Bản Yasutoshi Nishimura tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Nhật Bản đến đầu tư tại Việt Nam.
Việt Nam-Nhật Bản phối hợp chặt chẽ thực thi hiệu quả Hiệp định CPTPP ảnh 1Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại buổi điện đàm với ông Yasutoshi Nishimura, Bộ trưởng Phục hồi Kinh tế của Nhật Bản. (Nguồn: moit.gov.vn)

Ngày 26/5, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có buổi điện đàm với ông Yasutoshi Nishimura - Bộ trưởng Phục hồi Kinh tế của Nhật Bản để thảo luận một số nội dung liên quan Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Thảo luận về việc gia nhập Hiệp định CPTPP đang được một số nền kinh tế bày tỏ sự quan tâm hiện nay, đặc biệt là Vương quốc Anh, Bộ trưởng Yasutoshi Nishimura đề nghị Việt Nam ủng hộ việc tổ chức phiên họp Hội đồng cấp Bộ trưởng Hiệp định CPTPP lần thứ 4 dự kiến diễn ra vào đầu tháng 6 tới để xem xét khởi động tiến trình đàm phán gia nhập Hiệp định của Vương quốc Anh sau khi nước này chính thức nộp đơn xin gia nhập vào ngày 1/2/2021.

[Hiệp định CPTPP: Gia tăng cơ hội xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản]

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao nỗ lực và sự chuẩn bị chu đáo của Nhật Bản và cho biết Việt Nam sẽ tích cực phối hợp với Nhật Bản và các thành viên CPTPP tổ chức thành công phiên họp Hội đồng CPTPP lần này.

Ngoài ra, hai Bộ trưởng cũng dành thời gian trao đổi về việc thực thi Hiệp định CPTPP. Theo đó, Bộ trưởng Nishimura đề nghị Việt Nam ủng hộ các sáng kiến của Nhật Bản trong thời gian tới; đồng thời mong muốn hai bên tiếp tục hợp tác chặt chẽ để thực thi hiệu quả Hiệp định CPTPP.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Nhật Bản trong quá trình thực thi Hiệp định CPTPP.

Cùng với đó, Bộ trưởng cũng đề nghị Bộ trưởng Yasutoshi Nishimura hỗ trợ, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Nhật Bản có nhu cầu đến đầu tư tại Việt Nam. Từ đó giúp Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Nhật Bản, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất ôtô, điện tử, thiết bị y tế, dệt may cũng như các lĩnh vực có lợi ích cho sự phát triển quan hệ kinh tế-thương mại song phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục