Chia sẻ kinh nghiệm tăng tỷ lệ nữ đại biểu trong cơ quan dân cử

Cuộc họp Nhóm thảo luận không chính thức về bình đẳng giới với chủ đề “Nâng cao tỷ lệ nữ đại biểu cơ quan dân cử”, diễn ra tại Hà Nội.
Chia sẻ kinh nghiệm tăng tỷ lệ nữ đại biểu trong cơ quan dân cử ảnh 1Các nữ đại biểu Quốc hội trước giờ khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định Việt Nam luôn ý thức bình đẳng giới là một quyền con người cơ bản, vừa là mục tiêu quốc gia vừa là nhân tố góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và là thước đo quan trọng để đánh giá sự tiến bộ và phát triển của xã hội.

Tại cuộc họp Nhóm thảo luận không chính thức về bình đẳng giới năm 2014, với chủ đề “Nâng cao tỷ lệ nữ đại biểu cơ quan dân cử”, diễn ra chiều 28/10 tại Trụ sở Văn phòng Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng hoan nghênh sáng kiến tổ chức Nhóm để trao đổi thông tin, đối thoại về các vấn đề các bên cùng quan tâm về bình đẳng giới.

“Đây là cơ hội để Việt Nam học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong việc nâng cao tỷ lệ đại biểu nữ trong các cơ quan dân cử”, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh.

Đây là phiên họp đầu tiên của Nhóm thảo luận không chính thức về bình đẳng giới nhân kỷ niệm ngày thành lập Liên hợp quốc (24/10) và ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10).

Tham dự cuộc họp Nhóm thảo luận, phía Việt Nam có Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Chủ tịch Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam Trương Thị Mai, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam Phạm Thị Hải Chuyền, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hoà và Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Vũ Trọng Kim.

Phía quốc tế có Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, đồng Chủ tọa Nhóm điều phối không chính thức của các nhà Đại sứ và Đại diện các cơ quan quốc tế về bình đẳng giới Pratibha Mehta; Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, đồng Chủ tọa Nhóm điều phối không chính thức của các nhà Đại sứ và Đại diện các cơ quan quốc tế về bình đẳng giới Camilla Mellander và bà Trưởng đại diện Tổ chức phụ nữ Liên hợp quốc Shoko Ishikawa.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết Quốc hội Việt Nam có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng các chính sách và khung pháp lý cơ bản thúc đẩy thực hiện quyền con người, bình đẳng giới và chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ.

Trong Hiến pháp mới vừa được ban hành, có một chương đề cập về quyền con người, trong đó có quyền phụ nữ. Việt Nam đã ban hành Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng-chống bạo lực gia đình. Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, mặc dù đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn thực thi chính sách mạnh mẽ, nhưng Việt Nam vẫn chưa đạt được các mục tiêu về số lượng phụ nữ trong các cơ quan dân cử.

Khoảng cách về bình đẳng giới giữa quy định pháp luật với thực tiễn vẫn còn rất lớn. Tỷ lệ phụ nữ tham gia Quốc hội, Hội đồng nhân dân chưa tương xứng với năng lực của lực lượng lao động nữ. Số lượng đại biểu nữ trong Quốc hội đã giảm dần trong mười năm qua.

Năm 1997, Việt Nam thuộc nhóm mười nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ nữ trong Quốc hội. Đến năm 2012, xếp hạng của Việt Nam giảm xuống thứ 44 trên thế giới, với tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội dưới 30%. Chính vì vậy, mục tiêu mà Nghị quyết 11 của Đảng đặt ra là đến năm 2020, nữ đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp chiếm 35% đến 40%, đang là một thách thức lớn.

Tham gia thảo luận, Chủ tịch Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam Trương Thị Mai và Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Vũ Trọng Kim đều cho rằng, Việt Nam coi trọng yếu tố “cơ cấu” trong quá trình bầu cử.

Mặc dù đề ra mục tiêu 30-35%, nhưng các tiêu chí yêu cầu có sự tham gia của phụ nữ lại trong những lĩnh vực vốn có ít phụ nữ, ví dụ như phải nắm các vị trí cao cấp trong bộ máy chính quyền địa phương, doanh nghiệp nhà nước, công đoàn, công an, quân đội...

Nếu như nữ giới được xếp cùng với nam giới có trình độ ngang bằng hoặc cao hơn, thông thường nam sẽ trúng cử. Đây là hệ quả của tư tưởng trọng nam trong gia đình và xã hội. Vì vậy, các địa phương thường gặp khó khăn khi tìm đủ số lượng đại biểu nữ đáp ứng các tiêu chí đặt ra.

Phát biểu tại cuộc thảo luận, Chủ tọa Nhóm điều phối không chính thức Pratibha Mehta đánh giá cao việc Việt Nam luôn quan tâm tới bình đẳng giới. Điều này được thể hiện trong các thành tựu quan trọng như: đạt được mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc liên quan đến giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ em; Trình độ học vấn của nữ giới tăng cao trong những năm qua; Việt Nam cũng đã đưa ra cam kết rất cao trong thực hiện Công ước về chống mọi hình thức phân biệt, đối xử đối với phụ nữ.

“Tuy nhiên, vì sao chúng tôi vẫn phải thành lập ra Nhóm thảo luận không chính thức về bình đẳng giới”, bà Pratibha Mehta phát biểu, “Vì Việt Nam có thể phải làm tốt hơn nữa về bình đẳng giới”.

Theo bà Pratibha Mehta, năm 2015 Liên hợp quốc sẽ tổ chức đánh giá kết thúc mục tiêu thiên niên kỷ và đánh giá cam kết của các nước với việc thực hiện Công ước về chống mọi hình thức phân biệt, đối xử đối với phụ nữ. Việc lập ra Nhóm này với mong muốn hỗ trợ Việt Nam nâng cao hơn nữa bình đẳng giới.

Từ kinh nghiệm của quốc tế, bà Pratibha Mehta cho rằng, nên luật hoá tỷ lệ phụ nữ tham gia vào các cơ quan dân cử. Có như vậy mới tạo cơ hội để phụ nữ bình đẳng tham gia các hoạt động xã hội.

Các đại biểu cho rằng, có nhiều cách có thể cải tiến quá trình bầu cử nhằm tăng số lượng phụ nữ thắng cử, như: nâng cao nhận thức cho người đứng đầu các cấp về vai trò tham gia chính trị của người phụ nữ; cải thiện nguồn ứng viên đủ tiêu chuẩn; đưa tỷ lệ nữ cao hơn nữa vào danh sách ứng cử và đề cử vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp; quy hoạch các phụ nữ đủ năng lực vào các vị trí lãnh đạo mà không phải chờ đến các kỳ bầu cử; xóa bỏ các rào cản đối với sự phát triển của phụ nữ.

Bên cạnh đó, cũng có những đề xuất về cách thức nâng cao năng lực của phụ nữ để vận động bầu cử hiệu quả và tuyên truyền để phụ nữ tích cực đi bỏ phiếu trong các kỳ bầu cử. Có như vậy mới làm đảo ngược xu thế suy giảm hiện nay và đảm bảo Việt Nam sẽ trở thành quốc gia hàng đầu thế giới về sự tham gia của nữ giới vào các vị trí đại biểu dân cử và vị trí lãnh đạo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục