Bamboo Airways đang ‘dư’ thừa gần 200 phi công, chờ lái máy bay mới

Bamboo Airways sẽ từng bước tự chủ trong việc đào tạo nguồn nhân lực đặc thù trong khai thác hàng không, đảm bảo nguồn lực nhằm mở rộng mạng lưới bay trong nước và quốc tế trong thời gian sắp tới.
Máy bay của hãng hàng không Bamboo Airways. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Máy bay của hãng hàng không Bamboo Airways. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Trung tâm đào tạo của Bamboo Airways chính thức được trao chứng nhận ATO (Approved Training Organization - Chứng nhận Tổ chức huấn luyện hàng không) từ Cục Hàng không Việt Nam vào hôm nay (ngày 13/8).

Với giấy chứng nhận quan trọng này, Bamboo Airways và Trung tâm đào tạo sẽ tự chủ trong việc đào tạo nguồn nhân lực đặc thù trong khai thác hàng không, trước mắt là đào tạo Tiếp viên hàng không và đội ngũ nhân viên kỹ thuật, đây là cơ sở quan trọng để tiếp theo mở rộng chương trình đào tạo cho đội ngũ phi công và khối dịch vụ mặt đất từng bước đảm bảo nguồn nhân lực để thực hiện thành công mục tiêu kinh doanh sau khi tăng số lượng tàu bay, mở rộng mạng lưới bay trong nước và quốc tế trong thời gian sắp tới.

Sau khi nhận được chứng chỉ ATO, Trung tâm đào tạo Bamboo Airways sẽ tiếp tục mở rộng năng định đào tạo, đầu tư thêm cơ sở vật chất, đào tạo bổ sung đội ngũ giáo viên, xây dựng chương trình, giáo trình, quy trình, nâng cao chất lượng đào tạo...

Bên cạnh việc hoàn thành các kế hoạch huấn luyện đào tạo nhằm phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao cho hãng, theo bà Hồ Thị Thu Trang, Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo Bamboo Airways kỳ vọng sẽ cung cấp các khóa huấn luyện chất lượng cao, hợp tác với các đối tác đào tạo trong và ngoài nước trao đổi đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất nâng cao năng lực đào tạo.

[Phó Chủ tịch Bamboo Airways: Xuất khẩu phi công, tại sao không?]

Đối với việc đào tạo đội ngũ phi công, Trung tâm đào tạo đang xem xét đầu tư, xây dựng chương trình, đội ngũ giáo viên theo tổ chức đào tạo mức 2 (huấn luyện bay trên thiết bị mô phỏng) và sẽ xây dựng tổ chức đào tạo mức 1 (huấn luyện bay trên máy bay thực tiễn) khi hoàn thành đề án xây dựng Viện đào tạo hàng không tại Quy Nhơn.

Ngoài ra Trung tâm đào tạo Bamboo Airways còn là cơ sở đào tạo huấn luyện các khóa huấn luyện nghiệp vụ nhân viên hàng không, thực hiện đa dạng các khóa huấn luyện, đào tạo, bổ sung đáp ứng yêu cầu khai thác, quản lý cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên viên của Công ty Bamboo Airways

Trước đó, vào cuối tháng Bảy vừa qua, Bamboo Airways đã khởi công Viện đào tạo Hàng không tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định). Đây là dự án trọng điểm mang tính chiến lược của Bamboo Airways trong giai đoạn đẩy mạnh sự phát triển nguồn nhân lực, vật lực theo hướng bền vững.

Viện đào tạo có quy mô 10ha. Giai đoạn 1 dự kiến đưa Viện vào hoạt động cuối năm 2019 và toàn bộ dự án dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2021.

Sau khi đi vào vận hành, Viện sẽ đào tạo gần 3.500 sinh viên/năm, tập trung đào tạo chuyên môn nghiệp vụ ngành như Phi công, Tiếp viên hàng không, Kỹ thuật máy bay, Khai thác Mặt đất và các chức năng đào tạo cơ bản khác.

Với Viện đào tạo Bamboo Airways, hãng kỳ vọng sẽ góp phần tăng tỷ lệ nội địa hóa nhân sự ngành, giảm lệ thuộc vào đối tác nước ngoài, nâng cao năng lực cạnh tranh ngành cũng như đảm bảo cho sự tăng trưởng bền vững của ngành hàng không Việt Nam.

Bamboo Airways đang ‘dư’ thừa gần 200 phi công, chờ lái máy bay mới ảnh 1Đội ngũ Tiếp viên hàng không của Bamboo Airways. (Ảnh: Tập đoàn FLC)

Ngoài công tác tự đào tạo, Bamboo Airways cũng đang đẩy mạnh quá trình hợp tác chiến lược cùng các đối tác cung ứng nguồn lực phi công quốc tế để củng cố bộ máy nhân sự, chuẩn bị sẵn sàng cho kế hoạch mở rộng hoạt động.

Hiện tại, hãng hiện có hơn 300 phi công đang làm việc và gần 80% trong số đó là phi công nước ngoài. Một máy bay cần trung bình 11-14 phi công (tùy loại thân hẹp hay thân rộng) để vận hành ổn định. Nếu nhìn theo góc độ này, với tổng số 300 phi công hiện tại, Bamboo Airways đang "dư" gần 200 phi công, sẵn sàng chờ đón các máy bay sắp được bổ sung.

Dự kiến đến cuối năm 2023, đội tàu bay của Bamboo Airways sẽ phát triển lên 30 máy bay bao gồm các loại máy bay thân hẹp Airbus A321 và loại máy bay thân rộng Boeing B787./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục