Bảo hộ nhãn hiệu: Tạo sân chơi lành mạnh giữa các nhà sản xuất

Phòng trưng bày “Nhận diện nhãn hiệu được bảo hộ” giới thiệu trên 500 sản phẩm nhằm giúp người tiêu dùng nắm được các thông tin cơ bản về các sản phẩm, nhãn hiệu đăng ký bảo hộ tại Việt Nam.
Bảo hộ nhãn hiệu: Tạo sân chơi lành mạnh giữa các nhà sản xuất ảnh 1Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý Thị trường hướng dẫn cách nhận biết nhãn hiệu được bảo hộ tại Việt Nam. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa được xem là biện pháp hữu hiệu để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các chủ nhãn hiệu hàng hóa, tạo sân chơi lành mạnh giữa các nhà sản xuất.

Đây là nhấn mạnh của ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý Thị trường tại lễ Khai trương “Không gian truyền thống Quản lý Thị trường” nhân dịp 5 năm thành lập Tổng cục Quản lý Thị trường (12/10/2018-12/10/2023) đồng thời Mở cửa Phòng trưng bày “Nhận diện nhãn hiệu được bảo hộ” diễn ra sáng nay (11/10) tại số 62 Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

[Hợp tác chống hàng giả mặt hàng xe máy và phụ tùng xe gắn máy]

Ông Trần Hữu Linh thông tin ở nước ta không hiếm gặp các nhãn hiệu có tên tuổi bị xâm phạm dưới các hình thức như sao chép, bắt chước kiểu dáng, mẫu mã gần giống hoặc tương tự, gây nhầm lẫn, đánh lừa người tiêu dùng và làm tổn hại đến kinh tế và giá trị thương hiệu của doanh nghiệp.

Chính vì vậy, bên cạnh việc tạo sân chơi lành mạnh cho doanh nghiệp, việc bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa còn góp phần đẩy lùi tệ nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, giúp người tiêu dùng thoát khỏi tâm lý hoang mang, lo lắng khi lựa chọn sản phẩm tiêu dùng.

Trong bối cảnh đó, Phòng trưng bày “Nhận diện nhãn hiệu được bảo hộ” giới thiệu trên 500 sản phẩm thuộc các lĩnh vực như hóa-mỹ phẩm; thực phẩm chức năng; thời trang; giày dép, trang sức; phụ tùng ôtô, xe máy; hàng tiêu dùng, sữa, nông sản… thuộc các nhãn hiệu như Honda, Yamaha, Piaggio, Huyndai, Abbott, Unilever, Johnson’s Baby, Top to Toe, Sunsilk, Clear, Pantene…. Đây là những nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại thị trường Việt Nam.

Phòng trưng bày được tổ chức nhằm mục đích giúp người tiêu dùng nắm được các thông tin cơ bản về các sản phẩm, nhãn hiệu đăng ký bảo hộ; lợi ích của việc nhãn hiệu được pháp luật Việt Nam bảo hộ.

Thông qua việc trưng bày, Tổng cục Quản lý Thị trường mong muốn tạo ra địa chỉ tin cậy để khách tham quan chủ động tiếp cận các thông tin, phân biệt, nhận diện sản phẩm từ đó nâng cao kỹ năng, kiến thức trong việc lựa chọn sản phẩm, bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.

Bảo hộ nhãn hiệu: Tạo sân chơi lành mạnh giữa các nhà sản xuất ảnh 2Hơn 500 sản phẩm được Tổng cục Quản lý Thị trường trừng bày nhằm giúp người tiêu dùng các kiến thức trong việc lựa chọn sản phẩm. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+)

Ngoài ra, “Không gian truyền thống” tại sảnh 2, Trụ sở Tổng cục Quản lý Thị trường, số 91 Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cũng trưng bày các hiện vật gắn liền với sự phát triển và đổi thay của lực lượng quản lý thị trường từ khi hoạt động theo mô hình ngành dọc như: Thẻ kiểm tra thị trường của cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Bộ trang phục quản lý thị trường cũ và mới; Cấp hiệu quản lý thị trường; Cup vinh danh Cục Quản lý Thị trường xuất sắc nhất…

Đây là những hiện vật gắn liền với các sự kiện quan trọng của lực lượng quản lý thị trường trên bước đường chuyển đổi mô hình hoạt động, thể hiện dấu ấn quan trọng trong các sự kiện mang tính chuyên môn gắn liền với các hoạt động văn hóa, thể thao và tinh thần thiện nguyện với xã hội.

Phòng trưng bày sẽ mở cửa đón khách tham quan miễn phí từ ngày 11/10 - 17/10/2023./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục