WIPO đề cao kiến thức sở hữu trí tuệ cho các nhà khoa học nữ trẻ

15 nhà khoa học nữ quốc tế trong đó có đại diện của Việt Nam là tiến sỹ Nguyễn Thị Hiệp đã tham gia khóa học về sở hữu trí tuệ tại trụ sở của WIPO ở Thụy Sĩ.
WIPO đề cao kiến thức sở hữu trí tuệ cho các nhà khoa học nữ trẻ ảnh 1Đại sứ Dương Chí Dũng và tiến sỹ Nguyễn Thị Hiệp tham gia lễ khai mạc tại khóa học. (Ảnh: Cao Thị Hoàng Hoa/TTXVN)

“Sở hữu trí tuệ và Khoa học đời sống” là chủ đề của chương trình đào tạo chuyên về vấn đề sở hữu trí tuệ dành cho 15 nhà khoa học nữ quốc tế, những người vừa dành giải thưởng “Tài năng trẻ quốc tế” do Quỹ L’Oréal phối hợp với Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) trao tặng.

Đại diện Việt Nam tham dự chương trình này có tiến sỹ Nguyễn Thị Hiệp, giảng viên Trường Đại học Quốc tế, thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Khóa học “Sở hữu trí tuệ và Khoa học đời sống” diễn ra trong hai ngày, 26 và 27/3 tại trụ sở của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) ở Geneva (Thụy Sĩ). Đây là lần đầu tiên WIPO phối hợp với Quỹ L’Oréal và Tổ chức UNESCO tổ chức khóa học với các mục tiêu được chính Tổng Giám đốc WIPO, ông Francis Gurry, nhấn mạnh: “Giúp các nhà khoa học trẻ ý thức về việc bảo vệ các sáng chế, ý tưởng trước khi công bố rộng rãi, đồng thời khuyến khích các bằng sáng chế từ những nhà khoa học nữ.

[191 quốc gia bầu Việt Nam giữ chức Chủ tịch đại hội đồng WIPO]

Tham gia khóa học, các nhà khoa học trẻ đã được tiếp cận với nhiều vấn đề liên quan đến bảo hộ sáng chế như các sáng chế trong khoa học đời sống và sức khỏe cộng đồng; các khía cạnh thực tế liên quan đến bằng sáng chế và tác động của các bằng sáng chế đến việc bảo vệ các phát minh trong lĩnh vực công nghệ sinh học; vấn đề xây dựng hồ sơ đề nghị cấp bằng sáng chế, thời điểm và quy trình nộp hồ sơ; vấn đề hỗ trợ cho ra thị trường của sáng chế trong lĩnh vực khoa học đời sống; quy luật của sở hữu trí tuệ và khởi nghiệp đối với các các kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học đời sống ; các nguyên tắc chung về chuyển giao công nghệ; sở hữu trí tuệ trong bảo tồn gen, kiến thức nhân loại; hệ sinh thái đổi mới; tranh luận chính sách về vấn đề bảo hộ sáng chế trong lĩnh vực khoa học đời sống….

Trong khuôn khổ khóa học, tổng cộng 15 chuyên gia của WIPO và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tham gia giới thiệu các đề tài, vấn đề khác nhau trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ tới các nhà khoa học trẻ.

Tham gia khóa học do WIPO tổ chức, tiến sỹ Nguyễn Thị Hiệp, giảng viên Bộ môn kỹ thuật y sinh, kỹ thuật mô và định hướng y học tái tạo của trường Đại học Quốc tế (thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, khóa học mang tới cho các nhà khoa học trẻ những kiến thức rất hữu ích về luật sở hữu trí tuệ, làm rõ sức mạnh của bằng sáng chế cũng như cách đánh giá vấn đề cần được bảo vệ trong các kết quả nghiên cứu và quan trọng là cách khai thác và quảng cáo bằng sáng chế.

Trong khuôn khổ khóa học tại Geneva, WIPO đã tổ chức một buổi gặp gỡ giữa các nhà khoa học nữ vừa nhận giải thưởng “Tài năng trẻ quốc tế” do Quỹ L’Oréal và UNESCO trao tặng, lãnh đạo WIPO và các Đại sứ, Trưởng đại diện các cơ quan ngoại giao của các quốc gia có các nhà khoa học được vinh danh.

Đại sứ Dương Chí Dũng, Trưởng Phái đoàn Việt Nam, bên cạnh Liên hợp quốc, WTO và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, đồng thời là Chủ tịch Đại hội đồng WIPO nhiệm kỳ 2018-2019, đã tham dự sự kiện. Nhân dịp này, Đại sứ Dương Chí Dũng đã chúc mừng thành công và vinh dự của Tiến sỹ Nguyễn Thị Hiệp.

Trước khi tham dự khóa học chuyên đề về sở hữu trí tuệ do WIPO tổ chức tại Geneva, 15 “tài năng trẻ quốc tế” của Quỹ L’Oréal và UNESCO, đã tham gia vào một khóa học về quản lý nhóm, thu hút nhà đầu tư đầu tư cho nhóm nghiên cứu và tư duy kinh doanh kết quả của nhóm do Quỹ L’Oréal và UNESCO tổ chức tại vùng Ile de France (Pháp).

Tiến sỹ Nguyễn Thị Hiệp cùng 14 nhà khoa học nữ từ các nước khác đã nhận giải thưởng “Tài năng trẻ quốc tế” do Quỹ L’Oréal phối hợp cùng UNESCO trao tặng ngày 21/3 tại Paris (Pháp). Đây là lần thứ hai giới khoa học nữ Việt Nam nhận được vinh dự này.

15 nhà khoa học nữ trẻ đã được Hội đồng giám khảo gồm 12 nhà khoa học quốc tế danh tiếng lựa chọn từ 250 ứng viên trong chương trình học bổng L’Oréal-UNESCO trên toàn thế giới. Nghiên cứu hiện tại của Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp tập trung vào các vật liệu sinh học như keo sinh học, băng sinh học để bệnh nhân có thể trực tiếp sử dụng tại nhà.

Dự án gần đây nhất là phát triển của một loại keo thông minh, chủ yếu được hình thành bởi liên kết chéo giữa axit hyaluronic (góp phần vào sự gia tăng và di chuyển tế bào) và chitosan (tái tạo mô), và có thể chứa các thành phần khác như tinh chất nghệ nano curcumin./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục