Australia tin rằng MH370 đã đâm xuống vùng biển phía Đông Bắc

Cơ quan khoa học chủ chốt của Autralia tin rằng chiếc máy bay mất tích đã đâm xuống vùng biển phía Đông Bắc, một khu vực đã được lùng sục suốt cuộc tìm kiếm dưới nước kéo dài hai năm.
Australia tin rằng MH370 đã đâm xuống vùng biển phía Đông Bắc ảnh 1 Không quân Australia tham gia tìm kiếm chiếc máy bay mất tích MH370 tại vùng biển Nam Ấn Độ Dương. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Cơ quan khoa học chủ chốt của Autralia vừa thể hiện niềm tin với "độ chính xác và sự chắc chắn chưa từng có" rằng chiếc máy bay mất tích của hãng hàng không Malaysia Airlines đã đâm xuống vùng biển phía Đông Bắc, một khu vực đã được lùng sục suốt cuộc tìm kiếm dưới nước kéo dài hai năm mà không có kết quả.

Khẳng định của cơ quan này dựa trên các hình ảnh do vệ tinh chụp được hai tuần sau khi chuyến bay MH370 mất tích ngày 8/3/2014 với 239 người trên máy bay trong hành trình từ thủ đô Kuala Lumpur đến Bắc Kinh.

Tuy nhiên, Chính phủ Australia đã bác bỏ kết luận mà Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Khối Thịnh vượng chung (CSIRO) đưa ra trong báo cáo công bố hôm 16/8 và nói rằng bằng chứng này không đủ cụ thể.

Vụ mất tích của chiếc Boeing 777 đã trở thành một trong những bí ẩn hàng không lớn nhất thế giới. Chiếc máy bay được cho là đã chuyển hướng hàng ngàn dặm khỏi lộ trình ban đầu, bay qua phía Nam Ấn Độ Dương trước khi rơi ở ngoài khơi bờ biển Tây Australia.

[Vụ máy bay MH370: Phát hiện thế giới bí ẩn dưới đáy đại dương]

Hồi tháng Một vừa qua, Australia, Malaysia và Trung Quốc đã dừng cuộc tìm kiếm kéo dài hai năm chiếc máy bay xấu số và tiêu tốn 160 triệu USD do không thu được kết quả gì, bất chấp sự phản đối của gia đình các nạn nhân trên máy bay.

CSIRO trước đây từng bày tỏ nghi ngờ về khu vực tìm kiếm dưới nước rộng 120.000km2 và cho rằng chiếc máy bay đã rơi ở vùng phía Bắc khu vực này.

Khẳng định mới nhất của CSIRO cũng là khẳng định chắc chắn nhất đến nay của tổ chức này, dựa trên việc đánh giá các hình ảnh vệ tinh do tình báo quân đội và cơ quan vũ trụ quốc gia Pháp (CNES) cung cấp, cho thấy 70 mảnh vỡ với khoảng một chục mảnh "có thể" là do con người tạo ra.

"Chúng tôi nghĩ rằng có thể xác định vị trí khả thi nhất của chiếc máy bay, với độ chính xác và sự chắc chắn chưa từng có," CSIRO cho hay.

David Griffin, nhà hải dương học của CSIRO kiêm tác giả chính của báo cáo, chia sẻ với hãng tin Reuters qua điện thoại rằng nếu các mảnh vỡ trong ảnh là thật, thì chúng sẽ hỗ trợ cho phân tích trôi dạt trước đó và chỉ tới nơi máy bay rơi về phía Bắc khu vực đã được tìm kiếm gần như triệt để.

"Tất cả đều khớp nhau một cách hoàn hảo, cái duy nhất còn thiếu là bằng chứng rằng những mảnh vỡ này là mảnh vỡ của máy bay," Griffin nhận định.


Một cuộc tìm kiếm mới?

Chính phủ Australia vẫn chưa quyết định khởi động lại cuộc tìm kiếm MH370, nhưng đã nói rằng điều đó còn phụ thuộc vào việc tìm ra những bằng chứng đáng tin cậy về vị trí của chiếc máy bay.

Bộ trưởng Giao thông Australia Darren Chester cho biết phân tích mới này "không cung cấp bằng chứng mới dẫn đến địa điểm cụ thể của MH370."

Thứ trưởng Bộ Giao thông Malaysia Aziz Kaprawi thì từ chối bình luận về báo cáo của CSIRO và nói rằng ông đang đợi thêm thông tin từ chính phủ Australia.

Tuy nhiên, ông Kaprawi cho biết Malaysia chưa từ bỏ việc tìm kiếm và đã triệu tập một cuộc họp với chính phủ Australia và Trung Quốc để thảo luận về đề nghị từ một công ty khám phá đáy biển tư nhân là Ocean Infinity nhằm tái khởi động cuộc tìm kiếm.

"Chưa có quyết định nào được đưa ra, nhưng chúng tôi chắc chắn đang cân nhắc việc mở một cuộc tìm kiếm mới. Chúng tôi sẽ tìm kiếm các nguồn lực từ các đối tác," ông Kaprawi chia sẻ với Reuters.

[Australia công bố manh mối mới về vị trí máy bay MH370 mất tích]

Malaysia cho biết trong tháng này, Ocean Infinity đã đề nghị tìm kiếm miễn phí, và sẽ chỉ yêu cầu trả tiền nếu tìm ra chiếc máy bay. Một phát ngôn viên của công ty đã từ chối đưa ra bình luận.

Công ty viết trên trang web của mình rằng họ có hạm đội phương tiện tự hành dưới nước tiên tiến nhất thế giới dùng cho nhiệm vụ lập bản đồ, khảo sát và tìm kiếm dưới đáy biển.

Trước đó, Australia và Malaysia đã từ chối những đề nghị của các điều tra viên về việc mở rộng thêm 25.000km2 về phía Bắc khu vực tìm kiếm ban đầu, cho rằng vị trí được xác định là quá không chính xác.

Các điều tra viên tin rằng ai đó đã cố ý tắt bộ phát tín hiệu của MH370 trước khi chuyển hướng cho nó bay qua Ấn Độ Dương.

Nhiều mảnh vỡ đã được thu thập từ các đảo thuộc Ấn Độ Dương và bờ biển phía Đông châu Phi, và có ít nhất ba mảnh đã được xác định là rơi ra từ máy bay mất tích.

CSIRO cho biết một số vật thể thấy được trong các bức ảnh "trùng khớp với một số mảnh vỡ đã dạt lên bờ biển châu Phi"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục