Bình Dương: Cựu Bí thư Thị ủy Bến Cát bị tuyên phạt 10 năm tù

Trong vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, bị cáo Nguyễn Hồng Khanh - cựu Bí thư Thị ủy Bến Cát, tỉnh Bình Dương bị tuyên phạt 10 năm tù.
Bình Dương: Cựu Bí thư Thị ủy Bến Cát bị tuyên phạt 10 năm tù ảnh 1Các bị cáo tại phiên tòa. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 28/5, Hội đồng xét xử sơ thẩm Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Dương đã tuyên phạt mức án tổng cộng 33 năm tù đối với bị cáo Nguyễn Hồng Khanh (cựu Bí thư Thị ủy Bến Cát) và hai bị cáo khác trong vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Bị cáo Nguyễn Hồng Khanh (cựu Bí thư Thị ủy Bến Cát) bị tuyên phạt 10 năm tù; bị cáo Nguyễn Quang Lộc (cựu Phó Trưởng phòng Quan hệ khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng BIDV-Chi nhánh Tây Sài Gòn) nhận 11 năm tù; bị cáo Nguyễn Huy Hùng (cựu Giám đốc Ngân hàng BIDV-Chi nhánh Tây Sài Gòn) bị tuyên 12 năm tù về tội vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí, theo quy định tại Điều 219 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Hội đồng xét xử tuyên hủy 4 hợp đồng chuyển nhượng đất giữa bà Hồ Thị Hiệp - đã qua đời (nguyên Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Xuất khẩu thương mại An Tây) và bị cáo Khanh.

Trước đó, vợ của bị cáo Nguyễn Hồng Khanh (cựu Bí thư Thị ủy Bến Cát, Bình Dương) đã có đơn gửi nhiều ban ngành với nội dung chồng của mình bị oan. Tuy nhiên, theo nhận định của Hội đồng xét xử, cáo trạng truy tố của Viện Kiểm sát là có căn cứ, đúng người đúng tội, đúng quy định của pháp luật.

[Bình Dương: Trả hồ sơ vụ án xét xử nguyên Bí thư Thị ủy Bến Cát]

Cũng theo Hội đồng xét xử, Ngân hàng BIDV chi nhánh Tây Sài Gòn là ngân hàng có 100% vốn Nhà nước. Sau khi cổ phần hóa và đến thời điểm hiện tại, ngân hàng BIDV vẫn còn hơn 80% vốn Nhà nước.

Theo cáo trạng, từ năm 2005 đến 2008, bà Hồ Thị Hiệp (Giám đốc Công ty An Tây lúc đó) vay của Ngân hàng BIDV chi nhánh Tây Sài Gòn hơn 72 tỷ đồng với tài sản thế chấp là hơn 20ha đất, nhà xưởng và máy móc định giá tài sản gần 81 tỷ đồng.

Đến năm 2008, Công ty An Tây không có khả năng trả nợ nên ngân hàng BIDV đã đưa khoản vay này vào danh mục nợ xấu, sau đó phải bán tài sản thế chấp để thu hồi nợ. Phương thức xử lý tài sản thế chấp được ngân hàng BIDV giao cho bà Hiệp tự bán, dưới sự giám sát và đồng ý của phía ngân hàng.

Thông qua môi giới, bị cáo Khanh móc nối với Hùng, Lộc và Hiệp đã mua toàn bộ tài sản thế chấp với giá gần 46 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngân hàng chỉ thu hồi được hơn 10 tỷ đồng, thiệt hại gần 36 tỷ đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục