"Việt Nam nên trở thành bếp ăn của thế giới” - Tại sao lại không thể? Thương hiệu quốc gia bếp ăn thế giới khi được xây dựng sẽ trở thành một sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn; thu hút bạn bè năm châu đến với Việt Nam, khám phá văn hóa Việt qua những món ăn đậm chất dân tộc. Và ngành du lịch đang kỳ vọng vào điều đó. Người Việt Nam đã sáng tạo ra rất nhiều món ngon, mang đậm dấu ấn truyền thống vùng miền; văn hóa ẩm thực Việt cũng từ đó ra đời, gần gũi với mọi đối tượng dân chúng và thuyết phục được cả những người đến từ các quốc gia khác nhau. Vậy nên, từ món ăn sang trọng (như ẩm thực cung đình) hay món dân dã cũng có mặt trong các khách sạn cao cấp, vượt biên giới sang các nước để quảng bá đến bạn bè bốn phương về một văn hóa ẩm thực Việt Nam. Đưa ẩm thực vào phát triển du lịch, điều này đáng phải được quan tâm và đầu tư từ lâu, nhất là với du lịch Hà Nội - nơi hội tụ phong cách ẩm thực không nơi nào bằng. Phở, nem, bún thang, chả cá Lã Vọng, bún chả Hàng Mành, bánh cuốn Thanh Trì, phở cuốn Ngũ Xã, bánh tôm Hồ Tây... vừa mang sự cầu kỳ, tinh tế trong chế biến, vừa mang hương vị cổ truyền của đất Kinh kỳ và rất hợp khẩu vị với mọi người.
Bà Phạm Ánh Tuyết, chủ một nhà hàng ăn trên phố Mã Mây chia sẻ ẩm thực Hà Nội rất tinh túy và đã chắt lọc qua thời gian để tạo nên một nét văn hóa riêng. Món ngon nhớ lâu, đó mới là điều cốt yếu để du khách cần khám phá và đưa bước chân của họ quay trở lại Việt Nam khi họ đã yêu mến. Tại nhà hàng của bà, du khách được tận hưởng những trải nghiệm thú vị khi tự tay họ làm món ăn và thưởng thức chính những món ăn do mình làm ra. Sau đó, nhiều người đã trở lại với bà, cảm ơn bà khi họ mang được cách thức làm món ăn Việt về đất nước họ, dù là ít ỏi. Những mô hình làm du lịch như nhà hàng Ánh Tuyết không nhiều, cho dù những người làm du lịch đánh giá loại hình này nhiều lợi thế, có khả năng thu hút khách. Phát triển văn hóa ẩm thực thành sản phẩm du lịch đặc sắc và hơn cả là một thương hiệu của quốc gia - một bài toán khó cần một lời giải hay đặt trên bàn những người làm công tác du lịch Việt Nam. Mới đây, Tổng cục Du lịch đã giao cho Công ty Du lịch Vietravel xây dựng đề án phát triển ẩm thực của Việt Nam ra thế giới nhằm cụ thể hóa ý tưởng trên. Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Vietravel, 99% của hành động mua bắt đầu từ cảm xúc, bởi vậy xây dựng thương hiệu du lịch quốc gia Bếp ăn thế giới nhằm mục đích đánh vào cảm xúc người mua. Đề án đang trong quá trình triển khai xây dựng với nhiều chiến lược, giải pháp, chương trình cụ thể để quảng bá văn hóa ẩm thực, thu hút khách du lịch và phát triển hoạt động kinh tế cộng đồng của người Việt tại nước ngoài. Đối với trong nước, đề án sẽ xây dựng hệ thống nhà hàng để quảng bá tới du khách. Tại nước ngoài, các cơ quan liên quan phối hợp cùng với hiệp hội đầu bếp người Việt ở nước ngoài quảng bá ẩm thực người Việt và xây dựng hình ảnh nhận diện. Đồng thời, đề án cũng đề cập đến công tác xúc tiến quảng bá thông qua hoạt động trình diễn tại các hội chợ, các sự kiện văn hóa được tổ chức.... Nếu được Tổng cục Du lịch chấp thuận thì đến năm 2018 đề án sẽ cơ bản hoàn thành để kịp chào đón ASIDAS và đến năm 2020 sẽ hoàn thành xây dựng thương hiệu quốc gia. Rất nhiều người kỳ vọng vào chương trình này, bởi khi đó Việt Nam không phải bán món ăn mà điều quan trọng là bán thương hiệu, để cả thế giới biết tới Việt Nam./.
Đinh Thị Thuận (TTXVN)