Xoa dịu nỗi đau thời hậu chiến: Ký ức những ngày tháng Bảy bi hùng

Tháng Bảy về, cũng là thời điểm những người lính già mà dấu chân đã từng in đậm khắp các chiến địa năm xưa lại dội về những ký ức bi hùng, rưng rưng nhớ những đồng đội, đồng chí người còn, người mất.
Xoa dịu nỗi đau thời hậu chiến: Ký ức những ngày tháng Bảy bi hùng ảnh 1Các chiến sỹ giải phóng sau một trận đánh tại Thành cổ Quảng Trị năm 1972. (Ảnh: TTXVN)

Bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ vô cùng thiêng liêng, cao cả đối với những người lính. Non sông thống nhất, hòa bình lập lại, hàng vạn người lính thắng trận trở về với đời thường, song mỗi người trong số họ lại mang một cảnh đời khác nhau.

Có người vượt qua bom đạn mà thân thể vẫn lành lặn. Cũng có những người mà ngoài vết thương hở nơi cơ thể còn có những “vết thương kín” do chất độc da cam/dioxin gây ra, để lại hậu quả, di chứng rất nặng nề.

Với mong muốn tri ân những người đã hy sinh xương máu, một phần cơ thể cho Tổ quốc, cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, nhân 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2022), phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thực hiện loạt 3 bài viết: “Xoa dịu nỗi đau thời hậu chiến.”

Bài 1: Ký ức Tháng Bảy

Tháng Bảy tới, cả nước tri ân, hướng về sự hy sinh máu xương của những người góp phần làm nên chiến thắng, cho đất nước liền một dải. Tấm lòng đó thể hiện truyền thống, đạo lý tốt đẹp "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc.

Tháng Bảy về, cũng là thời điểm những người lính già mà dấu chân đã từng in đậm khắp các chiến địa năm xưa lại dội về những ký ức bi hùng, rưng rưng nhớ những đồng đội, đồng chí người còn, người mất…

Trên tầng ba của một ngôi nhà ở ngõ 110 phố Nguyễn Hoàng Tôn, quận Tây Hồ, Hà Nội, có một bức ảnh đen trắng khổ lớn được đóng khung treo trang trọng trên tường. Bức ảnh đó ghi lại bối cảnh cán bộ, chiến sỹ Quân Giải phóng chờ Tổng thống Ngụy Dương Văn Minh đọc tuyên bố đầu hàng tại phòng thu của Đài Phát thanh Sài Gòn trưa 30/4/1975.

Trong bức ảnh này có Trung úy Phùng Bá Đam, thuộc Trung đoàn bộ binh 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2.

Xoa dịu nỗi đau thời hậu chiến: Ký ức những ngày tháng Bảy bi hùng ảnh 2Tổng thống ngụy Dương Văn Minh cùng nội các ra trước Đài phát thanh Sài Gòn tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, kết thúc chiến tranh Việt Nam, trưa 30/4/1975. Trung úy Phùng Bá Đam (thứ 4 từ phải sang) (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)

Chia sẻ về khoảnh khắc lịch sử đó, Đại tá Phùng Bá Đam, nguyên cán bộ Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng, bồi hồi kể lại, ngày 15/4/1975, Bộ Chính trị quyết định mở “Chiến dịch Hồ Chí Minh” giải phóng miền Nam, với tinh thần “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chiến thắng” gồm 5 mũi tiến công, mục tiêu đánh vào Dinh Độc Lập.

Ngày 27/4/1975, sau khi đánh chiếm căn cứ Nước Trong, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 thành lập lực lượng mạnh đột kích thọc sâu hướng đông nam Sài Gòn. Trung úy Phùng Bá Đam khi đó là cán bộ Trung đoàn, được giao nhiệm vụ đi cùng Đại úy Phạm Xuân Thệ, Trung đoàn phó 66 và một số đồng đội khác.

Sáng 30/4 năm đó, các lực lượng của ta đã đập tan lần lượt các tuyến phòng thủ mạnh nhất của địch và tiến thẳng vào Dinh Độc Lập. Trung úy Phùng Bá Đam là một trong những người có mặt tại thời điểm đó.

Sau khi vào Dinh, Trung úy Phùng Bá Đam cùng Đại úy Phạm Xuân Thệ và các đồng đội đưa Tổng thống Ngụy Dương Văn Minh sang Đài Phát thanh Sài Gòn để tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.

[Ngày Thương binh-Liệt sỹ: Triển lãm 'Quảng Trị-Điểm đến của ký ức']

Tâm trạng lúc đó của người chiến sỹ giải phóng quân Phùng Bá Đam vô cùng xúc động. Anh biết rằng đó là một nhiệm vụ vô cùng vinh dự của người lính. Trong hân hoan niềm vui đất nước thống nhất, anh cũng cồn lên suy nghĩ, nỗi nhớ quê hương, gia đình, vợ và con trai đầu, các anh chị em. Nỗi nhớ thương các đồng đội, nhiều người đã vĩnh viễn nằm lại ở chiến trường.

Xoa dịu nỗi đau thời hậu chiến: Ký ức những ngày tháng Bảy bi hùng ảnh 3Hàng ngàn hoa đăng rực sáng trên dòng sông Thạch Hãn trong lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sỹ. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

“Đồng đội tôi hy sinh nhiều lắm. Biết bao anh em đã mãi mãi nằm lại ở Quảng Trị, dưới dòng Thạch Hãn, ở cao điểm 1062 của căn cứ Thượng Đức, rồi có những anh em hy sinh ngay cửa ngõ Sài Gòn. Tôi không nghĩ rằng mình vẫn còn sống đến ngày toàn thắng…,” Đại tá Phùng Bá Đam nghèn nghẹn nói.

Đưa tay chỉ vào phía sau gáy mình, người lính già cười bảo, nơi đây có một mảnh đạn sượt dài và 3 mảnh ở đốt sống cổ nhưng các bác sỹ không cho ông mổ vì rất nguy hiểm.

“Đó là lần bị thương khi đánh cao điểm 1062 ở Thượng Đức tại Quảng Nam. Và cũng sau ngày đất nước thống nhất, tôi mới biết ngoài những vết đạn, mảnh nổ trên cơ thể, được xác định là thương binh hạng 3/4 với tỷ lệ thương tật 47% thì tôi còn bị nhiễm chất độc da cam,” Đại tá Phùng Bá Đam nói.

Ngồi bên cạnh Đại tá Phùng Bá Đam, cũng rưng rưng nhắc lại những thời khắc thiêng liêng của lịch sử là Đại tá, thương binh Đặng Đức Quy, nguyên Trinh sát thông tin, Trung đoàn 95, Sư đoàn 325.

Thấm thoát đã hơn 50 năm khi ông rời giảng đường Đại học Ngoại ngữ để lên đường nhập ngũ và cùng đồng đội chiến đấu vô cùng ác liệt 81 ngày, đêm trong lòng thị xã và Thành cổ Quảng Trị. Vào những ngày tháng Bảy này, ký ức khoảng thời gian lịch sử của tháng Bảy hồi 50 năm trước lại dội về.

Những ngày Hè đỏ lửa từ 27/7 đến 15/9/1972, trong ký ức của Đại tá Đặng Đức Quy, cuộc chiến đấu trong lòng Thành cổ diễn ra như một huyền thoại, tương quan về vũ khí được trang bị giữa ta và địch có sự chênh lệch rất lớn song cán bộ, chiến sỹ của ta vẫn anh dũng chiến đấu.

Mỗi ngày có một đại đội vượt dòng Thạch Hãn để tiếp viện quân số, nhưng nếu đêm hôm trước một đại đội tiến vào thì ngày hôm sau chỉ còn lại vài người sống sót, một nửa hy sinh trong hành trình vượt sông chi viện, nửa nằm lại trên chiến trường Thành cổ dưới mưa bom bão đạn của quân thù.

Dù phải chứng kiến đồng đội hy sinh và bị thương mỗi ngày, máu của thương binh hòa cùng bùn, mưa trên từng thước đất Thành cổ, song “với khát vọng sống, với tình yêu gia đình, bạn bè nơi quê hương, với tình đồng đội yêu thương nhau,” ông Đặng Đức Quy cùng đồng đội vẫn giữ vững tinh thần.

Họ ngoan cường chiến đấu, nhiều lần đánh bật địch ra khỏi thành. Đêm 15, rạng sáng 16/9, ông cùng đồng đội được lệnh rời khỏi thành, kết thúc 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị.

“Tôi vừa mới quay lại Quảng Trị thắp cho anh em nén hương. Nhìn lại những địa danh, chiến địa. Sau 50 năm, mặc dù bây giờ thay đổi nhiều lắm, Đông Hà, Quảng Trị đổi thay nhiều lắm. Nhưng lên các nghĩa trang trong bạt ngàn bia mộ, niềm xúc động vẫn trào dâng. Tôi cũng như các anh em khác trong đoàn chỉ có nước mắt. Nhìn thấy bia mộ anh em mình không có tên thì nhiều mà bia mộ anh em có tên thì ít lắm,” nghẹn ngào tháo chiếc kính, khẽ lau nước mắt, Đại tá Đặng Đức Quy kể.

Mang trong mình những vết thương và chất độc da cam/dioxin, nhưng như Đại tá Phùng Bá Đam, Đại tá Đặng Đức Quy đều tự nhận, đó là họ còn may mắn hơn biết bao đồng đội, cán bộ, chiến sỹ đã ngã xuống hoặc để lại một phần thân thể trong cuộc chiến bảo vệ nền độc lập dân tộc.

Sự hy sinh vô bờ bến của những đồng chí, đồng đội đã đem lại niềm vui hạnh phúc cho dân tộc, làm cho đất nước ta được nở hoa độc lập, kết quả tự do, máu đào của các thương binh, liệt sỹ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ thắm./.

Bài 2: Nỗi đau không đong đếm nổi

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục