400 lãnh đạo thảo luận cách giải quyết xung đột ở Trung Đông

400 nhà lãnh đạo thảo luận cách giải quyết xung đột ở Trung Đông

Hội nghị thượng đỉnh về an ninh khu vực Trung Đông sẽ thảo luận nỗ lực chống lại chủ nghĩa cực đoan trong khu vực và bàn cách giải quyết các cuộc xung đột ở Iraq, Syria và Yemen.
400 nhà lãnh đạo thảo luận cách giải quyết xung đột ở Trung Đông ảnh 1Thái tử Bahrain Salman bin Hamad al-Khalifa. (Nguồn: Reuters)

Ngày 5/12, cuộc "Đối thoại thường niên Manama 2014" lần thứ 10 đã khai mạc tại Bahrain.

"Đối thoại thường niên Manama 2014" là một hội nghị thượng đỉnh về an ninh khu vực Trung Đông do Viện Quốc tế Nghiên cứu Chiến lược (IISS) tổ chức có sự tham dự của 400 nhà lãnh đạo cấp cao gồm các bộ trưởng, quan chức an ninh, các nhà phân tích và các chuyên gia trong khu vực Trung Đông và từ khắp nơi trên thế giới.

Với chủ đề "Đối thoại Manama 2014," dự kiến trong ba ngày, các đại biểu sẽ thảo luận nỗ lực chống lại chủ nghĩa cực đoan trong khu vực và bàn cách giải quyết các cuộc xung đột ở Iraq, Syria và Yemen, cũng như chương trình hạt nhân của Iran và vấn đề Palestine. Ngoài ra, hội nghị cũng sẽ thảo luận tình hình tại Afghanistan và Ai Cập.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thái tử Bahrain Salman bin Hamad al-Khalifa kêu gọi cộng đồng quốc tế tập trung nỗ lực chống lại "chủ nghĩa thần quyền quỷ dữ" của các nhóm thánh chiến như tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Thái tử Salman al-Khalifa kêu gọi bỏ khái niệm "cuộc chiến chống khủng bố" và tập trung vào mối đe dọa thực sự là sự nổi lên của "chủ nghĩa thần quyền quỷ dữ." Nói về kiểu diễn giải đạo Hồi một cách khắc nghiệt và cứng nhắc của lực lượng thánh chiến, Thái tử Salman al-Khalifa khẳng định: "Không có chỗ cho thế kỷ 17 trong thế kỷ 21 hiện đại của chúng ta."

Trong khuôn khổ Đối thoại thường niên Manama 2014, tại phiên tranh luận được truyền hình trực tiếp mang tên "Đằng sau xung đột: Nhìn về tương lai của Trung Đông," Iran đã kêu gọi thành lập một khối khu vực mới gồm các nước thành viên Tổ chức Hợp tác vùng Vịnh (GCC), cùng Iraq, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, nhằm giải quyết các thách thức mang tính khu vực.

Phát biểu tại phiên tranh luận trên, ông Hossein Mousavian, từng là phát ngôn viên đoàn đàm phán hạt nhân Iran, khẳng định cần xây dựng lòng tin bằng việc thành lập một nền tảng khu vực để giải quyết tình hình tại các nước Iraq, Syria, Libya và nhiều nước khác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục