Bộ Ngoại giao Pháp: Khoảng 300 lính đánh thuê đã rời miền Đông Libya

Theo các chuyên gia của Liên hợp quốc, trong cuộc xung đột ở Libya, cả hai bên đã triển khai rộng rãi lính đánh thuê, chủ yếu đến từ Cộng hòa Chad, Sudan và Syria.
Bộ Ngoại giao Pháp: Khoảng 300 lính đánh thuê đã rời miền Đông Libya ảnh 1Binh sỹ Libya gác tại một chốt kiểm soát ở Đông Nam thủ đô Tripoli. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bộ Ngoại giao Pháp cho biết khoảng 300 lính đánh thuê nước ngoài đã rời miền Đông Libya, khởi đầu cho việc rút lui theo từng giai đoạn của hàng nghìn binh lính nước ngoài tham chiến ở cả hai bên trong cuộc xung đột tại quốc gia Bắc Phi này.

Việc rút quân này được các lực lượng miền Đông Libya công bố vào tháng 11/2021 nhằm cụ thể hóa một thỏa thuận do Liên hợp quốc hậu thuẫn và được ký kết giữa các bên tham chiến trong cuộc xung đột thông qua một ủy ban quân sự hỗn hợp chung.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp Anne-Claire Legendre cho biết đợt rút quân này phát tín hiệu tích cực đầu tiên sau hội nghị ngày 12/11/2021 tổ chức tại Paris nhằm phá vỡ bế tắc ở Libya.

[Cố vấn đặc biệt của LHQ: Cần bảo vệ tiến trình bầu cử ở Libya]

Bà Legendre nêu rõ: “Động thái này cần được tiếp tục thực hiện càng nhanh càng tốt để sớm hoàn tất tiến trình rút quân của các đội lính đánh thuê và các lực lượng quân sự nước ngoài tham chiến ở đây."

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp không nói rõ số lính đánh thuê đã rời đi vào thời điểm nào hoặc đến từ đâu, song các nhà ngoại giao cho biết số lính này đến từ nước láng giềng Chad.

Kể từ sau cuộc chính biến lật đổ nhà lãnh đạo Muammer Gaddafi năm 2011, Libya rơi vào tình trạng hỗn loạn, với sự chia rẽ giữa các phe phái chính trị ở miền Đông và miền Tây.

Theo các chuyên gia của Liên hợp quốc, trong cuộc xung đột ở Libya, cả hai bên đã triển khai rộng rãi lính đánh thuê, chủ yếu đến từ Cộng hòa Chad, Sudan và Syria.

Sau khi các phe phái chính trị đạt được lệnh ngừng bắn vào tháng 10/2020, quốc gia Bắc Phi này đã trải qua một năm tương đối hòa bình. Theo lệnh ngừng bắn, các bên kêu gọi tất cả các lực lượng nước ngoài và lính đánh thuê rút quân vào tháng 1/2021. Lời kêu gọi này đã được lặp lại trong hội nghị Paris.

Trong khuôn khổ lộ trình hòa bình dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc nhằm mang lại sự ổn định cho Libya, các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội ở nước này theo dự kiến ban đầu được tổ chức vào ngày 24/12/2021, nhưng đã bị hoãn.

Ủy ban bầu cử Libya cho biết cuộc bỏ phiếu không thể diễn ra vì những bất cập trong luật bầu cử và quy trình kháng nghị tư pháp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục