Bộ Tài chính: Dự kiến tỷ lệ nợ công đến cuối năm ở mức 61,4% GDP

Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, tốc độ gia tăng quy mô nợ công từ mức 18,4%/năm giai đoạn 2011-2015 đã xuống còn khoảng 10%/năm kể từ năm 2016 đến nay.
Bộ Tài chính: Dự kiến tỷ lệ nợ công đến cuối năm ở mức 61,4% GDP ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Tỷ lệ nợ công đến cuối năm nay ở mức 61,4% GDP, thấp hơn trần 65% GDP. Tuy nhiên, ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cũng cảnh báo về tình trạng nợ nước ngoài của các doanh nghiệp theo hình thức tự vay tự trả.

Lãnh đạo Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại đã có cuộc trao đổi cụ thể hơn bao chí về vấn đề này.

- Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về nợ công, ông có thể cho biết những kết quả về quản lý nợ công thời gian qua?

Ông Trương Hùng Long: Các chỉ tiêu nợ công, nợ Chính phủ được kiểm soát chặt chẽ trong giới hạn cho phép. Dự kiến tỷ lệ nợ công đến cuối năm 2018 ở mức 61,4% GDP (giảm từ mức cuối năm 2016 là 63,7% GDP, mức trần đặt ra là không quá 65%), nợ Chính phủ ở mức 52,1% GDP (mức trần là không quá 54%).

Tốc độ gia tăng quy mô nợ công bước đầu cũng đã được kiềm chế, từ mức 18,4%/năm giai đoạn 2011-2015 xuống còn khoảng 10%/năm kể từ năm 2016 đến nay.

Bộ Tài chính cũng đã hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về nợ công. Cụ thể, Bộ Tài chính đã tham mưu, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Quản lý nợ công năm 2017. Để bảo đảm kịp thời thi hành ngay khi Luật có hiệu lực từ 1/7/2018, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành các Nghị định hướng dẫn.

Các nghị định có nội dung tập trung vào việc quản lý chặt chẽ hạn mức nợ công; tăng cường công tác quản lý huy động, sử dụng vốn vay nợ công từ khâu xây dựng chiến lược, kế hoạch và giám sát thực hiện, tăng cường công khai, minh bạch,…

Cơ quan chức năng cũng đã cơ cấu lại danh mục nợ công theo hướng tập trung huy động tại thị trường trong nước, kéo dài kỳ hạn, giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn và chi phí vay vốn. Công tác trả nợ được tổ chức thực hiện chặt chẽ, đúng hạn theo cam kết, giữ uy tín của Chính phủ.

[Sử dụng hàng nghìn tỷ đồng vốn vay ODA cho chi thường xuyên]

- Cụ thể, việc tái cơ cấu nợ Chính phủ được thực hiện theo hướng nào, thưa ông?

Ông Trương Hùng Long: Trong giai đoạn 2016-2018, cơ cấu vay của Chính phủ được tiếp tục thực hiện theo hướng tăng dần tỷ trọng huy động vốn vay trong nước, giảm dần sự phụ thuộc vào vốn vay nước ngoài.

Dự kiến đến cuối năm 2018, tỷ trọng dư nợ trong nước của Chính phủ chiếm khoảng 60% và nợ nước ngoài khoảng 40% (so với tỷ lệ 45% nợ trong nước và 55% nợ nước ngoài vào năm 2015).

Cơ cấu trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn dài từ 10-30 năm ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong tổng khối lượng phát hành hàng năm: giai đoạn 2011-2015 trung bình khoảng 16%, 9 tháng năm 2018 chiếm 86,4%. Kỳ hạn còn lại danh mục trái phiếu Chính phủ tăng dần và cao hơn giai đoạn trước, năm 2011 là 3,2 năm, năm 2016 là 6,0 năm, 9 tháng năm 2018 là 6,7 năm.

Đối với huy động vốn vay nước ngoài, Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ tận dụng vốn vay ODA còn lại trong giai đoạn này, tập trung cho các công trình, dự án trọng điểm. Ngoài ra, vấn đề cần lư ý là hạn chế huy động các khoản vay không đủ điều kiện ODA, có lãi suất cao cho cân đối đầu tư công, chỉ huy động cho các chương trình dự án có khả năng hoàn vốn theo cơ chế vay về cho vay lại.

Ngay từ năm 2016, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ thực hiện công khai điều kiện vay của 6 nhà tài trợ chính để các bộ ngành, địa phương, chủ dự án chủ động đánh giá trong quá trình xây dựng báo cáo tiền khả thi, bảo đảm hiệu quả kinh tế.

Bộ Tài chính: Dự kiến tỷ lệ nợ công đến cuối năm ở mức 61,4% GDP ảnh 2Ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

- Thưa ông, bên cạnh các kết quả đạt được, việc huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công còn những tồn tại nào cần khắc phục?

Ông Trương Hùng Long: Mặc dù công tác quản lý nợ công đã đạt được một số kết quả tích cực trong thời gian qua,song cần tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ trong thời gian tới do cân đối ngân sách còn khó khăn. Ngoài ra, áp lực huy động vốn cho đầu tư phát triển là rất lớn để đạt mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững, chi phí vay vốn nước ngoài có xu hướng tăng do Việt Nam đã trở thành quốc gia thu nhập trung bình.

Bên cạnh đó, mặc dù các chỉ tiêu nợ vẫn trong giới hạn cho phép, tỷ trọng và tốc độ gia tăng nợ nước ngoài của Chính phủ và nợ bảo lãnh Chính phủ đã giảm song theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong các năm 2017 và 2018, nợ nước ngoài của các doanh nghiệp theo hình thức tự vay tự trả tăng đột biến. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến chỉ tiêu nợ nước ngoài của quốc gia tăng nhanh, tiệm cận ngưỡng an toàn được Quốc hội cho phép.

Tuy các khoản nợ tự vay, tự trả nước ngoài của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng không thuộc phạm vi nợ công, song đây là một cấu phần trong nợ nước ngoài của quốc gia và có ảnh hưởng quan trọng trong đến ổn định vĩ mô, an ninh tài chính quốc gia.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng, thực hiện các giải pháp nhằm kiểm soát các khoản vay nước ngoài tự vay, tự trả để bảo đảm chỉ tiêu này trong giới hạn cho phép.

- Giải pháp nào đã được đưa ra để giải quyết các tồn tại trên, thưa ông?

Ông Trương Hùng Long: Trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu an toàn nợ, nâng cao quản lý việc huy động vốn cho ngân sách Nhà nước và cho đầu tư phát triển. Ngoài ra, cần lưu ý thực hiện vay nợ trong phạm vi kế hoạch hàng năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt; kiểm soát chặt chẽ việc vay về cho vay lại và bảo lãnh Chính phủ.

Theo quy định, vốn vay nợ công chỉ sử dụng cho đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên. Do đó, việc tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay phụ thuộc chủ yếu vào hiệu quả xây dựng, lập kế hoạch và thực hiện các chương trình, dự án đầu tư công.

Việc đề xuất dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài phải nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm, phù hợp với kế hoạch vay nợ công trung hạn và hàng năm, và tiến độ thực hiện thực tế của dự án.

Song song với các giải pháp nói trên, chúng ta cũng phải kiểm soát chặt chẽ các khoản vay của chính quyền địa phương và hoạt động vay nợ nước ngoài của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng theo hình thức tự vay, tự trả./.

- Cảm ơn ông vì cuộc trò chuyện!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục