Xét xử cựu lãnh đạo Bình Dương: Tranh luận làm rõ động cơ vụ lợi

Ngày 22/8, phiên tòa xét xử vụ án sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai tại Bình Dương gây thất thoát hàng nghìn tỉ đồng ngân sách Nhà nước, tiếp tục với phần tranh luận.
Xét xử cựu lãnh đạo Bình Dương: Tranh luận làm rõ động cơ vụ lợi ảnh 1Các bị cáo tại tòa. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Ngày 22/8, phiên tòa xét xử vụ án sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai tại Bình Dương tiếp tục với phần tranh luận.

Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đại Dương (con rể bị cáo Nguyễn Văn Minh, cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Bình Dương), các luật sư cho rằng thiếu cơ sở để kết luận bị cáo Nguyễn Văn Minh và con rể Nguyễn Đại Dương cấu kết ký hợp đồng liên doanh với động cơ vụ lợi.

Luật sư đề nghị không hình sự hóa quan hệ kinh tế 

Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đại Dương, luật sư Đinh Anh Tuấn cho rằng trong bối cảnh thị trường bất động sản đóng băng, Tổng Công ty sản xuất-xuất nhập khẩu Bình Dương (Tổng Công ty Bình Dương) đang phải vay vốn để trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Qua việc liên doanh với Công ty Âu Lạc, Tổng Công ty Bình Dương chưa cần bỏ tiền vốn, bỏ công sức để thực hiện dự án 43ha nhưng đã có thể thu về đủ số tiền đã đầu tư và có lãi lớn.

Luật sư cho rằng việc Tỉnh ủy Bình Dương phê duyệt chi tiết phương án sử dụng đất của Tổng Công ty Bình Dương tại Công văn số 407-CV/TU ngày 29/7/2016 là chưa phù hợp với chủ trương ban đầu, buộc các doanh nghiệp phải đi đường vòng. Theo Công văn 407, khu đất 43ha và 30% vốn góp của Tổng Công ty Bình Dương tại Công ty Tân Phú sẽ được chuyển về cho Công ty Impco quản lý. Nếu làm đúng thế, Tổng Công ty Bình Dương sẽ phải chuyển giao khu đất 43ha cho Công ty Impco, sau đó Công ty Impco lại phải chuyển nhượng khu đất 43ha cho Công ty Tân Phú.

Quan điểm của cơ quan điều tra và truy tố cho rằng làm như vậy là trái với Công văn 407. Tuy nhiên tại phiên tòa, bị cáo Trần Văn Nam (cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương) cho rằng việc chuyển các khu đất về cho Công ty Impco quản lý không đồng nghĩa với các khu đất này không được phép chuyển nhượng. Trên thực tế, sau khi tiếp quản, Công ty Impco vẫn tiếp tục chuyển nhượng một số khu đất để thực hiện các dự án khác.

[Vụ Bình Dương: Luật sư cho rằng bị cáo “không chiếm hưởng cá nhân”]

Tại phần luận tội, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng trong cuộc họp Hội đồng thành viên Tổng Công ty Bình Dương để thống nhất chuyển nhượng quyền sử dụng khu đất 43ha cho Công ty Tân Phú, các thành viên của Hội đồng thành viên đã “nể nang” nên biểu quyết theo ý của bị cáo Nguyễn Văn Minh, trong đó có sự tham mưu, góp sức của bị cáo Nguyễn Đại Dương.

Theo quan điểm bào chữa của luật sư Đinh Anh Tuấn, nhận định như vậy là thiếu căn cứ, nặng về suy đoán theo hướng có tội. Trên cơ sở đó, luật sư cho rằng tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ chưa đủ căn cứ để xác định bị cáo Nguyễn Đại Dương có hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, gây thất thoát, lãng phí; luật sư đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bị cáo Dương không phạm tội, trả tự do và khôi phục các quyền công dân cho bị cáo.

Đồng bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đại Dương, luật sư Lưu Văn Tám phân tích các luận điểm cho rằng bị cáo Dương không góp vốn vào Công ty Âu Lạc như cáo buộc. Theo luật sư, ông Dương Đình Tâm đứng tên cổ phần ở Công ty Âu Lạc thay cho người tên Quân. Trong toàn bộ các sao kê tiền rót vào Công ty Âu Lạc, không có khoản tiền nào của bị cáo Dương, chỉ có bằng chứng chuyển tiền của ông Quân.

Luật sư cho rằng lời khai của nhân chứng Dương Đình Tâm không đảm bảo tính khách quan, không phù hợp với chứng cứ, các lời khai khác và không phù hợp với chính lời khai của ông Tâm trước đó. Do vậy, cần có thêm thời gian để đánh giá lại chứng cứ của vụ án, đảm bảo không hình sự hóa quan hệ kinh tế dân sự. Trên cơ sở đó, luật sư cũng đề nghị Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa, trả hồ sơ điều tra bổ sung, trả tự do cho bị cáo Nguyễn Đại Dương.

Trước đó, bản luận tội của đại diện Viện Kiểm sát khẳng định mặc dù bị cáo Nguyễn Đại Dương không thừa nhận tội, nhưng căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ, lời khai của những người liên quan, tài liệu xác minh dòng tiền luân chuyển... đủ cơ sở kết luận bị cáo Dương tham gia góp vốn thành lập Công ty Âu Lạc, bị cáo Dương phạm tội với vai trò đồng phạm là đúng người, đúng tội, không oan sai. Do vậy, đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Dương mức án từ 6-7 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.”

Cựu Chủ tịch Bình Dương thừa nhận thiếu kiểm tra, giám sát

Tự bào chữa tại tòa, bị cáo Trần Thanh Liêm (cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương) cho biết bị cáo nhận nhiệm vụ Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh từ cuối năm 2015. Do đó, tình hình hoạt động của Tổng Công ty Bình Dương giai đoạn trước đó, bị cáo không nắm được và cũng không được ai bàn giao cụ thể để quản lý Tổng Công ty này.

Xét xử cựu lãnh đạo Bình Dương: Tranh luận làm rõ động cơ vụ lợi ảnh 2Ông Trần Thanh Liêm.

Bị cáo Liêm khai nhận thức Tổng Công ty Bình Dương thuộc Tỉnh ủy nên bị cáo không theo dõi, không có nhiều thông tin hoạt động. Vì vậy, trong giai đoạn thực hiện cổ phần hóa vào cuối năm 2015, khi thành lập Ban chỉ đạo Cổ phần hóa, bị cáo Liêm muốn giao cho bị cáo Nguyễn Văn Minh trực tiếp triển khai kế hoạch cổ phần hóa của chính mình để bảo đảm chặt chẽ, khả thi.

Cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương thừa nhận đã "không theo dõi, không thường xuyên kiểm tra việc cổ phần có đúng hay không nên để xảy ra sai sót tại khu đất 145ha," song bị cáo Liêm cũng đề nghị Hội đồng xét xử xem xét vai trò của bị cáo trong vụ án này "không vụ lợi," sai sót do tin tưởng tham mưu của cấp dưới là Sở Tài chính.

Bị cáo Liêm nêu khi dư luận có thông tin về "đất vàng rơi vào tay tư nhân," Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương tổ chức thanh tra xác minh để có hướng xử lý, với thái độ kiên quyết, cứng rắn với sai phạm liên quan đến khu đất. Tuy nhiên, mặc dù Thường trực Tỉnh ủy đã rất kiên quyết chỉ đạo Tổng Công ty Bình Dương phải khắc phục song còn để kéo dài.

Đoàn thanh tra chưa có kết luận, mới có kết quả xác minh là có vi phạm, bị cáo đã chuyển hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra tỉnh để điều tra xử lý. Theo bị cáo, điều này thể hiện quan điểm của Thường trực Tỉnh ủy cũng như cá nhân bị cáo là kiên quyết xử lý và khắc phục sai phạm.

Theo quan điểm luận tội của Viện Kiểm sát, quá trình thực hiện nhiệm vụ, khi biết Tổng Công ty Bình Dương đã chuyển nhượng khu đất 43ha cho Công ty Tân Phú trái với chủ trương, quyết định của Tỉnh ủy và trái với quy định pháp luật, nhưng bị cáo Trần Thanh Liêm không yêu cầu hủy bỏ Hợp đồng chuyển nhượng để thực hiện theo đúng quyết định của chủ sở hữu mà cùng bị cáo Trần Văn Nam đồng ý cho Tổng Công ty Bình Dương tiếp tục được chuyển nhượng 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc, tạo điều kiện cho Nguyễn Văn Minh và đồng phạm hoàn thành việc chuyển nhượng toàn bộ tài sản của Nhà nước sang Công ty tư nhân, gây thất thoát cho Nhà nước số tiền gần 985 tỷ đồng.

Đối với khu đất 145ha, bị cáo Liêm đã cùng Thường trực Tỉnh ủy phê duyệt phương án sử dụng đất tại Công văn số 407 ngày 29/7/2016 và Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định 3027 ngày 31/10/2017, theo đó khu đất 145 ha được Tổng Công ty Bình Dương giữ lại sử dụng và tiếp tục kế thừa tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa.

Tuy nhiên, tại cuộc họp ngày 21/11/2017 của Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển phát triển doanh nghiệp và Ban chỉ đạo Cổ phần hóa Tổng Công ty Bình Dương, bị cáo Liêm vẫn đồng ý với kết quả phân loại khu đất 145ha vào mục “Tài sản chờ thanh lý,” không có trong giá trị doanh nghiệp và ký ban hành Quyết định số 3468/QĐ-UBND ngày 8/12/2017 phê duyệt giá trị doanh nghiệp Tổng Công ty Bình Dương; trong đó không có giá trị quyền sử dụng đất khu đất 145ha, dẫn đến hậu quả gây thất thoát cho Nhà nước hơn 4.030 tỷ đồng.

Qua đó, khẳng định Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố bị cáo Trần Thanh Liêm về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” là có căn cứ pháp luật./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục