Bài 3: Nhà nước không thể ''rót'' tiền để làm đường cho xe cá nhân

Bài 3: Nhà nước không thể 'rót' tiền để làm đường cho xe cá nhân

Trong khi chờ các tuyến đường sắt đô thị đưa vào khai thác và vận hành, xe buýt vẫn là loại hình vận tải công cộng chủ lực của thành phố Hà Nội trong những năm tới đây.
Cùng với hạn chế xe cá nhân, Hà Nội cần đầu tư nhiều vào hạ tầng xe buýt như làn đường dành riêng, nhà chờ... mới thúc đẩy người dân sử dụng vận tải công cộng. (Ảnh: Huy Hùng/Vietnam+)
Cùng với hạn chế xe cá nhân, Hà Nội cần đầu tư nhiều vào hạ tầng xe buýt như làn đường dành riêng, nhà chờ... mới thúc đẩy người dân sử dụng vận tải công cộng. (Ảnh: Huy Hùng/Vietnam+)

Nếu không có giải pháp tổng thể từ Nhà nước, xe buýt sẽ chết dần dần và giấc mơ hiện thực hóa vận tải công cộng giảm ùn tắc giao thông đô thị sẽ bị phá sản.

Xe buýt vẫn là chủ lực trong 20 năm tới

Theo số liệu của Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội), trên địa bàn Thủ đô có 7,6 triệu phương tiện các loại. Trong đó, 740.000 xe ôtô, 5,8 triệu xe máy; xe máy điện là 150.000 chiếc và xe đạp điện là hơn 1 triệu chiếc, chưa kể các loại phương tiện ngoại tỉnh và vãng lai. Tốc độ tăng trưởng trung bình với ôtô các loại tăng khá cao tương ứng 12,9%/năm, xe máy đang tăng trung bình 7,6%/năm.

Đáng chú ý, hiện tỷ lệ phương tiện trên 1.000 dân là: 0,16 xe buýt/1.000 dân; 49,7 ôtô con /1.000 dân; 682 xe máy/1.000 dân. Trung bình 1km đường do Sở Giao thông Vận tải Hà Nội quản lý có 0,63 xe buýt trợ giá; 2.519 xe máy; 184 ôtô con, chưa tính đến các phương tiện khác. Lưu lượng tham gia giao thông quá cao khiến tốc độ lưu thông giảm mạnh.

Đặc biệt, hệ thống mạng lưới xe buýt đã “phủ sóng” khắp 30 quận, huyện, thị xã và phục vụ đến 453/584 số xã, phường, thị trấn, đạt 78%; 66/71 bệnh viện, đạt 93%; 296/708 các trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông đạt 42%; 32/37 các khu công nghiệp, đạt 86%; 82/85 các khu đô thị mới, đạt 96%.

Với việc xe cá nhân gia tăng nhanh chóng trong khi hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu, theo ông Nguyễn Công Nhật, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco), nhiều ý kiến cho rằng xe buýt có mở rộng và “nhồi” thêm vào các trục đường mới giảm được xe máy. Nhưng, nghịch lý là xe máy càng nhiều dẫn đến xe buýt càng chậm, người dân sẽ không đi thì tần suất, biểu đồ xe buýt càng giảm và xe cá nhân lại được tận dụng. Điều này giống như một vòng luẩn quẩn chưa có hồi kết.

[Xe buýt tối ưu hóa luồng tuyến, ‘chia lửa' với đường sắt đô thị]

Ngoài việc phát triển mở tuyến kết nối với các khu vực ngoại thành, vùng xa, vị Phó Tổng giám đốc Transerco nhìn nhận, thành phố cần quay lại đầu tư cho nội thành bởi đó là những khu vực có nhu cầu lớn thực sự. Nếu vào khung giờ cao điểm không có chỗ mà đi, cán bộ công chức sẽ không ai chọn xe buýt.

Đại diện Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội nhận định, trong khi đường sắt đô thị chưa đi vào sử dụng, BRT chỉ có 1 tuyến đơn độc thì trong ít nhất 15-20 năm nữa, xe buýt vẫn là phương tiện vận tải khách công cộng giữ vai trò chủ đạo.

Cụ thể, tỷ lệ đảm nhận vận chuyển của các loại hình vận tải khách công cộng tại Hà Nội như đường sắt đô thị 0%; buýt nhanh BRT 0,3%; xe buýt thường 12,2%; Taxi 2,1%. Thực tế cho thấy, toàn mạng lưới vận tải khách công cộng đáp ứng được gần 15% nhu cầu đi lại của người dân thì xe buýt thường góp phần giải quyết tới 12,2%.

Trước bối cảnh tăng số lượng phương tiện vận tải hành khách công cộng vẫn gặp muôn vàn khó khăn, giáo sư-tiến sỹ Từ Sỹ Sùa nguyên Trưởng bộ môn Vận tải đường bộ (Đại học Giao thông vận tải) phân tích, để tăng tỷ lệ đáp ứng của buýt lên mức 20% sẽ cần khoảng 3.300 phương tiện.

Bày tỏ Hà Nội phải kiên định với chủ trương phát triển vận tải hành khách công cộng là giải pháp cơ bản hạn chế ùn tắc giao thông và gia tăng phương tiện cá nhân, ông Sùa khẳng định, trong vận tải hành khách công cộng, xe buýt phải nhanh hơn xe đạp, rẻ hơn đi xe máy và ngồi thích hơn taxi thì mới thu hút được đông đảo người dân sử dụng.

Cần can thiệp của Nhà nước

Rõ ràng, với bối cảnh Hà Nội đang đẩy mạnh vận tải công cộng, trong tương lai gần, xe buýt vẫn là loại hình không thể thay thế, giữ vai trò chủ đạo trong mạng lưới vận tải hành khách công cộng tại Thủ đô.

Để hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng đạt 20-25% vào năm 2020, thành phố Hà Nội sẽ tập trung triển khai thu phí phương tiện cơ giới vào nội đô, dừng hoạt động của xe máy tại các quận…

Ông Nguyễn Phi Thế, Giám đốc Xí nghiệp Xe buýt 10-10 (Transerco) đánh giá, muốn phương tiện giao thông công cộng phục vụ tốt nhất cho người tham gia giao thông phải ưu tiên cho họ để có quyền lựa chọn, chứ không phải cản trở tham gia loại hình phương tiện cá nhân hay vận tải công cộng. Thậm chí, các nước còn dùng từ “gây khó” cho xe cá nhân để khuyến khích đi xe vận tải công cộng.

Bài 3: Nhà nước không thể 'rót' tiền để làm đường cho xe cá nhân ảnh 1Xe buýt vẫn phát huy được vai trò, nhiệm vụ gom khách và hỗ trợ nhiều cho hệ thống đường sắt đô thị khi đưa vào khai thác. (Ảnh: Huy Hùng/Vietnam+)

Đặt câu hỏi khi đường sắt đô thị hoàn thành và đưa vào khai thác, xe buýt có bị lép vế, “teo” đi không?, ông Thế cho rằng, đây là 2 loại hình cùng phục vụ nhân dân đi lại nhưng mang tính hỗ trợ mà không lấy khách của nhau. Lúc này, chức năng của xe buýt được định hình rõ hơn như gom khách đường sắt đô thị, vẫn tỏa ra phục vụ toàn mạng, không cạnh tranh triệt tiêu nhau mà là hỗ trợ hoạt động hiệu quả hơn.

“Hầu hết ở các nước phát triển trên thế giới, đường sắt đô thị đưa vào hoạt động xe buýt vẫn phát huy được vai trò, nhiệm vụ của mình,” ông Thế quả quyết.

['Chỉ mặt' nguyên nhân khiến người dân dần 'quay lưng' với xe buýt]

Nhằm đẩy mạnh vận tải xe buýt, đại diện Transerco và các chuyên gia giao thông đều cho rằng, xe buýt nói riêng và vận tải hành khách công cộng nói chung sẽ không bao giờ chiến thắng phương tiện cá nhân nếu không có sự can thiệp của Nhà nước.

Ngoài việc đầu tư phương tiện, nâng cao chất lượng dịch vụ, thành phố nên ưu tiên quỹ đất cho hạ tầng xe buýt trong đó sớm có chính sách về làn đường ưu tiên cho xe buýt bởi tốc độ di chuyển và thời gian là yếu tố tiên quyết hấp dẫn người dân sử dụng dịch vụ xe buýt.

“Làn đường dành riêng xe buýt sẽ được ưu tiên chính là thể hiện bàn tay can thiệp của Nhà nước. Hiện, người dân đang có cái nhìn thiếu thiện cảm thấy 1 tuyến đường dành riêng mà lại 3 phút mới có 1 xe. Cơ quan Nhà nước nên tổ chức tối ưu hóa đi chung cho xe buýt để đảm bảo tốc độ, rút ngắn thời gian cho người sử dụng dịch vụ vận tải,” lãnh đạo Transerco kiến nghị.

Về giải pháp lâu dài, ông Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) kiến nghị thành phố rà soát lại quy hoạch giao thông vận tải, quy hoạch bến bãi đỗ xe, quy hoạch giao thông công cộng đảm bảo tính thống nhất đồng bộ với quy hoạch đô thị; đẩy mạnh tiến độ kết cấu hạ tầng giao thông đô thị (đường sắt trên cao, đường tàu điện ngầm, bến, bãi, điểm đỗ xe, cầu vượt cho người đi bộ…)./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục