Bộ Công Thương: CPI có thể tăng 0,31% do tác động của giá điện

Trong phương án tăng giá điện sắp tới, hộ nghèo và hộ chính sách xã hội có lượng điện sử dụng không quá 50 kWh/tháng, tiếp tục được hỗ trợ số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng.
Bộ Công Thương: CPI có thể tăng 0,31% do tác động của giá điện ảnh 1Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: Đức Duy/Vietnam+)

Bộ Công Thương cho biết, trong tháng Ba, giá điện sẽ tăng 8,36%. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ tháng 12/2017 giá điện được điều chỉnh.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này cũng như đánh giá những tác động của việc tăng giá điện đối với sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) đã có một số trao đổi với VietnamPus liên quan đến những nội dung trên.

[Khung giá phát điện cho nhà máy thủy điện là 1.110 đồng/kWh]

- Thưa ông, có thông tin giá điện sẽ điều chỉnh trong tháng Ba, vậy Bộ Công Thương đã tính toán như thế nào về phương án điều chỉnh này?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân các năm nói chung và điều chỉnh giá điện năm 2019 nói riêng được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, đảm bảo nguyên tắc giá điện được thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, thu nhập của người dân trong từng thời kỳ.

Thực tế, sau khi có kết quả kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện của EVN năm 2017, Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2019 đồng thời Bộ chỉ đạo EVN xây dựng các phương án giá điện năm 2019 theo các thông số đầu vào để tính toán giá điện và phân bổ các khoản chênh lệch tỷ giá còn treo theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg.

Các phương án giá điện đã được Bộ Công Thương, Bộ Tài chính xem xét theo quy định và cũng đã được báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá, Thường trực Chính phủ, hiện Bộ cũng đang chỉ đạo EVN hoàn chỉnh các phương án giá điện theo chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, sau đó sẽ xem xét điều chỉnh giá điện trong thời gian tới.

Bộ Công Thương: CPI có thể tăng 0,31% do tác động của giá điện ảnh 2Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực Việt Nam. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

- Vậy liên bộ đã có những đánh giá ra sao với mức điều chỉnh trên 8% có thể được đưa ra?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Theo quy định, với mức tăng trong khoảng 3-5% sẽ thuộc thẩm quyền của EVN, còn mức tăng từ 5-10% thì Bộ Công Thương sẽ xem xét quyết định việc điều chỉnh này.

Đối với phương án giá điện năm 2019 đã được xây dựng theo các thông số đầu vào để tính toán giá điện. Cụ thể là trên cơ sở dự báo tốc độ tăng trưởng GDP năm 2019 dự kiến từ 6,6-6,8%, Bộ Công Thương đã dự báo tổng sản lượng điện thương phẩm năm 2019 toàn quốc sẽ đạt 211,9 tỷ kWh.

Trên cơ sở dự báo nhu cầu này, Bộ Công Thương đã tiến hành xây dựng, phê duyệt phương án huy động các nguồn điện trong hệ thống điện trên cơ sở thực tế nhu cầu nguồn thủy văn về đến hết tháng Một và tiến độ các công trình nguồn điện, lưới điện, cùng với việc cập nhật cơ cấu các loại hình nhà máy thủy điện, nhiệt điện than, tuabin khí, nhiệt dầu, các nhà máy điện Mặt Trời, gió, sinh khối… đã huy động.

Trong việc tính toán giá thành thì các yếu tố đầu vào của giá điện 2019 sẽ được xem xét, gồm: giá than nội địa; giá than pha trộn giữa than nhập khẩu với than sản xuất trong nước của một số nhà máy điện, giá khí cùng với Thuế bảo vệ môi trường đối với than và dầu, tỷ giá năm 2019 hay các khoản chi phí còn treo chưa được đưa vào giá điện trong các năm trước (chênh lệch tỷ giá)…

Dù vậy, phải khẳng định, mức độ phân bổ sẽ được xem xét trên cơ sở đánh giá ảnh hưởng của điều chỉnh giá điện đến các chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chỉ số giá sản xuất (PPI) và tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) cũng đánh giá ảnh hưởng của việc điều chỉnh giá điện đến các ngành nghề sản xuất và các hộ sinh hoạt.

Riêng đối với các hộ nghèo, hộ chính sách vẫn tiếp tục được quan tâm và thực hiện chủ trương của Chính phủ tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg. Theo đó, hộ nghèo được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng. Hộ chính sách xã hội có lượng điện sử dụng không quá 50 kWh/ tháng được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng.

Các phương án nói trên, Bộ đã tính toán đầy đủ các yếu tố ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, trên cơ sở đó sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định phương án giá điện.

- Việc điều chỉnh ở mức 8,36% sẽ tác động thế nào đến các chỉ số kinh tế vĩ mô như GDP, CPI cũng như hoạt động kinh doanh, tiêu dùng của doanh nghiệp, người dân?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Bộ Công Thương đã phối hợp với Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thực hiện đánh giá tác động của các phương án điều chỉnh giá điện.

Với phương án điều chỉnh giá điện ở mức trên 8% có thể làm tăng CPI trong khoảng từ 0,26% - 0,31%, làm tăng chỉ số giá sản xuất (PPI) trong khoảng từ 0,15% - 0,19% và làm giảm GDP trong khoảng từ 0,22% - 0,25%.

Việc xem xét ảnh hưởng của giá điện đến các yếu tố trên là một phần Báo cáo của Bộ Công Thương với Chính phủ để việc điều hành giá điện vừa đảm bảo theo Quyết định 24/CP, tức là điều hành giá điện theo thị trường nhưng đồng thời cũng đảm bảo không tác động nhiều đến kinh tế vĩ mô và đời sống người dân.

Bộ Công Thương: CPI có thể tăng 0,31% do tác động của giá điện ảnh 3Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: Đức Duy/Vietnam+)

- Người dân rất quan tâm đến Công tác công khai minh bạch hoạt động kinh doanh điện, vậy Bộ Công Thương đã tiến hành như thế nào?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Công tác công khai minh bạch trong hoạt động sản xuất kinh doanh điện là một trong những trọng tâm của Bộ Công Thương được quy định tại chỉ thị số 11/CT-BCT của Bộ trưởng.

Kể từ khi ban hành Chỉ thị số 11/CT-BCT đến nay, định kỳ hàng tháng, hàng quý, Bộ Công Thương đã thực hiện công khai trên trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương về tỷ giá USD, giá than, giá dầu trong nước và thế giới, giá khí, cơ cấu sản lượng điện mua, giá mua điện bình quân hàng tháng, phụ tải cực đại và công suất khả dụng của hệ thống điện...

Bên cạnh việc công khai hoạt động sản xuất kinh doanh điện, theo quy định tại quyết định 24, hàng năm, Bộ tiến hành kiểm tra chi phí sản xuất và giá thành sản xuất kinh doanh điện của EVN.

Trên cơ sở báo cáo được kiểm toán, Bộ Công Thương đã thành lập đoàn kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2017 của EVN với sự tham gia của đại diện Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Hội Điện lực Việt Nam, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Sau kiểm tra, đoàn công tác đã báo cáo lãnh đạo Bộ Công Thương và tiến hành họp báo để công khai chi phí giá thành, sản xuất kinh doanh điện của EVN năm 2017 và kết quả kiểm tra này cũng là yếu tố để Bộ đưa vào tính toán, kiểm tra và thẩm định phương án giá điện do EVN báo cáo.

- Xin cảm ơn ông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục