15 năm mở rộng địa giới Hà Nội: Động lực phát triển Bắc Bộ và cả nước

Sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội tăng trưởng vượt bậc, đô thị phát triển nhanh chóng với nhiều tòa nhà chọc trời, đường sá mở rộng khang trang, giữ vai trò là vùng kinh tế trọng điểm.
15 năm mở rộng địa giới Hà Nội: Động lực phát triển Bắc Bộ và cả nước ảnh 1Nhiều khu nhà cao tầng được xây dựng mới dọc theo trục Đại lộ Thăng Long, thuộc địa bàn huyện Hoài Đức. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Chắc hẳn, ai cũng có thể cảm nhận được sự thay đổi rõ nét về mọi mặt của Thủ đô Hà Nội trong vòng 15 năm qua, kể từ thời điểm Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, sáp nhập tỉnh Hà Tây và một số xã, huyện của tỉnh Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Bắc Ninh.

Nhìn vào bức tranh tổng thể có thể thấy kinh tế Hà Nội tăng trưởng vượt bậc, đô thị phát triển nhanh chóng với nhiều tòa nhà chọc trời, đường sá mở rộng khang trang, nhiều tuyến cao tốc, đường xuyên tâm, hướng tâm được hoàn thành, kết nối, giúp cho Hà Nội luôn giữ vai trò là vùng kinh tế trọng điểm.

Song song với phát triển kinh tế, Hà Nội luôn nỗ lực xây dựng văn hóa, giữ vững danh hiệu Thành phố vì hòa bình và đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là "Thành phố sáng tạo của thế giới." Hà Nội luôn vinh dự, tự hào là Thủ đô - trái tim của cả nước.

Nhân dịp kỷ niệm 15 năm ngày Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội và một số tỉnh liên quan (1/8/2008-1/8/2023), phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) thực hiện 3 bài viết phản ánh sự đổi thay, cũng như những bất cập, yếu kém và giải pháp giúp Hà Nội tiếp tục phát triển.

Bài 1: Động lực phát triển kinh tế vùng Bắc Bộ và cả nước

Thủ đô Hà Nội thời điểm được hợp nhất có diện tích trên 3,3 triệu km2, dân số 6,2 triệu người, với 29 quận, huyện, thị xã và 577 xã, phường, thị trấn. Qua 15 năm phát triển, thành phố hiện có gần 8,6 triệu người, với 30 quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn.

Tập trung cao độ cho một số lĩnh vực chủ lực

Những năm tháng đầu khi mới mở rộng địa giới, Hà Nội gặp muôn vàn khó khăn. Nhưng được sự quan tâm, lãnh đạo thường xuyên, trực tiếp của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ; sự phối hợp giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương, của các nhà trí thức, nhà khoa học và sự ủng hộ, động viên to lớn của nhân dân cả nước, cũng như thu hút được nhiều nguồn lực từ bên ngoài, Hà Nội đã phát triển một cách nhanh chóng và vượt bậc.

Thành phố Hà Nội tập trung cao độ cho một số lĩnh vực chủ lực, mũi nhọn và chiếm ưu thế để tăng tốc về kinh tế như: công nghiệp, thu hút đầu tư, du lịch…

[Infographics] 15 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội  

Theo số liệu của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội vừa công bố, tăng trưởng GRDP giai đoạn 2008-2010 (theo quy mô chưa thay đổi) đạt 9,68%/năm. Giai đoạn 2011-2022 (theo quy mô GRDP điều chỉnh) GRDP tăng bình quân 6,67%/năm; trong đó dịch vụ tăng 6,77%; công nghiệp-xây dựng tăng 8,19%; nông nghiệp tăng 2,87%.

Năm 2020 và 2021, GRDP tăng khá thấp so với các năm trong giai đoạn 2011-2022, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Năm 2022, GRDP phục hồi tăng cao, tuy nhiên năm 2023 lại bị ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine và các chính sách kiềm chế lạm phát của các quốc gia, tăng trưởng chững lại.

Hà Nội luôn duy trì tăng trưởng cao hơn và đóng góp tích cực vào tăng trưởng cả nước. Bình quân giai đoạn 2011-2022, GRDP của Hà Nội tăng gấp 1,12 lần so với mức tăng chung cả nước.

Quy mô GRDP năm 2022 (theo giá cố định 2010) đạt 772,2 nghìn tỷ đồng, gấp 2,17 lần so với năm 2010.

Thu nhập tính theo GRDP tăng lên, bình quân đầu người năm 2022 đạt 141,8 triệu đồng (giá hiện hành) - khoảng 5.950 USD, gấp 1,45 lần cả nước (khoảng 4.110 USD) gấp 3,5 - 3,8 lần so với năm 2008 (37,4 triệu đồng - khoảng 1.697 USD).

Những năm gần đây, dịch vụ được chú trọng phát triển, đẩy mạnh tái cơ cấu nội ngành, trong đó thành phố tập trung vào số hóa, đẩy mạnh thương mại điện tử và phục hồi phát triển Ngành Du lịch sau đại dịch COVID-19.

Giai đoạn 2011-2022, dịch vụ tăng bình quân 6,77%/năm - cao hơn bình quân chung là 6,67%; năm 2022, phục hồi tăng mạnh (đạt 10,06%); 6 tháng đầu năm 2023 tiếp tục đà phục hồi, mức tăng đạt 7,54% - gấp 1,26 lần mức tăng chung của GRDP (5,97%).

Du lịch là lĩnh vực được thành phố chú trọng phát triển nhất, dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Năm 2019, Thủ đô Hà Nội đón 21,92 triệu lượt khách nội địa (gấp 1,9 lần năm 2011), 7,02 triệu lượt khách quốc tế (gấp 3,7 lần năm 2011), chiếm trên 37% lượng khách quốc tế của cả nước, xứng đáng vai trò trung tâm điều phối du lịch lớn nhất khu vực phía Bắc.

Hà Nội được xếp hạng trong nhóm 10 thành phố có tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới, đứng thứ 15 trong danh sách 25 điểm đến du lịch phổ biến nhất trên thế giới.

Năm 2020 và 2021 du lịch bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, khách du lịch suy giảm mạnh.

Tuy nhiên, ngay khi đại dịch dần được kiểm soát, thành phố chỉ đạo thực hiện kích cầu và cơ cấu lại các sản phẩm du lịch, trong đó tập trung phục vụ khách nội địa.

Thành phố đã công nhận thêm 10 điểm đến, xây dựng thêm nhiều sản phẩm mang đến "làn gió mới" cho du lịch; ký kết hợp tác, kết nối với các tỉnh, thành phố thiết lập "hành lang xanh" du lịch; tổ chức nhiều chương trình kích cầu, tuyên truyền, quảng bá "Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn."

Sáu tháng đầu năm 2023, tổng khách du lịch đạt 12,33 triệu lượt, so với cùng kỳ năm 2022 tăng 42%; trong đó khách quốc tế đạt 2,03 triệu lượt, tăng 7 lần; khách nội địa 10,3 triệu lượt, tăng 22,6%.

Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 44.880 tỷ đồng, tăng 74,3%; công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn đạt 61,1%, tăng 31,1 điểm %.

15 năm mở rộng địa giới Hà Nội: Động lực phát triển Bắc Bộ và cả nước ảnh 2Du khách trải nghiệm du lịch quanh hồ Hoàn Kiếm bằng xích lô. (Ảnh: Khánh Hòa/TTXVN)

Dự kiến năm 2023, Hà Nội thu hút 22 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế là 3 triệu lượt.

Ngành công nghiệp được tích cực cơ cấu lại, tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và phát triển công nghệ cao. Giai đoạn 2011-2022, công nghiệp và xây dựng tăng bình quân 8,19%/năm. Do ảnh hưởng tình hình chính trị, kinh tế thế giới, công nghiệp và xây dựng 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,28%, trong đó công nghiệp tăng 2,82%.

Hàng năm, thành phố thực hiện lựa chọn, công nhận các sản phẩm công nghiệp chủ lực; hai năm 2021-2022 đã có 55 doanh nghiệp với 79 sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực; trong đó 7 doanh nghiệp thuộc top 500 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam.

Tổng doanh thu sản phẩm của 55 doanh nghiệp đạt gần 120.000 tỷ đồng; xuất khẩu đạt gần 2,4 tỷ USD (chiếm 7,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố).

Một số lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao đã có bước phát triển khá như: Điều khiển kỹ thuật số, tự động hóa, robot, nano, plasma, laser, công nghệ sinh học. Hạ tầng khu, cụm công nghiệp tiếp tục được phát triển với 9 khu công nghiệp, 70 cụm công nghiệp đang hoạt động.

Trong 3 năm 2021-2023, thành phố đã tổ chức khởi công được 13/43 cụm công nghiệp được phê duyệt theo quy hoạch, 30 cụm công nghiệp còn lại đang hoàn thiện các thủ tục để khởi công và tiếp tục thành lập mới, kêu gọi đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp theo quy hoạch (đến năm 2025 có 159 cụm công nghiệp).

Hiện thành phố có 1.350 làng nghề và làng có nghề, thu hút hàng chục nghìn lao động, trong đó 313 làng được công nhận là làng nghề, làng nghề truyền thống. Công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm khoảng 91% toàn ngành công nghiệp.

Kinh tế tri thức, kinh tế số được chú trọng, Hà Nội luôn là địa phương dẫn đầu cả nước về doanh thu công nghiệp ICT (đạt khoảng 320.000 tỷ đồng), với gần 8.500 doanh nghiệp công nghệ thông tin và có 2/5 khu công nghiệp công nghệ thông tin tập trung của cả nước. Nhiều sản phẩm công nghệ cao, thiết bị thông minh được sản xuất tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Ngành xây dựng tăng bình quân 4,14%/năm; nhiều khu đô thị mới được xây dựng tạo diện mạo đô thị mới, hiện đại cho Thủ đô (Khu đô thị Việt Hưng, Vinhomes River Side, VinCity Ocean Park, VinCity Sportia, Garmuda, Royal City, Times City…).

Giai đoạn 2008-2022, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội huy động gần 4,04 triệu tỷ đồng, tăng hàng năm 11,04%. Cơ cấu đầu tư xã hội dịch chuyển rõ nét: Khu vực nhà nước giảm từ 51,0% năm 2010 xuống còn khoảng 34,3%; khu vực ngoài nhà nước tăng nhanh, từ 35,3% lên khoảng 54,8%.

Xã hội hóa đầu tư được đẩy mạnh, nhất là đối với các lĩnh vực: cấp nước, bãi đỗ xe, xử lý chất thải, nước thải, hạ tầng công nghệ thông tin, giáo dục, y tế... Doanh nghiệp đăng ký kinh doanh trên địa bàn lũy kế hết tháng 6/2023 đạt hơn 362.000 doanh nghiệp.

Thành phố đã thu hút mới trên 4.500 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 33 tỷ USD.

Ngoài thực hiện chuyển giao công nghệ, đào tạo kỹ năng cho người lao động, tham gia vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu thì hằng năm, các doanh nghiệp FDI đã đóng góp trên 10% thu ngân sách, 11% số lao động trong các doanh nghiệp, 11% vốn đầu tư phát triển toàn xã hội.

Thu Ngân sách Nhà nước trên địa bàn từ năm 2008 đến nay đều hoàn thành và vượt dự toán thu được Trung ương giao; tổng thu Ngân sách Nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2008-2022 đạt 2,94 triệu tỷ đồng, tăng bình quân 11,5%/năm.

Các nguồn thu được quản lý đầy đủ và chặt chẽ; cơ cấu thu Ngân sách Nhà nước trên địa bàn có sự chuyển dịch tích cực, bền vững; tỷ trọng thu nội địa đã tăng từ 80,5% năm 2008 lên 91,7% năm 2023.

Động lực phát triển vùng

So với Vùng Kinh tế Trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, mặc dù Hà Nội chỉ bằng 21,2% và 1% tương ứng về diện tích, 41,7% và 8,1% về dân số nhưng Hà Nội đóng góp tương ứng 47,46% và 12,59% về GRDP, 52,48% và 17,07% về thu Ngân sách Nhà nước, 14,19% và 4,61% kim ngạch xuất khẩu, 29,77% và 10,77% kim ngạch nhập khẩu.

Kinh tế Thủ đô xứng đáng giữ vị trí đầu tàu, là động lực phát triển Vùng Kinh tế Trọng điểm Bắc Bộ và ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế cả nước.

Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, cho biết trước bối cảnh kinh tế gặp rất nhiều khó khăn, Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức nhiều cuộc gặp mặt đối thoại, trực tiếp trả lời để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhiều doanh nghiệp trên địa bàn, nhất là vướng mắc trong lĩnh vực cơ chế đầu tư, đất đai, thủ tục...

Hội đồng Nhân dân thường xuyên tổ chức các cuộc giám sát chuyên đề, chỉ rõ những vi phạm, yếu kém, thủ tục rườm rà từ các sở, ngành, quận, huyện để kịp thời chấn chỉnh, đề xuất thành phố phương án giải quyết.

Tại các kỳ họp, Hội đồng Nhân dân cũng thẳng thắn đưa các vấn đề, dự án đang gặp khó khăn để chất vấn và trả lời chất vấn một cách công khai, minh bạch.

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đang là một trong những địa phương đầu tiên thực hiện ủy quyền thủ tục hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố cho các sở, ngành, quận, huyện; hàng trăm thủ tục được phân cấp, giúp công việc được giải quyết nhanh hơn,  thành phố thu hút đầu tư vào địa bàn mạnh mẽ hơn./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục