Ngày 23/2, Bộ Ngoại giao Ecuador thông báo cuộc thương lượng nhằm đưa người sáng lập WikiLeaks Julian Assange ra khỏi đại sứ quán nước này tại Anh đã không đạt kết quả.
Ngoại trưởng Ecuador Maria Fernanda Espinosa thừa nhận phương án nhờ một bên trung gian thứ 3 hiện chưa cho kết quả, hai bên vẫn cần cùng tham gia để tháo gỡ vấn đề. Theo bà, dù Ecuador luôn sẵn sàng nhưng phía Anh lại không mặn mà với phương án này.
Ngoại trưởng Ecuador cũng bày tỏ chia sẻ với những lo sợ của ông Assange về an toàn cá nhân và khả năng bị dẫn độ về Mỹ xét xử do bị cáo buộc tiết lộ nhiều thông tin mật quốc gia, đồng thời khẳng định Quito sẽ tiếp tục để ông này tị nạn cho tới khi những mối đe dọa kể trên chấm dứt. Ecuador sẽ tiếp tục tìm cơ chế hoặc biện pháp khả thi để giải quyết vấn đề vốn gây căng thẳng trong quan hệ giữa Anh và Ecuador này.
Từ tháng 6/2012, ông Assange, 46 tuổi, quốc tịch Australia, đã sống tị nạn trong Đại sứ quán Ecuador tại London để tránh bị Anh dẫn độ về Thụy Điển xét xử với cáo buộc xâm hại tình dục 2 phụ nữ trong chuyến thăm Thụy Điển năm 2010. Ông Assange luôn bác bỏ cáo buộc trên, cho rằng vụ kiện này là nhằm bắt giữ và dẫn độ ông sang Mỹ để xét xử các cáo buộc tiết lộ hàng nghìn bí mật quốc gia của Mỹ hồi năm 2010.
Tháng 5/2017, cơ quan tư pháp Thụy Điển đã tuyên bố chấm dứt cuộc điều tra kéo dài 7 năm qua đối với ông Assange về cáo buộc tấn công tình dục. Tuy nhiên, cảnh sát Anh khẳng định sẽ tiếp tục tìm cách bắt giữ ông này vì tội vi phạm điều khoản tại ngoại.
Theo luật pháp Anh, tội danh này có thể bị kết án tới 1 năm tù. Cho tới nay, chính phủ Anh và Ecuador vẫn chưa đạt được thỏa thuận để giải quyết trường hợp của ông Assange. Hồi tuần trước, ông Assange đã thua trong vụ kiện nhằm kháng lệnh bắt giữ của Chính phủ Anh khiến ông này phải tị nạn tại Đại sứ quán Ecuador ở Anh gần 5 năm nay. Tuy không ra khỏi đại sứ quán nhưng ông này vẫn thường xuyên tham gia các diễn đàn truyền thông và các chiến dịch qua mạng Internet.
Hồi tháng 12/2017, Ecuador đã trao quyền công dân cho ông Assange và yêu cầu Anh công nhận ông này như một nhà ngoại giao nhằm giúp nhà sáng lập WikiLeaks có cơ hội có thể đi lại tự do, nhưng không thành./.