Bình Thuận huy động phát triển hệ thống giao thông đường bộ

Mục tiêu của tỉnh Bình Thuận đến năm 2020 là triển khai xây dựng các dự án giao thông lớn như sân bay Phan Thiết, tuyến đường bộ cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết-Nha Trang./
Bình Thuận huy động phát triển hệ thống giao thông đường bộ ảnh 1Một góc thành phố Phan Thiết. (Nguồn: Phanthiet.gov.vn)

Ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Thuận cho biết, xác định giao thông là khâu quan trọng, huyết mạch, đáp ứng yêu cầu phát triển. Vì vậy, tỉnh tập trung huy động nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông.

Hiện mạng lưới đường tỉnh lộ của Bình Thuận có chiều dài hơn 700km. Hệ thống đường huyện, đường đô thị, đường đến các trung tâm xã, thôn… cơ bản được liên thông, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm.

Tổng chiều dài hệ thống đường huyện, đường đô thị, đường đến các trung tâm xã đạt gần 4.200km; trong đó, hơn 1.300km được trải nhựa, bê tông hóa.

Tỉnh đã tranh thủ nhiều nguồn vốn đầu tư khác nhau như vốn Trung ương hỗ trợ, huy động đóng góp trong nhân dân... tập trung các dự án giao thông.

Nhờ vậy, nhiều công trình giao thông được xây dựng và đưa vào sử dụng có ý nghĩa chiến lược cho phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng.

[Phó Thủ tướng dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Thuận năm 2019]

Giai đoạn từ năm 2012-2019, toàn tỉnh đầu tư xây dựng được gần 470km/1.700 tuyến đường bê tông ximăng với tổng kinh phí thực hiện trên 500 tỷ đồng; trong đó, nhân dân đóng góp trên 40% kinh phí.

Giao thông nông thôn được đầu tư đồng bộ giúp nhiều vùng quê khởi sắc. Đến nay, tuyến quốc lộ 1A qua địa bàn tỉnh với chiều dài hơn 180km được nâng cấp hoàn thành, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giao thông đường bộ của tỉnh.

Tỉnh cũng nâng cấp thêm 3 tuyến quốc lộ (quốc lộ 28, quốc lộ 28B và quốc lộ 55) với tổng chiều dài gần 250km, tạo trục giao thông đối ngoại, giúp kết nối Bình Thuận với các tỉnh lân cận như: Đồng Nai, Ninh Thuận, Lâm Đồng…

Mạng lưới đường bộ được đầu tư giúp kết nối thuận tiện trung tâm hành chính của tỉnh với trung tâm hành chính của huyện, kết nối trung tâm hành chính của huyện với hệ thống quốc lộ, tạo mạng lưới giao thông chính hoàn chỉnh của tỉnh.

Việc đưa vào khai thác đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây rút ngắn thời gian đi lại giữa Thành phố Hồ Chí Minh với thành phố Phan Thiết.

Các tuyến đường đang trong quá trình đầu tư xây dựng như cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết, Phan Thiết-Nha Trang và sân bay Phan Thiết…giúp thành phố Phan Thiết chuyển mình mạnh mẽ về kinh tế, du lịch, đầu tư…

Nhờ hệ thống đường giao thông thông suốt, Bình Thuận đã thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư tại địa phương.

Tính đến tháng 10/2019, toàn tỉnh có 1.200 dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn đầu tư khoảng 230.000 tỷ đồng; trong đó,110 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 3,5 tỷ USD.

Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Thuận, khi giao thông từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Phan Thiết và từ Phan Thiết đến Nha Trang được kết nối hoàn toàn bằng đường cao tốc, đặc biệt khi sân bay Phan Thiết đi vào hoạt động, thành phố Phan Thiết sẽ là một trong những điểm đến thuận lợi, hấp dẫn và tăng trưởng mạnh nhất của ngành du lịch Việt Nam.

Mục tiêu của tỉnh đến năm 2020 là triển khai xây dựng các dự án giao thông lớn như sân bay Phan Thiết, tuyến đường bộ cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết-Nha Trang./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục