"Bình yên và chiến tranh" trên khu vực biên giới Ấn-Trung

Một năm sau những vụ đụng độ với binh lính Trung Quốc ở khu vực biên giới gây thiệt mạng, Ấn Độ đang củng cố phòng thủ biên giới dọc theo dãy núi Himalaya vốn lâu nay là "điểm nóng" giữa hai nước.
"Bình yên và chiến tranh" trên khu vực biên giới Ấn-Trung ảnh 1Xe quân sự tại đường ranh giới kiểm soát, khu vực biên giới Trung Quốc-Ấn Độ. (Ảnh: NDTV/TTXVN)

Theo AFP, trên con đường uốn khúc dẫn đến khu vực biên giới của Ấn Độ nằm trên dãy Himalaya là một cảnh tượng hùng vĩ của những con suối chảy qua khe núi và những hồ nước bình yên xen kẽ bởi cảnh tượng của những ụ pháo và boong-ke quân sự.

Một năm sau những vụ đụng độ với binh lính Trung Quốc ở khu vực biên giới gây thiệt mạng, Ấn Độ đang củng cố phòng thủ biên giới dọc theo dãy núi Himalaya vốn lâu nay trở thành một "điểm nóng" giữa Ấn Độ và Trung Quốc.

Bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ nằm vắt qua dãy Himalaya và tiếp giáp với khu tự trị Tây Tạng của Trung Quốc. Dalai Lama, nhân vật vốn được coi là thủ lĩnh tinh thần Phật giáo Tây Tạng, đã bỏ trốn khỏi Trung Quốc thông qua lãnh thổ bang Arunachal Pradesh sau cuộc nổi dậy chống lại giới cầm quyền Trung Quốc, song thất bại hồi năm 1959 và sống lưu vong tại Ấn Độ kể từ đó.

Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền đối với bang Arunachal Pradesh, coi bang này là Nam Tây Tạng. Trong cuộc chiến tranh Trung-Ấn năm 1962, Trung Quốc đã nhanh chóng chiếm đóng phần lớn lãnh thổ của bang.

Căng thẳng tái bùng phát kể từ giữa năm 2020 khi xảy ra vụ đụng độ giữa binh lính của Ấn Độ và Trung Quốc tại phía Tây khu vực biên giới chung của hai nước ở Ladakh, khiến ít nhất 20 binh sỹ Ấn Độ và bốn lính Trung Quốc thiệt mạng.

Mỗi bên vẫn thường xuyên điều động lực lượng tuần tra tại những khu vực mà bên kia kiểm soát hoặc tuyên bố chủ quyền. Ấn Độ cũng đã cáo buộc Trung Quốc thiết lập những khu định cư cố định gần khu vực biên giới.

Trong một chuyến thị sát chóng vánh và hiếm hoi ở khu vực biên giới chung hồi tháng 10, Trung tướng Manoj Pande đã nói với báo giới: "Chúng tôi quan sát thấy một số hoạt động phát triển cơ sở hạ tầng ở khu vực biên giới phía Trung Quốc. Điều đó đã dẫn đến số lượng binh lính lớn hơn được điều động tại đó."

New Delhi đã đáp lại bằng cách tăng cường sự hiện diện năng lực phòng thủ của mình ở bang Arunachal Pradesh, triển khai tên lửa hành trình, bích kích pháo, máy bay vận tải Chinook do Mỹ sản xuất và thiết bị bay không người lái do Israel chế tạo.

Địa lý chết chóc

Các sỹ quan quân đội Ấn Độ ở khu vực này cho rằng vụ đụng độ hồi năm 2020 đã nhấn mạnh sự cấp thiết phải củng cố sự hiện diện quân sự ở khu vực biên giới sau khi các cuộc đàm phán với Bắc Kinh về việc hai bên tiếp tục rút quân tại các điểm nóng ở khu vực biên giới không đem lại kết quả nào.

Thị trấn Tawang ở khu vực biên giới xa xôi của Ấn Độ là một trong những thị trấn nằm gần với Tây Tạng nhất. Thị trấn này có ý nghĩa chiến lược khi có thể đóng vai trò là một điểm án ngữ cho bất kỳ lực lượng tuyến đầu nào. Nhiệt độ ở thị trấn này thường giảm xuống dưới âm độ C cùng với tình trạng thiếu oxy ở địa hình núi cao.

Vào mùa Đông, các tiền đồn quân sự gần đó có thể bị cô lập hàng tuần liền. Một chuẩn tướng Ấn Độ thừa nhận: "Địa lý khu vực này không ủng hộ con người. Nếu như ai đó không thể thích nghi, không được huấn luyện để thích ứng với điều kiện địa lý này thì có thể sẽ không thể tồn tại được."

[Trung Quốc, Ấn Độ nỗ lực duy trì hòa bình ở khu vực tranh chấp]

Hiện nay, đội ngũ kỹ sư quân đội đang xây dựng một đường hầm trên bộ quy mô lớn, cao hơn so với mực nước biển khoảng 4.000m. Dự kiến được đưa vào hoạt động từ năm 2022, đường hầm này kết nối khu vực Tawang với những tuyến đường chính ở phía Nam và sẽ giúp mở rộng tầm hoạt động của binh lính.

Giám đốc dự án đường hầm, Đại tá Parikshit Mehra cho rằng đường hầm này sẽ giúp người dân bản địa cũng như các lực lượng an ninh di chuyển và hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết ở Tawang.

Ngoài ra, Ấn Độ cũng đang xây dựng một dự án tương tự ở Ladakh, giúp binh lính Ấn Độ có thể nhanh chóng triển khai đến khu vực biên giới từ một đơn vị đồn trú ở Kashmir.

"Thủ đoạn gây sức ép"

Một bức tượng Phật được đặt ở vị trí bao quát tất cả những ngôi nhà trên thị trấn Tawang vốn nằm trên địa hình cao nguyên không bằng phẳng. Điều này cho thấy đa số người dân ở đây theo tư tưởng Phật giáo.

Những người dân sinh sống ở thị trấn này đã hoan hỉ trước việc chính quyền New Delhi đã dành mối quan tâm mới đối với khu vực này. Tuy nhiên, họ cũng lo lắng về những hoạt động xâm nhập của Trung Quốc trong tương lai, nơm nớp lo sợ về những mưu đồ của Bắc Kinh nhằm trấn áp Phật giáo ở khu vực biên giới.

Chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố rõ ràng rằng Bắc Kinh có thể tìm cách chỉ định người kế thừa vị thủ lĩnh Dalai Lama 86 tuổi.

Dondup Gyaltsen, một chủ cửa hàng bán giày ở thị trấn Tawang bày tỏ: "Chúng tôi có cùng văn hóa với Tây Tạng, song hiện nay Trung Quốc đang thay đổi Phật giáo theo ý muốn của họ." Còn Monpa Golang, một chủ cửa hàng thuốc ở Tawang cho rằng Ấn Độ cần cứng rắn chống lại "những thủ đoạn gây sức ép của Trung Quốc"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục