Bảo hiểm y tế: Cần "gỡ" rào cản quyền lợi của các lao động di cư

Chính việc không thể giảm bớt chi phí khi khám chữa bệnh trái tuyến khiến hầu hết người lao động di cư không mua bảo hiểm y tế theo hộ gia đình ở quê, dù theo chính sách mới hỗ trợ 50-70% phí đóng.
Bảo hiểm y tế: Cần "gỡ" rào cản quyền lợi của các lao động di cư ảnh 1Lao động di cư được tư vấn về chăm sóc sức khỏe. (Ảnh: Hồng Kiều/Vietnam+)

Chị Đỗ Thị Hiền (quê ở Xuân Trường, Nam Định) đã lên Hà Nội làm nghề thu gom đồng nát với thu nhập 4 triệu đồng/tháng được hơn 10 năm. Giờ đã ngoài 50 tuổi, bước vào giai đoạn sức khỏe thường xuyên ốm đau, chị Hiền rất muốn mua thẻ bảo hiểm y tế để giảm bớt chi phí khám chữa bệnh nhưng lại không biết phải mua thẻ ở đâu, mua thẻ như thế nào.

Thậm chí, khi được tư vấn về chính sách hỗ trợ mua bảo hiểm y tế hộ gia đình mới, chị Hiền vẫn phân vân: “Nếu mua bảo hiểm y tế ở quê thì mỗi lần ốm đau tôi lại phải ngược về quê khám, lại mất rất nhiều thời gian và tiền bạc, như vậy thì tôi khám dịch vụ ở Hà Nội chứ không cần mua thẻ bảo hiểm y tế nữa.”

Chính sách vô tình loại bỏ lao động di cư

Câu chuyện của chị Hiền phản ánh tâm lý của đa số người lao động di cư, lao động phi chính thức với chính sách bảo hiểm y tế. Chính việc không thể giảm bớt chi phí khi khám chữa bệnh trái tuyến là lý do mà hầu hết người lao động di cư không muốn mua bảo hiểm y tế theo hộ gia đình ở quê, dù theo chính sách mới mua theo hộ gia đình được hỗ trợ từ 50-70% mức phí đóng bảo hiểm y tế.

Trong khi đó, so với các nhóm lao động khác, người lao động di cư hầu hết là nhưng người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, di cư từ địa phương này đến địa phương khác để mưu sinh. So với lao động tại địa phương và lao động chính thức, họ thường có nguy cơ mắc bệnh tật, tai nạn lao động, rủi ro cao hơn do điều kiện làm việc và điều kiện sống không đảm bảo.

Theo bác sỹ Nguyễn Thu Giang, Phó Viện trưởng Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng, khi gặp ốm đau hay bệnh tật ở nơi tạm trú, những lao động này thường ít nhận được sự trợ giúp từ người thân, bạn bè, họ hàng. Việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế của lao động di cư và lao động phi chính thức rất khó khăn. Một phần vì chi phí khám, chữa bệnh và mua bảo hiểm y tế cao so với khả năng chi trả, phần khác từ quy định về hành chính, pháp luật liên quan còn nhiều rào cản.

Đặc biệt, lao động di cư còn gặp phải sự kỳ thị do định kiến xã hội khi muốn chủ động mua hoặc khám bệnh bằng bảo hiểm y tế. Những rào cản này đã khiến người lao động tự do (lao động phi chính thức) ít tham gia đóng bảo hiểm y tế.

“Bảo hiểm y tế là một chính sách rất nhân văn của nhà nước, tuy nhiên hiện nay những quy định không chi trả vượt tuyến và bắt buộc mua bảo hiểm y tế theo hộ khẩu đang vô tình loại bỏ lao động di cư ra khỏi chính sách khi khiến người lao động di cư không muốn mua bảo hiểm y tế,” bà Giang trăn trở.

Cần chính sách "mở" với lao động di cư

Kết quả khảo sát của Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng thực hiện tại hai phường Chương Dương và Phúc Tân ( Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) trong thời gian từ tháng 11/2014 đến tháng 2/2015 cho thấy, bên cạnh tư vấn, đăng ký tạm trú thì nhu cầu chăm sóc sức khỏe của lao động di cư bán hàng rong và đồng nát rất lớn.

Tuy nhiên, số lượng lao động di cư có thẻ bảo hiểm y tế là rất thấp: Chỉ 13,1% người trả lời có thẻ bảo hiểm y tế dành cho hộ nghèo, 1,9% có thẻ bảo hiểm y tế dành cho gia đình chính sách, 17% lao động di cư có thẻ bảo hiểm y tế tự nguyện.

Bảo hiểm y tế: Cần "gỡ" rào cản quyền lợi của các lao động di cư ảnh 2Sản xuất vàng mã xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Giấy xuất khẩu Thái Nguyên. (Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN)

Hiện nay, theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, khi tất cả thành viên hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế sẽ được giảm dần mức đóng từ thành viên thứ hai trở đi, người thứ hai giảm 70%, thứ ba giảm 60%, thứ tư giảm 50% mức đóng của người thứ nhất và từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

Quy định mới đã cho phép người lao động di cư và lao động phi chính thức tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình cả ở nơi đến, chỉ cần họ có đăng ký tạm trú và đóng theo hộ gia đình trong sổ tạm trú. Nhưng thực tế người lao động di cư với tính chất thường xuyên di động, việc đóng bảo hiểm xã hội cho các kỳ tiếp theo có thể sẽ gặp khó khăn. Vì vậy, đa phần lao động di cư và lao động phi chính thức thường tự mua thuốc chữa bệnh theo thói quen hoặc bỏ qua việc chăm sóc sức khỏe.

Trước thực trạng này, bác sỹ Nguyễn Thu Giang cho rằng, để thực hiện bảo hiểm toàn dân, thay bằng việc quy định bắt buộc tất cả thành viên hộ gia đình theo hộ khẩu hoặc đăng ký tạm trú đều phải tham gia bảo hiểm y tế thì cần tập trung vào việc nâng cao chất lượng các dịch vụ bảo hiểm y tế và có hỗ trợ cho nhóm lao động di cư và lao động phi chính thức.

Theo bà Ngô Thị Ngọc Anh, Giám đốc trung tâm Nghiên cứu giới gia đình và phát triển cộng đồng thì việc tăng cường cơ hội cho lao động di cư tiếp cận với an sinh xã hội là việc làm mang ý nghĩa nhân văn, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa cùng đô thị hóa đang tác động khiến vấn đề di cư, đặc biệt di cư nội địa ở Việt Nam trở nên đa chiều, phức tạp.

“Cần phải có những chính sách ‘mở’ để hỗ trợ cho những đối tượng này. Trong đó phải có những cuộc khảo sát, nghiên cứu chuyên sâu trên diện rộng để tìm ra những rào cản của lao động di cư để từ đó có những chính sách hỗ trợ kịp thời để lao động di cư tiếp cận được với chính sách bảo hiểm y tế cũng như an sinh xã hội,” bà Ngô Thị Ngọc Anh nhấn mạnh./.

Người lao động muốn mua bảo hiểm y tế có thể mang tờ khai tham gia bảo hiểm y tế, bản đăng ký tạm trú để đối chiếu đến đại lý bán bảo hiểm y tế được đặt tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã (phường). Mức đóng phí bảo hiểm y tế hiện nay là 621.000 đồng/năm.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục