Vùng Vịnh nóng lên khi Anh, Mỹ tăng cường hiện diện quân sự

Tình hình trên tuyến đường biển đông đúc này ngày một nóng lên khi cả Anh và Mỹ đều tuyên bố rằng họ đang điều động thêm lực lượng tới khu vực.
Vùng Vịnh nóng lên khi Anh, Mỹ tăng cường hiện diện quân sự ảnh 1Ảnh tư liệu: Tàu khu trục HMS Montrose của Hải quân Hoàng gia Anh đã phát cảnh báo khi các tàu Iran được cho là phong tỏa tàu chở dầu Heritage ở eo biển Hormuz. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo Trang tin jpost.com, Anh đang tăng cường hiện diện quân sự ở vùng Vịnh bằng việc điều chiếc tàu chiến thứ hai tới khu vực này.

Tình hình trên tuyến đường biển đông đúc này ngày một nóng lên khi cả Anh và Mỹ đều tuyên bố rằng họ đang điều động thêm lực lượng tới khu vực.

Một phát ngôn viên của Chính phủ Anh cho biết tàu khu trục HMS Duncan của Hải quân Hoàng gia Anh "được điều động đến khu vực để đảm bảo việc gìn giữ an ninh hàng hải liên tục trong lúc tàu HMS Montrose (một tàu khu trục nhỏ) đi bảo dưỡng theo kế hoạch và đổi ca.”

Ngoại trưởng Anh Jerermy Hunt nói rằng việc điều tàu khu trục này tới khu vực “là trách nhiệm của chính phủ Anh phải làm mọi việc có thể để bảo vệ tàu thuyền của Anh." Ông Hunt đưa ra phát biểu này sau khi Văn phòng Thủ tướng Anh Theresa May cho biết Anh đang tham vấn với Mỹ về việc tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực Trung Đông giàu dầu mỏ.

Tuần trước, London cáo buộc Tehran đã ra lệnh cho tàu chiến của Iran chặn một tàu chở dầu của Anh tại eo biển Hormuz - một tuyến đường biển rất quan trọng. Iran đã bác bỏ cáo buộc này.

Sự việc này xảy ra sau khi Anh bắt giữ một tàu chở dầu của Iran ở ngoài khơi Gibraltar vì cho rằng con tàu này đang chuyển dầu mỏ đến Syria - hành động vi phạm các lệnh trừng phạt quốc tế đối với quốc gia đang bị chiến tranh tàn phá này.

Nhà phân tích chính trị Hasan Awwad, một chuyên gia về Trung Đông, đã nhận định với báo The Media Line rằng hành động bắt giữ tàu chở dầu này có thể sẽ “châm ngòi” bạo lực.

Ông Awwad nói: “Động thái của chính phủ Anh trong vụ tàu chở dầu là một hành động leo thang nguy hiểm đối với cuộc xung đột này và có thể được coi là một bước tiến gần hơn tới chiến tranh.”

Ở bờ bên kia của Đại Tây Dương, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đang gia tăng sức ép đối với Iran. Phát biểu trước các phóng viên bên ngoài Nhà Trắng, Tổng thống Trump nói: “Tốt hơn là Iran hãy cẩn thận. Họ đang đặt chân vào một khu vực đầy nguy hiểm.”

Tuần trước, Iran tuyên bố sẽ làm giàu urani vượt quá mức giới hạn 3,67% theo quy định của thỏa thuận hạt nhân 2015 - động thái mà các nước phương Tây cho rằng đã vi phạm thỏa thuận này. Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận này vào tháng 5/2018.

Theo nhà phân tích chính trị tại vùng Vịnh Ahmad Obaid Syaf, mặc dù căng thẳng gia tăng nhưng tình hình sẽ không vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Ông nói: “Tình hình ở vùng Vịnh khá nhiều biến động, tuy nhiên sẽ không tới mức nổ ra chiến tranh tại khu vực, ít nhất không phải trong tương lai gần.”

Quan điểm này có vẻ như đã được củng cố khi ngày 12/7, Ngoại trưởng Hunt kêu gọi "những cái đầu lạnh" phải thắng thế. Ông nói: “Chúng tôi muốn làm mọi điều có thể để đảm bảo rằng sẽ không có động thái leo thang căng thẳng ngoài ý muốn mà có thể gây nguy hiểm cho thế giới.”

Nhiều ý kiến cho rằng tình thế đối đấu kéo dài này sẽ dẫn tới một "cuộc chiến tranh tàu chở dầu”, tương tự như những gì đã xảy ra những năm 1980 trong chiến tranh Iran-Iraq kéo dài 8 năm, cũng như một cuộc xung đột khác giữa Mỹ và Iran dẫn tới việc nhiều tàu thuyền bị tấn công.

Ông Syaf cho rằng bối cảnh địa chính trị thay đổi là một phần nguyên nhân dẫn tới cách hành xử như hiện nay của Iran. Ông nói: “Sự can dự của các chủ thể mới đã giúp Iran thách thức hiện trạng. Trước đây chỉ có một mình Iran. Ngày nay là Iran, Iraq, Syria, Liban, Yemen. Và thêm vào đó là cả Thổ Nhĩ Kỳ.”

Anh và Mỹ đã đề xuất xây dựng một liên minh quân sự đa quốc gia nhằm tăng cường bảo vệ tàu thuyền thương mại đi qua vùng Vịnh. Mỗi ngày, hàng triệu thùng dầu cùng một lượng khí đốt khổng lồ được vận chuyển qua eo biển Hormuz, chiếm 40% tổng lượng dầu mỏ toàn cầu và 1/3 lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng của thế giới.

Tuy nhiên, ông Awwad tin rằng Anh và Mỹ sẽ phải đối mặt với sự phản đối từ các nước ủng hộ Iran. Ông nói: “Hãy nhớ rằng đồng minh của Iran là Nga và Trung Quốc. Hai cường quốc này sẽ không khoanh tay đứng nhìn. Họ cũng cần bảo vệ lợi ích của mình ở khu vực.”

Bình luận về những lời lẽ cứng rắn từ phía Washington, ông Awwad cho rằng đó chỉ là lời nói. Ông nói: “Cho dù chúng ta không thể dự đoán được bước đi tiếp theo, nhất là đối với một người như Tổng thống Trump, nhưng tôi vẫn tin rằng ông ấy không phải là người muốn châm ngòi một cuộc chiến”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục